Thanh Sơn: Nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè
PTĐT - Thanh Sơn có diện tích chè gần 2.500ha, trong đó có trên 90% diện tích đã cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 11,5 tấn/ha, sản lượng đạt xấp xỉ 26.000 tấn búp chè tươi mỗi năm.

Thanh Sơn: Nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè

Người dân xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn cơ giới hóa trong thu hoạch chè nhằm giảm chi phí sản xuất.

PTĐT - Thanh Sơn có diện tích chè gần 2.500ha, trong đó có trên 90% diện tích đã cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 11,5 tấn/ha, sản lượng đạt xấp xỉ 26.000 tấn búp chè tươi mỗi năm. Xác định chè là cây chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo, huyện đã tập trung chuyển đổi diện tích chè hạt, già cỗi, hiệu quả kém sang các giống chè mới cho năng suất cao như: LDP1, LDP2, PH1,… Đến nay, diện tích chè thay thế được trên 60% diện tích.

Cùng với chuyển đổi giống chè, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, người dân đã đổi mới cách làm, cách chăm sóc, sử dụng phân bón, phun thuốc trừ sâu theo đúng quy trình, hiệu quả kinh tế từ cây chè đã được nâng lên rõ rệt. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện 10 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 8 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến chè, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Sự xuất hiện của các cơ sở thu mua và chế biến chè ngay trên địa bàn huyện giúp cho người dân tiêu thụ búp chè tươi thuận lợi và giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 5 làng nghề sản xuất và chế biến chè phân bố ở 4 xã: Sơn Hùng, Thục Luyện, Địch Quả và Võ Miếu.

Năm 2017 doanh thu các làng nghề sản xuất và chế biến chè đạt trên 30 tỷ đồng. Thông qua các làng nghề, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về sản xuất chè an toàn và hiệu quả. Tại các gia đình, người dân đã đầu tư vốn mua lò chế biến chè mini để sản xuất chè thành phẩm, chủ yếu là lò quay bằng bê tông. Một số hộ đã chuyển sang lò quay chè bằng thép inox, có điều chỉnh nhiệt độ tự động để nâng cao chất lượng chè. Hiện nay, toàn huyện có gần 300 lò chế biến chè mini.

Địch Quả là xã có 345ha chè, người dân sống chủ yếu dựa vào cây chè. Qua các năm, diện tích cây chè có xu hướng tăng do một số hộ chuyển đổi diện tích đất vườn sang trồng chè. Với kinh nghiệm sản xuất chè lâu năm, người dân nơi đây nắm chắc các quy trình sản xuất chè và đổi mới cách đốn, tỉa, chăm sóc. Đến nay, năng suất chè của xã đạt trung bình 12 tấn/ha, một số vùng chè thuộc Công ty chè Phú Đa có năng suất 17 - 18 tấn/ha. Người dân không chỉ bán búp chè tươi, nhiều hộ tận dụng nguồn lao động “lấy công làm lãi” đã sơ chế chè khô dạng thô, bán cho các cơ sở thu mua đóng trên địa bàn xã.

Ông Hoàng Văn Thân ở khu Muôi cho biết: “Hơn 30 năm nay, gia đình tôi gắn bó với nghề trồng chè, trước đây tôi trồng các giống chè hạt, cây thấp, tán nhỏ nay chuyển sang giống chè LDP1, năng suất tăng lên đáng kể. Vào vụ chè, tôi sơ chế qua lò mini rồi bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, lãi gấp 2 - 3 lần so với bán búp chè tươi”. Để tăng thêm thu nhập, những lúc nguyên liệu trên địa bàn xã khan hiếm, các hộ dân thu mua chè búp tươi từ các nơi khác, sơ chế thành chè khô bán cho các doanh nghiệp. Hiện nay, trong xã có trên gần 100 máy chế biến chè mini và hàng chục máy thu hoạch chè.

Bằng những định hướng phát triển cụ thể, hiệu quả từ cây chè trên đất Thanh Sơn đã được khẳng định. Không chỉ dừng lại ở bán búp chè tươi, chè thô, một số cơ sở đã sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn. Điển hình như HTX chè an toàn Thanh Hà, xã Võ Miếu, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nên năng suất chè của HTX đã đạt trên 20 tấn/ha, sử dụng với công nghệ chế biến chè hiện đại đã nâng giá thành sản phẩm lên trên 200.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với sản xuất chè thông thường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Hoan - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè, trong thời gian tới, huyện khuyến khích người dân nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn, xây dựng vùng chè tập trung; chuyển đổi diện tích chè cằn, già cỗi sang các giống mới; tích cực tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển theo chuỗi gắn vùng nguyên liệu với bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay”.

Hà Nhung

Hà Nhung