Quản lý hiệu quả, phát triển bền vững
baophutho.vn Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản là tiền đề để phát triển bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Quản lý hiệu quả, phát triển bền vững

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản là tiền đề để phát triển bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Quản lý hiệu quả, phát triển bền vững

Tận dụng tài nguyên đất, người dân xã An Đạo, huyện Phù Ninh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa vàng, cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Xác định đất đai đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở quy định của Luật Đất đai, các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh đã tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành, thị. Trong đó, tỉnh ưu tiên quy hoạch quỹ đất phục vụ phát triển lúa chất lượng cao nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng các khu xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh cũng đã quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống và khu sản xuất, kinh doanh tập trung. Đồng thời, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo quỹ đất sạch thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Song hành với công tác quy hoạch phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tỉnh thực hiện các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác, từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất, tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch về dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dồn đổi ruộng đất trên địa bàn được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để tăng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo tiền đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Đến năm 2020, địa bàn toàn tỉnh đã triển khai đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính tại 129 xã, thị trấn của 13 huyện, thành, thị với diện tích 232.823,71ha, trong đó đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện điểm Yên Lập, hiện đang quản lý, vận hành bằng công nghệ số.

Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Các nội dung đề án đang được ngành Tài nguyên và Môi trường, các địa phương nỗ lực thực hiện. Hiện nay đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của bốn huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê; triển khai đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính đối với 50 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành, thị; các xã, phường, thị trấn còn lại đang khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán để triển khai đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính trong năm 2023. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 75% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn được đo đạc bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đáp ứng mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu đất đai từ địa phương đến Trung ương.

Đối với tài nguyên nước trên địa bàn, công tác quản lý cũng được tăng cường, việc khai thác, sử dụng đã đi đôi với bảo vệ. Tỉnh hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt và công bố danh mục các nguồn nước mặt phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh; phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác, cấp nước sinh hoạt tập trung. Ngoài ra, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quan trắc; điều tra, đánh giá xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất; điều tra khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; khu vực cấm, hạn chế việc lấn sông trừ mục đích công cộng, quốc phòng an ninh; rà soát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, từng bước cải thiện chất lượng nước, đáp ứng như cầu sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Cùng với đó, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được tỉnh, ngành chức năng quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo nguồn dự trữ cho tương lai, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường. Tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương Bảy khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phú Thọ đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành để thực thi chính sách pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn; ký kết các quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản với các tỉnh có địa giới giáp ranh; xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác không đúng quy định pháp luật; xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (cát, sỏi lòng sông); tăng cường giám công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác khoáng sản…

Theo đồng chí Phạm Văn Quang- TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và người dân. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án nhằm tăng thu ngân sách từ đất. Tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch thăm dò, khác thác và chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên, đề xuất biện pháp ngăn chặn, xử lý khai thác trái phép. Đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đặc biệt là vụ việc tồn đọng kéo dài về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường. Kịp thời phát hiện, xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường…

Lệ Oanh

Lệ Oanh