Chi cục lâm nghiệp với công tác quản lý Nhà nước về rừng
PTO-Cùng sự phát triển đi lên của tỉnh trong những năm qua, ngành nôngnghiệp & PTNT đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, chỉ đạosản xuất, với việc áp dụng thành công những tiến bộ khoa học, công nghệtiên tiến...

Chi cục lâm nghiệp với công tác quản lý Nhà nước về rừng

PTO- Cùng sự phát triển đi lên của tỉnh trong những năm qua, ngành nông nghiệp & PTNT đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, với việc áp dụng thành công những tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển đó và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Những năm qua Chi cục lâm nghiệp là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực. Trong đó công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng là nhiệm vụ hàng đầu. Thực hiện quyết định số 89/2005-BNN ngày 29-12-2005 của Bộ nông nghiệp & PTNT về việc ban hành quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Đến thời điểm hiện nay số lượng nguồn giống đã được chi cục tham mưu cho Sở công nhận là 22 loài và số lượng đang được công nhận là 9 loài. Số lượng đơn vị đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp kể cả đơn vị Trung ương và hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh là 21 đơn vị.

Để có nguồn giống tốt, đáp ứng được yêu cầu trồng rừng, năm 2008 Chi cục lâm nghiệp đã phối hợp chỉ đạo với Trung tâm giống cây trồng sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp (tại Trại Nậu Phó của Trung tâm) để cung cấp cho các chương trình, dự án trong tỉnh. Bên cạnh đó với hướng lâu dài phục vụ sản xuất giống cho trồng rừng sản xuất. Chi cục lâm nghiệp đã tham mưu giúp sở bảo cáo UBND tỉnh cho phép chuyển hóa 34ha rừng giống keo tai tượng tại Tân Lập (Yên Lập) để có giống chuẩn, giống có nguồn gốc phục vụ cho tỉnh và trong khu vực. Phối hợp với vườn quốc gia Xuân Sơn thực hiện chuyển hóa 30ha giống cây giổi...

Bên cạnh việc quản lý tốt các nguồn giống thì công tác kiểm tra, giám sát chuỗi hành trình giống cây lâm nghiệp cũng rất cần thiết, đòi hỏi một sự đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã, thôn. Việc này đã được chi cục thực hiện trên toàn tỉnh. Tuy nhiên thực trạng về giống cây lâm nghiệp hiện nay còn rất nhiều bất cập vì đây là năm thứ 2 thực hiện theo quy chế, số lượng và chủng loại các nguồn giống đưa vào trồng rừng một số nơi còn xô bồ, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn được sử dụng ở một số đơn vị và các hộ gia đình. Công tác kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên vì lực lượng quản lý Nhà nước còn quá mỏng lại thiếu về kinh phí cho việc hoạt động, đội ngũ cán bộ lâm nghiệp chuyên ngành ở địa phương còn thiếu, không chuyên sâu.

Công tác quản lý nhà nước về giống lâm nghiệp đã và đang được từng bước triển khai có hiệu quả và dần hoàn thiện theo yêu cầu, bước đầu mọi tổ chức, cá nhân và người dân đã nhận thức rõ vai trò và tác dụng của việc sử dụng giống tốt, giống có nguồn gốc xuất xứ. Công tác sản xuất và kinh doanh giống cây trồng đã dần từng bước đi vào ổn định theo hệ thống.

Phú Thọ là tỉnh miền núi nằm trong vùng trung tâm Bắc bộ với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 352.384ha, trong đó diện tích có rừng là 167.118ha chiếm 47,4% tổng diện tích tự nhiên. Công tác quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng rừng và đất rừng là điều hết sức quan trọng trong định hướng phát triển lâm nghiệp hiện nay của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

Trên cơ sở kết quả rà soát ba loại rừng Chi cục lâm nghiệp đã xây dựng đề án phát triển rừng sản xuất với quy mô 60.000ha rừng nguyên liệu giấy tập trung; 10.000ha cây gỗ lớn; 77.400ha cây gỗ nhỏ đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh thông qua. Bên cạnh đó việc rà soát và xây dựng lại dự án 661 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh (kết quả toàn tỉnh có 11 BQLDA). Trong đó có 5 BQLDA làm chức năng phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng kết hợp với phát triển rừng sản xuất gồm: Vườn quốc gia Xuân Sơn, Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa, Yên Lập. Có 6 BQLDA làm chức năng phát triển rừng sản xuất gồm: Dự án rừng sản xuất Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy, Phù Ninh.

Công việc rà soát đóng mốc giới, phân định 3 loại rừng cũng được Chi cục triển khai hợp đồng với đơn vị xây dựng và thực hiện trong năm 2008. Tuy nhiên, sau kết quả rà soát 3 loại rừng còn tồn tại một số khó khăn trong việc chuyển đổi rừng, cơ chế, chính sách trong chuyển đổi, công tác thu hồi, bàn giao và đóng mốc giới gặp nhiều khó khăn vì đất lâm nghiệp trước đây hầu như đã được giao và cấp bìa đỏ cho dân việc thu hồi là hết sức khó khăn. Một số đơn vị lâm trường quốc doanh (nay là Công ty lâm nghiệp) đất đai vẫn còn tranh chấp. Việc này Chi cục lâm nghiệp đã được sở giao phối hợp với các ngành liên quan từng bước giải quyết.

Song song với nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp Chi cục lâm nghiệp cũng đã tham gia và thực hiện một số đề tài khoa học mang tính thực nghiệm và bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Cụ thể: Hiện tại chi cục đang thực hiện Dự án khoa học xây dựng vườn các loại cây rừng tỉnh Phú Thọ có trong sách đỏ Việt Nam được triển khai thực hiện từ giữa năm 2004.

Phối hợp chỉ đạo cùng Trung tâm giống cây trồng tỉnh đầu tư xây dựng trại giống lâm nghiệp (đặt điểm tại Trại Nậu Phó, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ với hướng tạo nguồn giống chuẩn, áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, hom phục vụ cho sản xuất lâu dài.

Hoàng Quốc Xạ