Báo Đảng các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc liên kết tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch
baophutho.vn Cùng với cả nước, những năm qua, báo Đảng và đội ngũ những người làm báo Đảng khu vực Trung du miền núi phía Bắc đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, phương tiện thông tin tuyên truyền hữu hiệu của các cấp ủy và chính quyền, diễn đàn tin cậy của đảng viên và người dân, thiết thực đóng góp công sức vào sự phát triển toàn diện của đất nước, địa phương.

Báo Đảng các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc liên kết tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch

Cùng với cả nước, những năm qua, báo Đảng và đội ngũ những người làm báo Đảng khu vực Trung du miền núi phía Bắc đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, phương tiện thông tin tuyên truyền hữu hiệu của các cấp ủy và chính quyền, diễn đàn tin cậy của đảng viên và người dân, thiết thực đóng góp công sức vào sự phát triển toàn diện của đất nước, địa phương.

Một trong những thành tích quan trọng của các cơ quan báo Đảng là đã tập trung tuyên truyền, quảng bá để phát triển du lịch, tích cực góp phần đưa khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước như mục tiêu Nghị quyết số 11 - NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Báo Đảng các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc liên kết tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) nơi địa đầu Tổ quốc là biểu tượng cực Bắc của Việt Nam, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Với tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước. Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Đặc biệt, nơi đây rất có ý nghĩa về lịch sử cội nguồn. Nhiều di tích gắn bó với truyền thuyết và lịch sử dân tộc như Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Hùng (Phú Thọ); di tích lịch sử gắn với từng giai đoạn cách mạng như Hang Pắc Bó (Cao Bằng); Cây đa Tân Trào và An toàn khu ở Tuyên Quang, Thái Nguyên; Di tích lịch sử Điện Biên Phủ... Cùng đó, nhiều danh lam thắng cảnh mang tầm quốc tế như: Vịnh Hạ Long, Cao Nguyên Đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Sapa... đã và đang tạo điều kiện cho các tỉnh, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên vùng đất này tập trung phát triển du lịch để xóa nghèo vươn lên làm giàu bền vững.

Xác định tập trung phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, những năm qua, các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều chủ trương với các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để phát triển du lịch. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các địa phương trong vùng tập trung phát triển “ngành công nghiệp không khói” bền vững. Ngày 30/12/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định 91/2008/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Theo đó, phạm vi của quy hoạch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình với mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp của ngành du lịch vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đảm bảo phát triển du lịch gắn với yêu cầu giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển du lịch bền vững.

Chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, những năm qua, báo Đảng và đội ngũ những người làm báo Đảng các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã nỗ lực phát huy vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của mình trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thiết thực góp phần giúp du lịch các địa phương phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội bền vững của các địa phương.

Báo Đảng các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc liên kết tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Phú Thọ thăm Khu Di tích lịch sử Mường Phăng (tỉnh Điện Biên). Ảnh tư liệu.

Du lịch đã có những bước tiến vững chắc, trở thành hướng mở triển vọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc các tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các hoạt động du lịch vùng Trung du miền núi phía Bắc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có nguyên nhân xuất phát từ nội dung và phương thức truyền thông du lịch của các cơ quan báo Đảng địa phương chưa thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc” do báo Nhân dân phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức (ngày 12/11/2022), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định: Cùng với những đóng góp quan trọng, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế, bất cập trong hoạt động của báo Đảng thời gian qua. Điều dễ nhận thấy là vẫn có lúc, có thời điểm một số cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh và trọng trách của tờ báo, tạp chí của Đảng; phương thức thông tin, tuyên truyền còn thiếu sinh động, hấp dẫn; tính dự báo, tính định hướng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm của địa phương còn bị động. Một số cơ quan báo Đảng địa phương còn chậm và lúng túng trong tiến hành chuyển đổi số của báo chí; thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo thành trận địa thông tin thống nhất, mạnh mẽ, có sức lan tỏa cao trong đời sống xã hội...

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức thì liên kết tuyên truyền đã và đang là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc quảng bá phát triển du lịch đối với các cơ quan báo Đảng địa phương. Đây vừa là giải pháp cũng đồng thời là động lực, mục tiêu để các cơ quan báo Đảng và đội ngũ những người làm báo Đảng chung sức đồng lòng xây dựng một tầm nhìn chiến lược phát triển xa hơn cho du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia. Phát triển du lịch phải gắn chặt với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, sinh thái và mang lại lợi ích cho người dân, cộng đồng để đảm bảo phát triển bền vững, trước yêu cầu cấp bách thể hiện sức mạnh truyền thông của các báo Đảng trong khu vực trong việc góp phần quảng bá và tạo dựng hình ảnh du lịch liên vùng, mỗi cơ quan báo chí cần có kế hoạch tuyên truyền phù hợp, hiệu quả, thúc đẩy tiến trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch toàn khu vực ngày càng mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Các cơ quan Báo Đảng vùng Trung du miền núi phía Bắc cần thống nhất tìm kiếm một con đường hợp tác “các bên cùng có lợi” trong tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, mở rộng, đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền. Nội dung liên kết cần toàn diện, sâu sát trên các lĩnh vực: Trao đổi nội dung và thông tin về các sự kiện, chương trình du lịch, điểm đến mới và các hoạt động du lịch địa phương; liên kết tham gia trong các sự kiện du lịch, lễ hội, hội thảo, triển lãm và các chương trình quảng bá du lịch; hợp tác trong việc sản xuất nội dung đa phương tiện như video, podcast, bản tin điện tử, ảnh...; xây dựng mạng lưới báo chí du lịch để liên kết, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm; liên kết đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch…

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Du lịch cần tạo ra sự khác biệt, nét đặc trưng của thương hiệu, nhưng, lợi ích chỉ có thể mang lại nhiều nhất khi tìm được tiếng nói chung. Liên kết tuyên truyền sẽ tạo nên sức mạnh, thành công giúp du lịch phát triển bền vững và qua đó cũng khẳng định vai trò, vị thế của Báo Đảng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận chủ lực, vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, phương tiện thông tin tuyên truyền hữu hiệu của các cấp ủy và chính quyền, diễn đàn tin cậy của đảng viên và đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Vũ Xuân Chường

Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam

Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ