Nghĩa tình trong sắc nắng tháng Ba
PTĐT - Sắc nắng tháng Ba vàng như rót mật xuống khắp núi đồi, thung lũng, hoa đào rừng, hoa gạo đang nở đỏ rực khắp từ phố phường đến các bản vùng cao biên giới tỉnh Lai Châu. Trong không khí Kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng ...

Nghĩa tình trong sắc nắng tháng Ba

Kỳ 1:

Đồng hành cùng những người trấn ải biên cương

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh luôn đồng hành với Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu.

PTĐT - Sắc nắng tháng Ba vàng như rót mật xuống khắp núi đồi, thung lũng, hoa đào rừng, hoa gạo đang nở đỏ rực khắp từ phố phường đến các bản vùng cao biên giới tỉnh Lai Châu. Trong không khí Kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân, cùng đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chúng tôi đến Lai Châu - tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc để “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…

Vượt chặng đường dài gần 400km, ngược dòng chảy của sông Hồng đỏ nặng phù sa, theo Quốc lộ 4D, chúng tôi đến với Lai Châu, nơi dòng Nậm Na bốn mùa xanh trong chảy về đất Việt. Lai Châu có địa hình tương đối phức tạp, được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao đến 3.100m; nhiều núi đồi cao và dốc, xen kẽ là những thung lũng sâu và hẹp; nhiều cao nguyên, sông suối, thác ghềnh. Đặc biệt, địa phương có 265,095 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, là tỉnh có vị trí quan trọng về địa lý và an ninh quốc phòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều năm qua, thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN tỉnh Phú Thọ và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu, cũng như một lần nữa khẳng định về sự nỗ lực, đồng hành của cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Phú Thọ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Hội LHPN các cấp ở Phú Thọ đã tổ chức kết nghĩa với toàn bộ các đơn vị BĐBP Lai Châu. Mối thân tình của hai ngành tưởng như không hề có điểm gì chung này đã và đang phát huy được những hiệu quả tích cực trong việc giúp đỡ, động viên những phụ nữ ở vùng biên giới Lai Châu mở mang, phát triển kinh tế, sát cánh cùng BĐBP trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Đồng bào cư trú trên địa bàn biên giới là những người hàng ngày cùng BĐBP tham gia khẳng định và bảo vệ chủ quyền, giữ ổn định an ninh biên giới. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cũng là “mục tiêu” nhắm tới của các thế lực nhằm lôi kéo, kích động hoặc biến họ trở thành nạn nhân của tội ác, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc vùng biên. Bởi vậy, bên cạnh sự nhiệt tình, gắn bó với mỗi bản làng vùng cao biên giới của những người lính mang quân hàm xanh thì sự tiếp cận một cách nhẹ nhàng, thấu hiểu và bao dung của những người phụ nữ, người vợ, người mẹ đến từ Đất Tổ xa xôi như dòng nước mát tưới đẫm cho cây cối lên mầm xanh tươi trên miền biên viễn nhọc nhằn đá sỏi.

Những con dê giống là “chiếc cần câu” thiết thực, góp phần giúp hội viên, phụ nữ các bản vùng cao xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2012 - 2017, các đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh và BĐBP Lai Châu đã tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật; trẻ em nghèo; gia đình cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và ủng hộ kinh phí hỗ trợ các xã biên giới khó khăn phát triển kinh tế với tổng số tiền, quà tặng trị giá gần 3,4 tỷ đồng. Phối hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho hội viên, phụ nữ trên các xã biên giới, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng dọc biên cương. Cũng trong giai đoạn này, việc phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới nước tiếp giáp để trao đổi thông tin, bắt giữ tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường. Các hoạt động công tác Hội ở cơ sở trên các xã biên giới như vận động phụ nữ tích cực tham gia phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đạt hiệu quả cao. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp phụ nữ vùng cao tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn, sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình, góp phần giữ ổn định an ninh vùng biên giới.

Liên tiếp các hoạt động có ý nghĩa được tổ chức đều đặn, thường xuyên và liên tục trong nhiều năm qua, năm 2018, các đoàn công tác Hội phụ nữ tổ chức hỗ trợ kinh phí và trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa cho cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng, Tiểu đoàn huấn luyện cơ động; hội viên phụ nữ, học sinh nghèo, đồng bào bị thiệt hại do bão lũ tại Lai Châu. Trong đó hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 “Mái ấm tình thương” trị giá 60 triệu đồng hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Pa Tần: Chị Lò Thị Xiêm - bản Pa Tần và chị Lý Thị Mái - bản Pho; hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê, lợn phát triển kinh tế cho 13 gia đình hội viên, phụ nữ nghèo; hỗ trợ trang thiết bị làm việc cho cán bộ, chiến sỹ BĐBP, trao tặng nhiều phần quà động viên các cháu học sinh nỗ lực vượt khó đến trường… Bà Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã được các cấp Hội Phụ nữ Phú Thọ triển khai đạt hiệu quả cao, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao. Các mô hình hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ dê, lợn giống… đã phát huy tác dụng tốt, những phụ nữ được hỗ trợ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tiếp tục lan toả hỗ trợ chương trình đến đông đảo nhân dân. Trong giai đoạn tiếp theo, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với BĐBP tỉnh Lai Châu và Đồn Biên phòng Pa Tần tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ biên cương thông qua những hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, cung cấp con giống, cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức cho phụ nữ về mọi mặt, trong đó có kiến thức về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, kiến thức về nâng cao sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, các kiến thức để phụ nữ vùng cao đóng góp vào việc xây dựng, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.

“Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa”, dẫu biết cuộc sống của người dân và điều kiện công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ BĐBP - những người trấn ải biên cương nơi ấy còn nhiều gian lao, nhọc nhằn. Nhưng với tình cảm, trách nhiệm, sự nỗ lực gửi gắm qua những cánh thư, lời thăm hỏi ân cần, qua những phần quà ý nghĩa, những hành động, việc làm thiết thực từ Đất Tổ gửi đến những người con nước Việt trên miền rẻo cao biên cương Tổ quốc thì những khó khăn vất vả, thiếu thốn thường ngày dường như dịu nhẹ đi rất nhiều…

Lê Hoàng

Lê Hoàng