Không phải đến bây giờ, câu chuyện thiếu giáo viên (GV) mới “nóng” trên nghị trường Quốc hội hay trong các hội nghị quan trọng của ngành Giáo dục. Nhiều năm qua, thực trạng thiếu GV ở các cấp học, bậc học vẫn thường xảy ra vào đầu mỗi năm học. Bước vào năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Đất Tổ cũng phải đối diện với nhiều khó khăn từ việc thiếu giáo viên. Những ngày đầu năm học mới, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT.
Phóng viên: Thưa đồng chí, bước vào năm học 2022-2023, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh ta đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, vậy tình trạng này trên địa bàn tỉnh ta diễn ra như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh: Năm học mới 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 26.800 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên (NV) với hơn 383.000 học sinh tại hơn 890 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn. Đây là năm thứ ba thực hiện Chương trình GDPT mới, do đó cùng với việc xây dựng, tu sửa trường lớp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành GD&ĐT và các cấp chính quyền địa phương tập trung đảm bảo các điều kiện về nhân lực, vật lực với mục tiêu thực hiện thành công đổi mới GD&ĐT. Tuy nhiên, sau khi rà soát, so với biên chế thời điểm hiện tại, toàn tỉnh hiện còn thiếu so với chỉ tiêu giao 821 CBQL, GV, NV, trong đó mầm non thiếu: 395 CBQL, GV, NV; bậc tiểu học thiếu: 184 CBQL, GV, NV; bậc THCS thiếu: 153 CBQL, GV, NV; bậc THPT thiếu: 55 CBQL, GV, NV; bậc GDTX thiếu: 34 CBQL, GV, NV. Ngoài ra, hợp đồng GV, NV trong các trường công lập thiếu trên 3.000 GV giữa chỉ tiêu giao so với nhu cầu. Năm học 2020-2021 và 2021-2022, toàn tỉnh có 216 GV thôi việc, trong đó mầm non là 121 GV (trong biên chế 64, hợp đồng 57), tiểu học 27 GV, THCS 34 GV, THPT và GDTX là 34 GV (biên chế 18, hợp đồng 16), GV thôi việc chiếm tỉ lệ 0,92%.
Phóng viên: Vậy theo đồng chí, nguyên nhân của tình trạng đó do đâu?
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh: Quy mô trường lớp tăng cao trong những năm gần đây, nhất là ở bậc tiểu học và THCS, trong khi số lượng giáo viên được giao cơ bản ổn định (không tăng). Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, do vậy bậc học mầm non gần đây chưa được giao tuyển dụng, còn thiếu so chỉ tiêu số lượng người làm việc đã được giao. Những năm gần đây, do yếu tố kinh tế thị trường, giá cả tăng cao, đời sống một số giáo viên không đảm bảo, hơn nữa, do áp lực công việc, nhất là GV mầm non làm việc cả ngày, nhiều rủi ro, GV phổ thông thực hiện Chương trình GDPT mới một số GV năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu, một số GV tuổi cao xin nghỉ trước tuổi, một số do sức khỏe dẫn đến tình trạng GV xin thôi việc.
Giáo viên tiểu học huyện Đoan Hùng sinh hoạt chuyên đề thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp một.
Không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành Giáo dục trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thời gian qua. Điều này đã và đang góp phần làm giảm sự mất cân đối giữa cung, cầu trong đào tạo cùng cơ hội việc làm của học sinh khi lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Đặc biệt, với ngành sư phạm, việc nâng chất lượng tuyển sinh, đổi mới phương pháp đào tạo để có những “sản phẩm” tốt phục vụ sự nghiệp “trồng người” ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều học sinh vẫn thích chọn vào học để trở thành giáo viên ở những bộ môn như: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, nhiều hơn là những môn như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân... Đây là một trong những lý do khiến nhiều địa phương thiếu GV bộ môn dạy Âm nhạc, Mĩ thuật... trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 có một số môn mới đưa vào chương trình bắt buộc như: Tin học, Tiếng Anh ở lớp ba, môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc THPT trong khi không được giao bổ sung biên chế, không tuyển dụng bổ sung đủ giáo viên theo yêu cầu.
Phóng viên: Trước thực trạng đó, ngành GD&ĐT đã có những giải pháp gì để thu hút, giữ chân, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh: Ngành GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, thúc đẩy, tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị, thành tham mưu cho UBND tỉnh chủ trương tuyển dụng bổ sung giáo viên, đào tạo nâng chuẩn, giao nhiệm vụ đào tạo GV theo nhu cầu xã hội; chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát, tham mưu sắp xếp, bố trí GV giữa các trường trên địa bàn, từng bước đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu, hạn chế tối đa việc giáo viên dạy trái môn. Đối với môn Âm nhạc, Mĩ thuật sẽ huy động GV từ các trường khác, còn với các môn học khác phải ký hợp đồng. Bên cạnh đó, đào tạo tại chỗ số lượng giáo viên hiện có để phục vụ lâu dài, những GV dôi dư có trình độ trung cấp Tin học được định hướng đi bồi dưỡng để dạy Tin học ở bậc tiểu học.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nâng chuẩn, đào tạo văn bằng hai để sử dụng hiệu quả một số giáo viên ở những môn còn dôi dư; duy trì chính sách hỗ trợ đối với GV hợp đồng ở mầm non để đảm bảo tỉ lệ giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục công lập. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm áp lực đối với cơ sở giáo dục công lập. Tăng cường giao tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập, tự chủ một phần chi thường xuyên, giám sát số lượng nhân viên làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục chủ động trong hợp đồng giáo viên...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hạnh Thúy