Vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến tình trạng sạt lở đất ở hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khiến hai người tử vong, năm người khác bị thương, hư hại nhiều tài sản. Điều đáng nói là, từ câu chuyện sạt lở đất, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ngoài yếu tố thiên tai còn có yếu tố con người, có hay không việc “sạt lở” tinh thần trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ?. Những ngày này, dư luận lại hướng sự quan tâm nhiều đến phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu”. Bản án sơ thẩm đã được tuyên, những hành vi sai phạm phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật, nhưng qua đây một lần nữa câu chuyên “sạt lở” đạo đức công vụ lại hiện hữu. Vậy nên, làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng “sạt lở” tinh thần trách nhiệm, “sạt lở” đạo đức công vụ không còn là chuyện cũ, việc riêng của một cấp, một ngành mà cần sự chung tay của toàn xã hội với những chế tài, giải pháp mạnh mẽ, căn cơ, đồng bộ.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tình hình sạt lở bờ hữu sông Thao đoạn qua xã Hà Thạch, TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Quay trở lại câu chuyện sạt lở đất ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm đó, do mưa lớn đã làm vỡ bờ kè taluy bê tông chắn đất từ trên cao khiến một lượng lớn đất đá đổ sập xuống các ngôi nhà phía dưới trong khu vực hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 làm một lán trại công nhân và một ngôi nhà kiên cố bị vùi lấp, phá hủy hoàn toàn, ba ngôi nhà từ hai đến bốn tầng khác bị vùi lấp một phần, đổ nghiêng, hư hỏng. Nghiêm trọng hơn, vụ sạt lở đất đã làm hai công nhân xây dựng đang ngủ trong lán trại bị vùi lấp, tử vong, năm người trong ngôi nhà khác bị thương... Ngay sau sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất và chủ động đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, đồng thời kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có).
Liên quan đến sự việc trên, trong cuộc họp báo chiều 10/7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, có nhiều dấu hiệu vi phạm trong vụ sạt taluy ở Đà Lạt khiến hai người tử vong. Dự án được cấp phép dưới hành lang điện, thi công sai ranh giới, chưa tính toán hết khối lượng khoảng 6.000m3 đất dồn lên bờ taluy quá lớn. Việc giật cấp khoảng cách quá ngắn nên khi gặp thời tiết mưa lớn khiến bờ taluy không chịu được lực dẫn tới sạt lở. Cùng với đó, sau khi kiểm tra, rà soát phát hiện địa phương cấp quyền sử dụng đất tại đất công cộng trước đây, việc thi công chưa sát với giấy phép đã được cấp, từ hai thửa đất ban đầu, chủ đất đổ bờ taluy để chia thành bốn lô... Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Uy V. - Giám đốc Công ty CP xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng (đơn vị thiết kế, thi công bờ taluy) và ông Dương Viết P. - cán bộ giám sát thi công dự án để điều tra những sai phạm liên quan, bước đầu đã có cá nhân thuộc cơ quan công quyền bị đình chỉ công tác.
Các bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” nghe Tòa tuyên án. (Ảnh Báo Thanh niên)
Rồi đây, có lẽ câu chuyện sạt lở đất nói trên sẽ không dừng ở đó, những sai phạm sẽ được chỉ ra, vai trò, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được làm rõ, có hay không việc “sạt lở” tinh thần trách nhiệm cũng sẽ tìm thấy câu trả lời từ chính những người thực thi công vụ nhưng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Đối với “Chuyến bay giải cứu”, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Thế nhưng, lợi dụng chủ trương đúng đắn, nhân văn đó, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp cùng các đối tượng khác đã coi thường kỷ cương phép nước, “bỏ quên” đạo đức công vụ, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhẫn tâm thu lời bất chính trên nỗi đau đồng bào.
Qua báo chí, truyền thông cho thấy, có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, bốn cá nhân môi giới hối lộ trên 74 tỉ đồng và lừa đảo, chiếm đoạt gần 25 tỉ đồng. Sau gần ba tuần xét xử và nghị án, chiều 28/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” với các tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, Tòa đã tuyên phạt mức án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” đối với ba bị cáo: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) và tuyên phạt các án tù khác.
Điều khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ là, các đối tượng phạm tội có cả những người từng giữ cương vị cao trong cơ quan nhà nước, trong bộ máy công quyền, cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trợ lý Phó Thủ tướng; Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP; Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an... Rõ ràng, những người này không chỉ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bị “xói mòn” nhân cách, đạo đức công vụ mà còn bất chấp đạo lý, để lợi ích vật chất lấn át nghĩa đồng bào ruột thịt, coi thường pháp luật, mưu lợi cá nhân, để lại hình ảnh xấu về người cán bộ, công chức, viên chức, gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào cơ quan nhà nước, vào bộ máy công quyền...
Viện dẫn hai trong số những câu chuyện như trên để nói về sự “sạt lở” tinh thần trách nhiệm, “sạt lở” đạo đức công vụ (nếu có thể gọi là như thế) để thấy rằng, ngăn ngừa, phòng tránh hiệu quả, không để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm không của riêng ai mà là cả cộng đồng xã hội và trước hết của bản thân mỗi người. Trong đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; đưa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên, liên tục, là “kim chỉ nam” cho việc rèn luyện, phấn đấu của mỗi tổ chức, cá nhân.
Đi đôi với khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, ý chí phấn đấu hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện từ sớm, từ xa, xử lý kịp thời những hành vi lệch chuẩn. Xã hội thường xuyên đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, có chế tài đủ mạnh để đủ sức răn đe, phòng ngừa. Cộng đồng cùng tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những “công bộc” ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Hơn cả, mỗi cá nhân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, vượt qua cám dỗ vật chất đời thường, đặt lợi ích của tập thể, Quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, lẽ sống...
Tiến Dũng