Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề
PTĐT - Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; qua đó góp phần kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề

Phụ huynh thực hiện quy định cổng trường ATGT khi đưa đón con tại Trường Tiểu học Xuân Thủy, huyện Yên Lập.

PTĐT - Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; qua đó góp phần kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.

Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia - Bộ Công an, Ban ATGT tỉnh Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát cơ động và Bệnh viện Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề như: Tổng kiểm soát xe ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô; xử lý người điều khiển phương tiện giao thông trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ, khép kín tuyến, địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối tượng gây ra tai nạn giao thông; xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, nồng độ cồn…Năm 2019 lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản gần 91.000 trường hợp, phạt tiền 62,3 tỷ đồng, tạm giữ hơn 19.200 phương tiện, tước giấy phép lái xe gần 12.000 trường hợp. Trong đó, thực hiện chuyên đề xử lý xe ô tô chở khách đã xử phạt 2.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 2,5 tỷ đồng; chuyên đề ma túy 9 trường hợp, nồng độ cồn gần 13.400 trường hợp, phạt tiền trên 26 tỷ đồng, tạm giữ gần 13.400 phương tiện, tước giấy phép lái xe 11.250 trường hợp.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề cho thấy ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, điều khiển phương tiện còn tùy tiện, theo thói quen, nhất là vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm… Có những trường hợp khi lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra không chấp hành hiệu lệnh, bỏ phương tiện, lăng mạ, xúc phạm, hoặc lao xe vào cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ, lập nhóm công khai trên mạng xã hội thông báo cho nhau để trốn tránh tổ kiểm tra...

Ngày 1/1/2020 Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành, nâng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm; trong đó đối với xe mô tô mức phạt cao nhất từ 6 triệu đến 8 triệu đồng; xe ô tô mức phạt cao nhất từ 30 triệu đến 40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định này, lực lượng thực thi nhiệm vụ đã gặp phải một số khó khăn trong việc xử lý đó là: Với xe mô tô giá trị không cao người vi phạm thường bỏ phương tiện, không chấp hành nộp phạt; đối với xe ô tô người điều khiển vi phạm không chấp hành ký biên bản vì xe không chính chủ...

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT nói chung, xử lý theo chuyên đề nói riêng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo bảo đảm TTATGT theo Kết luận số 45 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 09 của Chủ tịch UBND tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; qua đó góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về Luật giao thông phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn từng địa bàn, từng đối tượng. Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ; các quy tắc giao thông, các điều kiện đảm bảo ATGT về người, phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông; hoạt động vận tải; quản lý Nhà nước về giao thông; hậu quả thiệt hại về người, tài sản do tai nạn giao thông gây ra. Lực lượng CSGT làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, chủ động xây dựng các kế hoạch tuần tra kiểm soát cụ thể, chi tiết, phù hợp từng thời điểm, phân công lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín tuyến, địa bàn; tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT với lực lượng cảnh sát khác trong tuần tra kiểm soát, xử lý theo chuyên đề…

Thúy Hằng

Thúy Hằng