Lâm Thao: Làm rõ việc công an viên chặn không cho máy gặt xuống đồng
PTĐT - Trong khi ở khắp nơi đang khẩn trương bước vào thu hoạch cho vụ mùa, thì ở những thửa ruộng Cao Mại, thị trấn Lâm Thao lại đang nóng lên về câu chuyện công an viên chặn không cho máy gặt xuống đồng để gặt lúa.

Lâm Thao: Làm rõ việc công an viên chặn không cho máy gặt xuống đồng

Hình ảnh được cắt ra từ clip ghi lại 4 công an viên ngăn cản không cho máy gặt xuống đồng gây bức xúc trong dư luận.

PTĐT - Trong khi ở khắp nơi đang khẩn trương bước vào thu hoạch cho vụ mùa, thì ở những thửa ruộng Cao Mại, thị trấn Lâm Thao lại đang nóng lên về câu chuyện công an viên chặn không cho máy gặt xuống đồng để gặt lúa. Một số người dân đã quay đoạn clip, đăng tải trên mạng xã hội và đang được chia sẻ 1 cách công khai, tốc độ nhanh. Phóng viên Báo Phú Thọ điện tử đã về cánh đồng Cao Mại để tìm hiểu rõ hơn sự việc này.

Ngày 29/9, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một số cán bộ công an viên ngăn cản không cho máy gặt lúa xuống ruộng. Theo hình ảnh clip ghi lại, bốn người mặc đồng phục công an viên tranh luận gay gắt với một số người dân trên đường bê tông chạy giữa cánh đồng.

Các công an viên yêu cầu những người điều khiển máy về trụ sở làm "hợp đồng", nếu không thực hiện sẽ không được xuống ruộng làm việc. Người dân có mặt trong clip thì phản đối, họ cho rằng yêu cầu này vô lý. Một phụ nữ trong clip nói: Máy chúng tôi phục vụ nông nghiệp, luật nào được chặn đường. Sao lại đưa công an ra đây chặn.

Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự theo dõi của dư luận. Ai cũng tỏ ra bức xúc trước việc làm của cán bộ xã ngăn cản không cho người dân xuống gặt lúa. Nhiều ý kiến cho rằng, công an viên đang có dấu hiệu "bảo kê" máy gặt tại địa phương.

Trước sự việc trên, chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Thành Đồng – Chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này. Ông Đồng cho biết, UBND thị trấn đã nắm bắt được sự việc đăng tải trên mạng xã hội và xác nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, đây không phải là bảo kê hay có mục đích lợi ích nhóm.

Theo ông Đồng, nhiều năm trước đây trên địa bàn đã xảy ra tình trạng các chủ máy gặt xô xát, tranh giành ruộng của nhau, ruộng dễ thì làm còn ruộng xấu thì bỏ, hàng trăm mét kênh mương bị vỡ nhưng không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy 3- 4 năm nay UBND thị trấn đã có quy định những máy gặt khi về gặt cho bà con nhân dân thị trấn phải vào làm việc, thông báo và làm cam kết với chính quyền địa phương không được làm vỡ bờ mương khi tiến hành gặt lúa nếu làm vỡ phải xây lại. Ngoài ra, khi gặt cho bà con những ruộng xấu, lầy lội cũng phải gặt chứ không bỏ.

Hợp đồng thỏa thuận thu hoạch lúa vụ mùa năm 2018 cho bà con nhân dân thị trấn Lâm Thao được nhiều bà con đồng tình ủng hộ.

Việc UBND thị trấn đưa ra chủ trương yêu cầu các chủ máy gặt phải ký cam kết đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con nhân dân trên địa bàn cụ thể bằng việc hiện có 8 máy gặt đang hoạt động trên địa bàn thì có tới 7 máy đã làm cam kết chỉ có duy nhất gia đình bà Yên là không đồng thuận cho nên chúng tôi buộc phải yêu cầu chủ máy này tạm dừng để giải thích rõ chủ trương của chính quyền sở tại. Chúng tôi làm là vì dân, quyền lợi của người dân chứ không có chuyện bảo kê như gia đình bà Yên nói, ông Đồng khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Tân – Trưởng công an thị trấn Lâm Thao cho biết: Gia đình bà Yên không chấp hành theo chủ trương của thị trấn, cho nên chúng tôi yêu cầu họ viết cam kết: Không phá giá làm hỗn loạn, gây mâu thuẫn; ruộng sâu, trũng cũng phải gặt cho dân chứ không chỉ gặt ruộng cao; khi làm hỏng kênh mương chủ máy mặt có trách nhiệm sửa lại nguyên vẹn như ban đầu. Tuy nhiên, mặc cho chúng tôi giải thích thế nào họ cũng không nghe, còn dùng những lời lẽ không đúng mực và quay clip đưa lên mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Bình – người dân thôn Lâm Nghĩa, thị trấn Lâm Thao.

Có mặt trên cánh đồng thị trấn Lâm Thao, sáng ngày 1/10 theo quan sát của phóng viên, những chiếc xe gặt lúa vẫn đang thu hoạch lúa cho người dân. Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Bình, thôn Lâm Nghĩa, thị trấn Lâm Thao cho biết: Trước kia cứ đến mùa gặt là chúng tôi phải chạy theo máy, ruộng đồng cao không sao, chứ ruộng trũng, lầy là y rằng chủ máy họ bỏ không gặt cho hoặc ép giá rất cao. Tuy nhiên, từ khi thị trấn đưa ra chủ trương yêu cầu các chủ máy phải viết cam kết không xảy ra tình trạng bỏ ruộng lầy, trũng, không phá giá nữa. Chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương của thị trấn.

Còn bà Đỗ Thị Yên – chủ máy gặt xảy ra xô xát với công an thị trấn chiều ngày 29/9 cho rằng: Gia đình chúng tôi mua máy gặt và phục vụ cho bà con 5-6 năm nay rồi, chưa bao giờ phải viết giấy cam kết thì mới được xuống đồng. Chúng tôi bỏ ra hàng triệu đồng mua máy để làm ăn chứ có đi xin cơ quan nào đâu mà bắt người dân phải viết giấy cam kết. Công an viên làm vậy là lộng quyền, chặn đường làm ăn của người dân, có sự bảo kê các máy khác. Bà Yên cũng cho hay: Gia đình tôi không việc gì phải thực hiện theo chủ trương của thị trấn, ai thuê thì tôi gặt. Tôi là người địa phương chỉ có những máy gặt từ nơi khác đến mới phải làm cam kết thôi.

Sáng 1/10, tại cánh đồng Cao Mại, những máy gặt vẫn đang thu hoạch lúa cho bà con.

Trao đổi với PV, ông Trần Hoài Giang – Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho biết: Sau khi nhận được thông tin sự việc, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành liên quan điều tra làm rõ sự việc, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Báo Phú Thọ điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hoàng Quý

Hoàng Quý