Người phụ nữ khuyết tật và vụ kiện “25 USD”
Người phụ nữ ôm đôi nạng, đau đớn với gót chân đang rỉ máu, lê từng bước nặng nhọc vào tòa... chỉ để đòi bằng được một lời xin lỗi và số tiền 25 USD. Phía bị đơn, một hãng hàng không lớn, đã từ chối dù cho phải tới lui hầu tòa.

Người phụ nữ khuyết tật và vụ kiện "25 USD"

Người phụ nữ khuyết tật và vụ kiện "25 USD"

Người phụ nữ ôm đôi nạng, đau đớn với gót chân đang rỉ máu, lê từng bước nặng nhọc vào tòa... chỉ để đòi bằng được một lời xin lỗi và số tiền 25 USD. Phía bị đơn, một hãng hàng không lớn, đã từ chối dù cho phải tới lui hầu tòa.

Nguyên đơn nói về vụ kiện của mình bắt đầu câu chuyện của đời chị, về cuộc sống bị đảo lộn sau cái ngày xảy ra tai nạn khủng khiếp. "Lúc tỉnh lại biết mình mất đi một chân và phần gót chân còn lại, đau đớn lắm!. Nhưng nỗi đau thể xác không thể so sánh được với sự khủng hoảng về tinh thần của mình lúc đó, thật sự chỉ muốn chết đi cho xong...", chị bồi hồi nhớ lại.

Thế rồi tình cảm của người thân và gia đình đã giúp chị vượt qua tất cả khó khăn và nỗi bất hạnh. Tình yêu như một phép mầu nhiệm đã tiếp thêm cho chị biết bao nghị lực khi chị may mắn có được mái ấm hạnh phúc bên người chồng là một kỹ sư trẻ và một cô con gái đáng yêu. Mới đây, gia đình nhỏ bé ấy đã được nhiều người biết đến trong chương trình "người xây tổ ấm" của VTV3. Chị tâm sự rằng, trong thâm tâm, chị đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Hiện tại, chị là phóng viên của một tạp chí Du lịch và là lãnh đạo của cộng đồng người tàn tật tại một trường Đại Học ở Hà Nội, nơi chị đã theo học suốt 4 năm. Chính tại đây, với các hoạt động của mình, chị đã được mời đi dự hội thảo về Người khuyết tật ở Châu Á và Thế giới.

Mẹ con nguyên đơn tại chương trình "Người xây tổ ấm". Ảnh: Y.H.

Hôm ấy, (12/08/2007) nhận được thông báo mình đạt giải cao trên một tạp chí truyền hình ở Hà Nội, chị ôm đứa con gái vừa 6 tháng tuổi từ Sài Gòn vội ra Bắc ngay để kịp nhận giải thưởng.

Khi lo cho vợ con ở sân bay, chồng chị được nhân viên tại đây thông báo "chị là người khuyết tật, việc phục vụ khách như chị hiện không còn miễn phí nữa nên phải mua thêm phí vận chuyển ra máy bay từ hai đầu sân bay (Tân Sơn Nhất - Nội Bài) là 50 USD". Anh đồng ý.

Trình bày với tòa, chị cho biết, ở sân bay Nội Bài, khi chị được đưa từ máy bay xuống, đang luống cuống với hai chiếc nạng gỗ nặng nề, chị được hai nhân viên hàng không xách hộ hành lý và một người bế đứa con nhỏ giùm chị khiến chị rất hàm ơn. Tuy nhiên, vì không thể tự đi như vậy được, chiếc chân còn lại đã bị mất gót đang rỉ máu, mà quãng đường đến chỗ thân nhân đón còn quá xa nên chị miễn cưỡng đề nghị hai nhân viên kia cho mình được ngồi xe lăn. Đáp lại yêu cầu đó, nữ nhân viên lạnh lùng "dịch vụ xe lăn chưa sẵn sàng... chị đã đi từ ngoài ấy vào được thì đi bộ nốt ra ngoài đi!"

Nghẹn giọng, chị thổ lộ với tòa rằng, chị thấy bị "xúc phạm và rất tủi thân" nên quyết định ủy quyền cho chồng khởi kiện đòi lại một nửa số tiền mà gia đình anh đã bỏ ra mua "dịch vụ xe lăn" và buộc cô nhân viên đã có lời nói bất nhã phải xin lỗi chị.

Ngược lại, phía hãng hàng không một mực từ chối yêu cầu của nguyên đơn với những lý lẽ: "Khi mua vé, khách hàng không thông báo về tình trạng khuyết tật của mình, theo điều lệ của chúng tôi thì có thể bị từ chối vận chuyển. Nhưng vì thấy hoàn cảnh của bà ấy đi cùng con nhỏ, chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ bằng cách mua dịch vụ xe phục vụ người tàn tật của một đơn vị khác với số tiền 50 USD, và đây đã là mức giá giảm đặc biệt".

Phía bị đơn cũng trình bày thêm: "Thật ra hôm đấy khách hàng nói có thể tự đi được nên chúng tôi không lấy xe lăn phục vụ, nhưng hai nhân viên của chúng tôi đã giúp chị xách hành lý và bế em bé. Như vậy không thể cho rằng chúng tôi không có sự hỗ trợ đối với khách hàng là người khuyết tật".

Mặc dù vậy, hãng vận tải này cũng thừa nhận "có thiếu sót trong việc ghi hóa đơn", hóa đơn thu phí 50 USD đáng lẽ phải ghi là phí xe nâng chứ không phải xe lăn vì dịch vị này hoàn toàn được miễn phí. Đối với yêu cầu xin lỗi của nguyên đơn, hãng này cũng không chấp nhận và khẳng định, "nhân viên của chúng tôi được đào tạo rất bài bản và chuyên nghiệp, không thể có chuyện họ có lời nói thiếu hòa nhã với khách hàng được".

Quá bức xúc trước thái độ trên, chị đã phải lặn lội từ Quảng Ninh vào để đối chất với hai nhân viên ấy, tuy nhiên "lời nói gió bay", nên họ vẫn không chấp nhận. Vị chủ tọa ái ngại hỏi: "Thế anh chị có chứng cứ gì khi cho rằng phía bị đơn đã có lời nói thiếu hòa nhã với vợ anh không?". Đáp lại chỉ là lời nói xót xa của chồng chị: "Thưa tòa, đó chỉ là lời nói thôi, làm sao có chứng cứ được...". .

Tiếp tục trình bày, anh nói như tâm sự: "Để theo vụ kiện này, vợ chồng tôi mất rất nhiều công sức và tiền bạc - hơn cả số tiền yêu cầu bồi thường vì phải đi lại nhiều. Chúng tôi chỉ muốn tìm một lời xin lỗi chính đáng nhưng suốt thời gian qua vẫn không thể làm được".

Sau nhiều buổi làm việc, tòa xét thấy sự trình bày của bị đơn là có cơ sở vì "đơn vị thứ ba" đã có văn bản xác nhận số tiền 50 USD đã nhận từ hãng hàng không này là phí cho xe nâng nên yêu cầu đòi lại 25 USD của nguyên đơn là không chấp nhận được. Tuy nhiên hãng này "cũng cần chấn chỉnh cách ghi cho rõ ràng trên hóa đơn nhằm tránh gây hiểu lầm cho khách hàng". Việc chị yêu cầu được xin lỗi vì đã phải nhận những lời nói "thiếu hòa nhã" không có chứng cứ nên tòa cũng bác.

Phiên tòa kết thúc, người đại diện hãng hàng không cùng luật sư bước nhanh ra ngoài.

Còn phía nguyên đơn cố mỉm cười với những người bạn đã nhiệt tình ủng hộ họ trong vụ kiện này. Sau những cái bắt tay chia sẻ, gia đinh chị cho biết, sẽ tiếp tục theo đuổi vụ này dù kết quả có thế nào. "Nếu vẫn thua, ít ra tôi cũng góp thêm tiếng nói để xã hội quan tâm hơn nữa tới những người khuyết tật..." người chông tâm sự.

Theo Tin Nhanh