Nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS
PTĐT - Những năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số người nhiễm mới có xu hướng giảm. Những người nhiễm HIV đã được điều trị ARV có thể có cuộc sống như bình thường, lâu dài, hòa nhập cộng đồng và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS

Hàng tháng, nhóm tiếp cận cộng đồng của thành phố Việt Trì họp giao ban để triển khai công việc và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động.

PTĐT - Những năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số người nhiễm mới có xu hướng giảm. Những người nhiễm HIV đã được điều trị ARV có thể có cuộc sống như bình thường, lâu dài, hòa nhập cộng đồng và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1995, đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 4.400 người nhiễm HIV ở 13/13 huyện, thành, thị. Trong 5 năm (từ 2013 - 2017), trung bình mỗi năm có khoảng 250 người nhiễm HIV mới được phát hiện, 56 bệnh nhân chuyển AIDS và 44 người tử vong do AIDS. (Riêng hai năm 2013-2014, mỗi năm phát hiện trên 320 người nhiễm HIV). 3 năm gần đây, số người nhiễm mới được phát hiện chỉ trên, dưới 200 người/năm, số người nhiễm HIV, chuyển AIDS và tử vong do AIDS có xu hướng giảm dần từng năm.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác tuyên truyền được chú trọng từ tỉnh đến cơ sở với các hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các cuộc họp ở khu dân cư để người dân hiểu được các cơ chế lây nhiễm và phương pháp điều trị bằng thuốc ARV để giảm tải lượng virut, giảm số người mắc mới, phòng chống lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, đối với nhóm nguy cơ cao thì những nhân viên tiếp cận cộng đồng là những người trực tiếp tư vấn thực hiện việc tuyên truyền cho các đối tượng này những kiến thức cơ bản để hiểu HIV lây nhiễm như thế nào và các biện pháp phòng, chống lây truyền HIV, từ đó mọi người có cách nhìn toàn diện hơn với HIV, qua đó góp phần làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Các nhân viên tiếp cận cộng đồng trực tiếp thực hiện việc phát bơm kim tiêm và bao cao su, vận động người nghiện ma tuý điều trị bằng Methadone, hay tư vấn, vận động những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV. Cấp thẻ và tập huấn cho 650 nhân viên tiếp cận cộng đồng đối với tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên Chương trình Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại 100% các xã, phường, thị trấn. Các huyện Thanh Sơn, Cẩm Khê, Đoan Hùng, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì được quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, AIDS tài trợ hoạt động tiếp cận cộng đồng.

Nhóm tiếp cận cộng đồng bơm kim tiêm và bao cao su của thành phố Việt Trì có 37 thành viên, trong đó có hơn chục người nghiện ma túy và nhiễm HIV, còn lại là những cán bộ khu dân cư, cán bộ trợ giúp pháp lý ở xã, phường thường xuyên tư vấn phòng, chống HIV, trực tiếp phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao và thu về các bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Chị Nguyễn Thị Kim T đã có 10 năm tham gia công tác này cho biết: Trước đây, để tiếp cận các đối tượng rất khó khăn, thường sẽ không nhận được sự hợp tác, nhưng hiện hay đa phần họ đã nhận thức được việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và cộng đồng nên tích cực hợp tác. Có những trường hợp tôi tư vấn đi xét nghiệm HIV và điều trị ARV nên vẫn có sức khỏe tốt, lấy vợ sinh con, lao động bình thường.

Công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện được thực hiện tại tất cả các đơn vị y tế trong toàn tỉnh theo quy định của Bộ Y tế, chủ động thực hiện xét nghiệm HIV khẳng định và điều trị ARV tại đơn vị, đảm bảo cơ bản nhu cầu của nhân dân trong việc tìm hiểu tình trạng sức khỏe, tình trạng nhiễm HIV và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Phú Thọ là tỉnh duy nhất trong cả nước có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc HIV (lấy máu đầu ngón tay) tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, xét nghiệm để điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị ARV. Mạng lưới chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được triển khai đều khắp trên toàn tỉnh thông qua hoạt động của mạng lưới cơ sở y tế và cộng tác viên tuyến xã, phường, thị trấn. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành còn có sự hỗ trợ từ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; các dự án can thiệp cộng đồng do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trường Đại học California, Hoa kỳ (UCLA), dự án MOVIDA; Dự án do Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) đã hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; test kit, hóa chất phục vụ xét nghiệm HIV, xét nghiệm cơ bản phục vụ khám, theo dõi, điều trị bệnh nhân, thuốc điều trị kháng virut HIV (ARV), vật tư, hóa chất, thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và thuốc Methadone điều trị cho người nghiện CDTP trên địa bàn toàn tỉnh...

Hiện nay, có 1.800 người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được điều trị ARV tại 5 cơ sở: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn và trại giam Tân Lập. Trong 6 năm gần đây, mỗi năm hơn 200 người được điều trị ARV mới, đạt tỷ lệ cao so với số người nhiễm HIV quản lý được.

Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh nhưng nhận thức của người dân chưa đồng đều, nhất là bà con ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa hiểu đúng và đầy đủ về căn bệnh này. Năm 2018 đã có 4.000 người dân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn được xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện có 42 người nhiễm mới. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện các giải pháp đồng bộ tránh để lây lan rộng và vận động người dân điều trị ARV ngay, đảm bảo ổn định tâm lý, sức khỏe cho người dân.

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS thực sự mang lại hiệu quả tích cực, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Thực hiện tốt mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định) là chìa khóa để thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phương Thanh

Phương Thanh