Về Lăng Sương tri ân Thánh Tản
PTO- Người Việt mấy ai không biết truyền thuyết Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh, con rể của Hùng Vương thứ 18, người có công giúp dân trị thủy, khai hóa đất hoang, trồng lúa nước...

Về Lăng Sương tri ân Thánh Tản

PTO- Người Việt mấy ai không biết truyền thuyết Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh, con rể của Hùng Vương thứ 18, người có công giúp dân trị thủy, khai hóa đất hoang, trồng lúa nước, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm, được nhân dân tôn vinh là Thánh, đứng đầu trong “Tứ bất tử” quanh năm khói hương thờ phụng. Nhưng không phải ai cũng biết đến thân mẫu đã mang nặng đẻ đau ra ngài là bà Đinh Thị Đen và vùng đất thiêng nơi ngài chào đời là Động Lăng Sương nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy. Tương truyền bà Đen lấy ông Nguyễn Cao Hành, tuổi cao mà chưa có con. Một hôm bà đang tắm có con rồng nhả ngọc phun châu về nhà thụ thai, về sau sinh ra Tản Viên. Tản Viên sau đó được một bà họ Bùi nhận làm con nuôi, cho sang núi Ba Vì tu học mà thành tài. Khi đã là bộ tướng và là phò mã, Sơn Tinh khuyên Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán để giữ tình đoàn kết, tránh cuộc nội chiến kéo dài không cần thiết rồi về núi Tản sống với vợ là công chúa Ngọc Hoa.

Tế lễ Đức Thánh Tản tại Đền Lăng Sương.

Khắc ghi công lao to lớn của Ngài, người dân lập Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh khắp các vùng miền, quanh năm khói hương tri ân công đức. Nhưng chỉ duy nhất Đền Lăng Sương thờ cả ngài, thân mẫu cùng các bộ tướng là Cao Sơn và Quý Minh. Đền có hai ngày lễ chính trong năm là ngày 15 tháng giêng kỷ niệm ngày sinh Thánh Tản và 25 tháng 10 âm lịch là ngày Thánh Mẫu hóa về trời. Được xây dựng từ đời Thục An Dương Vương, đến đời Tiền Lê, Đền Lăng Sương được trùng tu và tới đời Nguyễn được tu sửa lớn. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, công đức của các nhà hảo tâm, Khu Di tích Đền Lăng Sương đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo khang trang trên tổng diện tích 3.000m2 gồm nhiều công trình kiến trúc như: Cổng Đền, Miếu Hai cô, giếng Thiên Thanh, nhà bia, nhà võng, hai tòa tả - hữu mạc, Đền chính và Lăng Thánh Mẫu… Năm 2005, Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Nối mạch truyền thống đạo lý tri ân công đức tiền nhân của dân tộc, Lễ hội Đền Lăng Sương năm nay được UBND xã tổ chức trong 4 ngày (từ ngày 13 đến ngày 16 tháng giêng năm Ất Mùi). Trong đó phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống với Lễ Cáo tế được tổ chức vào ngày 14 tháng giêng; lễ khai mạc và dâng hoa, dâng hương ngày 15 tháng giêng. Nằm trong chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, nhằm tạo không khí phấn khích, nâng cao động lực thi đua sản xuất đầu năm và quảng bá nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch địa phương, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc: Cắm trại văn hóa, thi đấu bóng chuyền nam, giao lưu văn nghệ hát xoan, dân ca Đất Tổ, đốt lửa trại, ném còn, chọi gà, đập niêu…

Đặc biệt, trong ngày lễ chính sẽ có chương trình biểu diễn chào khách của đội cồng chiêng hai xã Yến Mao, Phượng Mao và các tiết mục giao duyên đậm đà, đằm thắm của đội dân ca Quan họ Bắc Ninh về tham gia phục vụ lễ hội.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng với mục tiêu đảm bảo an toàn mọi mặt cho du khách, kiên quyết loại bỏ các trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình, tạo dựng hình ảnh, ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương về lễ hội Đền Lăng Sương linh thiêng, đậm sắc màu văn hóa truyền thống, con người Thanh Thủy thân thiện, hiếu khách… Ông Nguyễn Văn Vấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy khẳng định: Người Thanh Thủy tự hào được sinh ra trên mảnh đất anh hùng giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nơi có núi Tản, sông Đà, có Đình Đào Xá, Đền Ngọc Sơn, Đền Tam Công, có di tích và tượng đài chiến thắng Tu Vũ, di tích nơi Bác Hồ về thăm và trồng cây, đặc biệt có Đền Lăng Sương - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia linh thiêng, giàu ý nghĩa, gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh tạo ấn tượng sâu sắc, khắc sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt, góp phần đưa hình ảnh của Thanh Thủy, Trung Nghĩa đến với đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế.

Đầu xuân về Trung Nghĩa dự lễ hội tri ân Thánh Tản, du khách sẽ có thêm những trải nghiệm ấn tượng về truyền thống đạo lý trọng tình, hiếu khách của người dân ven dải Đà giang, dưới bóng non Tản, biết thêm nhiều nét đẹp văn hóa, sản vật độc đáo của địa phương để thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất, con người nơi đây. Và như một lời hẹn ước, đầu xuân lại tìm về đất thiêng Trung Nghĩa dự hội vui, thực hiện đạo lý tri ân công đức tiền nhân…

Trọng Hòa