Kỳ II: Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng
PTĐT - Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) người dân tộc thiểu số (DTTS) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thường xuyên quan tâm, chú trọng...

Kỳ II: Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng

Để nâng cao trình độ cho đội ngũ CB, CC, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn rất chú trọng việc chọn cử đối tượng đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh, huyện tổ chức.

- Cán bộ, lãnh đạo các đoàn thể xã trao đổi văn bản mới liên quan đến đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS tại địa phương.

>>>Kỳ I: Hiện thực hóa chủ trương

PTĐT - Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) người dân tộc thiểu số (DTTS) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thường xuyên quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển cán bộ là người DTTS, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ này theo phương châm “lượng” đi đôi với “chất”.

Lan tỏa cách làm hay, sáng tạo

Như trên đã nói, để vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương về công tác dân tộc, xây dựng và phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS, tỉnh Phú Thọ đã có cách làm hay, sáng tạo với những giải pháp căn cơ, đồng bộ. Không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương có đồng bào DTTS sinh sống phải căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức phải luôn đi trước một bước, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cần thiết phải được xem là một trong những yếu tố chủ đạo.

Ở định hướng vĩ mô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 21/10/2016 về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng CB,CC đến năm 2020, trong đó quan tâm chú trọng đến đội ngũ cán bộ người DTTS. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo từng đối tượng, từng chức danh cụ thể; lựa chọn những chuyên đề mang tính thời sự, cấp thiết như giáo dục đạo đức cách mạng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng, chỉnh đốn Đảng... để trang bị cho học viên.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn được chăm lo giáo dục toàn diện để tạo nguồn cán bộ người DTTS trong tương lai

Để gắn việc tạo nguồn, phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS với nâng cao chất lượng đội ngũ này, tỉnh chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh và hệ thống các Trung tâm chính trị cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, góp phần nâng cao, chuẩn hóa về trình độ cho CB,CC người DTTS; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, lựa chọn các đồng chí có năng lực, trình độ, khả năng truyền đạt tốt để tham gia giảng dạy. Để tạo nguồn cán bộ là người DTTS trong tương lai, tỉnh chỉ đạo ngành GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng công tác đào tạo học sinh là con em đồng bào DTTS, thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đãi ngộ cho học sinh DTTS; tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, đồng thời tích cực chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ CB,CC là người DTTS, tỉnh luôn quan tâm chú trọng, ưu tiên, hướng đến đối tượng nữ CB,CC người DTTS, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, giúp đội ngũ này được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng hoạt động cần thiết trong việc quản lý, điều hành, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, chất lượng nữ CB,CC,VC người DTTS cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn. Theo số liệu đến năm 2019, tổng số cán bộ nữ DTTS là 3.066 đồng chí, chiếm tỷ lệ 9,15% tổng số cán bộ, trong đó cán bộ nữ người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 318 đồng chí (cấp tỉnh 2 đồng chí, cấp huyện 162 đồng chí, cấp xã 154 đồng chí).

Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng được gắn với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ nên đã trở thành động lực khuyến khích CB,CC là người DTTS chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều dễ nhận thấy là, việc xây dựng, phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS đã được thực hiện thống nhất từ tỉnh tới cơ sở, tạo sức lan tỏa bởi những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Tường Thứ-TUV, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhìn nhận: Nhìn chung, đội ngũ CB,CC người DTTS, nhất là cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở sau khi được cử đào tạo, bồi dưỡng đã vận dụng hiệu quả những kiến thức được trang bị vào thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy tốt năng lực thực tiễn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác tập hợp đoàn kết, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trở thành cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân.

Chú trọng phát triển CB,CC người DTTS ở cơ sở

Một trong những cách làm hay trong dựng xây trụ cột, phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS chính là chú trọng phát triển đội ngũ này ngay từ cơ sở để tăng cường nguồn lực con người cho mỗi địa phương. Trong quá trình tìm hiểu, tập hợp tư liệu viết tuyến bài này, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến chia sẻ của những người trong cuộc để có thêm góc nhìn cận cảnh ngay từ cơ sở. Hiện nay, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn có 21 CB,CC, trong đó có 90,4% là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Mường. Là xã miền núi khó khăn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và huyện, xã cố gắng phát huy nội lực, trong đó chú trọng phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ CB,CC xã là người DTTS.

Sinh viên tình nguyện ôn tập kiến thức cho học sinh người DTTS xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập

Ông Đinh Thiết Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để nâng cao trình độ cho đội ngũ CB,CC, xã rất chú trọng việc chọn cử đối tượng đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh, huyện tổ chức. Đến nay, đội ngũ CB,CC của xã có trình độ đại học là 19 đồng chí, cao đẳng 1, trung cấp 1. Hiện xã có 20/21 đồng chí có bằng trung cấp LLCT, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra”. Còn theo ông Trần Ngọc Đương- Phó Chủ tịch UBND huyện, không chỉ ở Cự Đồng, để có đội ngũ CB,CC người DTTS đáp ứng tốt yêu cầu công việc như hiện nay, các địa phương khác trong huyện luôn quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để xây dựng đội ngũ CB,CC vững về LLCT, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy, trách nhiệm trong tinh thần phục vụ nhân dân.

Ở một địa bàn khác, huyện miền núi Yên Lập có trên 80% dân số là đồng bào DTTS. Nhiều năm trở lại đây, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, luôn nhận thức “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, huyện là một trong những địa phương tiên phong, chủ động thực hiện việc bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS, nhất là bố trí vào những chức danh chủ chốt ở cơ sở, đồng thời mạnh dạn điều động, luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ được luân chuyển phát huy tốt vai trò trách nhiệm, năng lực công tác, tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến tích cực ở các địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Tuấn Anh-Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đoan Hùng nêu dẫn chứng qua thông số: Mặc dù tỷ lệ người DTTS trên địa bàn không cao, chỉ chiếm 4,72% dân số toàn huyện, chủ yếu là người Cao Lan, Tày, Mường, phân bố rộng trên tất cả 28 xã, thị trấn nhưng bên cạnh việc đảm bảo đủ cơ cấu, số lượng, thành phần CB,CC người DTTS theo quy định, hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, huyện đã từng bước đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB,CC đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhìn nhận, đánh giá về vai trò của đội ngũ CB,CC người DTTS, ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cán bộ người DTTS là nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Họ là những người nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, am hiểu đời sống cư dân bản địa, sinh ra và gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc nên khi phát huy được bản lĩnh, trí tuệ, tri thức sẽ là nhịp cầu quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai thực tiễn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Họ chính là người tổ chức, dẫn dắt đồng bào trong công cuộc phát triển quê hương giàu đẹp.

Kỳ III: Khẳng định vai trò, phát huy vị thế.

Nhóm phóng viên CT-XH

Nhóm phóng viên CT-XH