Đa sắc màu bức tranh thưởng Tết
baophutho.vn Có lẽ, ít có thời điểm nào trong năm mà người lao động lại dành sự quan tâm, mong ngóng nhiều như dịp Tết Nguyên đán bởi sau một năm lao động vất vả họ kỳ vọng sẽ có thêm khoản thu nhập từ nguồn thưởng Tết của các chủ doanh nghiệp...

Đa sắc màu bức tranh thưởng Tết

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cùng các đại biểu trao quà Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Phú Thọ.

Có lẽ, ít có thời điểm nào trong năm mà người lao động lại dành sự quan tâm, mong ngóng nhiều như dịp Tết Nguyên đán bởi sau một năm lao động vất vả họ kỳ vọng sẽ có thêm khoản thu nhập từ nguồn thưởng Tết của các chủ doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động để trang trải các khoản chi tiêu tối cần thiết khi mà các mặt hàng tiêu dùng trong dịp này thường có xu hướng đắt đỏ hơn thường ngày. Sự quan tâm ấy dường như không chỉ có ở phía người lao động mà ngay bản thân các DN, chủ sử dụng lao động cũng lo toan, đôn đáo để có phương án hỗ trợ người lao động có thêm nguồn thu nhập thông qua thưởng Tết nhằm kịp thời động viên, khích lệ họ yên tâm gắn bó lâu dài, đồng hành vì sự phát triển của DN.

Theo ông Lê Đình Quảng- Phó trưởng Ban Chính sách- Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình hình thưởng Tết năm nay có khó khăn hơn so với các năm trước nhưng nhìn chung người sử dụng lao động rất quan tâm đến thưởng Tết, coi như là một biện pháp giữ chân, thu hút thêm lao động trong bối cảnh thiếu hụt lao động và đẩy mạnh các đơn hàng sau thời gian tác động của dịch COVID-19. Còn theo đánh giá sơ bộ từ Bộ LĐ,TB&XH, xu hướng chung trong thưởng Tết năm nay sẽ giảm nhẹ như năm ngoái do các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bởi tác động trực tiếp, ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, thông thường người lao động sẽ được thưởng thêm lương tháng thứ 13.

Ở vào thời điểm chỉ còn gần ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, các DN đã và đang khẩn trương thực hiện các động thái tích cực chăm lo đến đời sống người lao động thông qua việc thưởng Tết và trao tặng các phần quà nghĩa tình khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng những biến động về thị trường, giá cả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN đạt khác nhau (mặc dù các DN đã có nhiều giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo chung của Chính phủ) nên bức tranh chung về thưởng Tết hiện lên với đa sắc màu và có tới...muôn nẻo đường thưởng Tết. Thông tin bước đầu từ báo chí cho thấy, có những DN thưởng Tết tới hơn 1,4 tỉ đồng nhưng cũng có đơn vị chỉ thưởng Tết cho người lao động khoảng...100.000 đồng, chủ yếu là phần thưởng mang ý nghĩa động viên tinh thần.

Xin dẫn chứng ra đây những số liệu ban đầu để thấy biểu đồ thưởng Tết năm nay không đồng đều ở các địa phương, DN, trong đó đáng lưu ý là có những địa phương đã bứt phá, nhảy vọt, tạo “đột biến” trong thưởng Tết. Hiện nay, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu chi thưởng Tết Nguyên đán “khủng” nhất với hơn 1,4 tỉ đồng còn TP Hồ Chí Minh “xếp thứ nhì” với gần 1,3 tỉ đồng. Cụ thể, theo Sở LĐ,TB&XH Đà Nẵng, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho người lao động cao nhất là 1,432 tỉ đồng thuộc về một DN trong ngành CNTT (trong khi mức thưởng này năm ngoái cao nhất chỉ là 127 triệu đồng thuộc về nhóm các DN FDI); ở TP Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết âm lịch cao nhất là 1,288 tỉ đồng thuộc về một cá nhân làm việc trong DN FDI (năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất ở đây cũng thuộc về một cá nhân làm việc trong DN FDI với 1,07 tỉ đồng).

Đối với các địa phương khác như Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất 400 triệu đồng thuộc khối DN dân doanh, Bình Dương 300 triệu đồng, Quảng Ninh 235 triệu đồng thuộc về một công ty chuyên sản xuất dầu ăn, Bắc Giang hơn 227 triệu đồng thuộc về một DN có vốn đầu tư nước ngoài, Hậu Giang 180 triệu đồng, Thừa Thiên - Huế 163 triệu đồng, Cần Thơ gần 130 triệu đồng, Lào Cai 100 triệu đồng, Bạc Liêu 90 triệu đồng, Thanh Hóa gần 69 triệu đồng... Nhìn vào những số liệu này có thể dễ dàng nhận thấy, mặc dù số lượng thưởng Tết khác nhau nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của các DN, người sử dụng lao động đối với CNVCLĐ.

Nhằm thiết thực quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, người lao động trong dịp Tết, đảm bảo để nhà nhà đều có Tết, không một ai bị bỏ lại phía sau, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, DN nỗ lực hết mình để mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết. Ngay từ cuối năm 2021, Bộ LĐ,TB&XH đã có công văn gửi các Sở LĐ,TB&XH tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong DN, trong đó có vấn đề về lương, thưởng Tết cho CNVCLĐ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2022, theo đó chi khoảng 2.400 tỉ đồng để lo Tết cho 8 triệu lao động; tổ chức thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động, nhất là người trong khu cách ly, phong tỏa, mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế; hỗ trợ đưa đón toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để về quê ăn Tết, với CNLĐ không về quê, chương trình trực tuyến “Tết không xa nhà” hoặc tương tự sẽ được tổ chức. Nhiều LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, thiết thực chăm lo cho người lao động trong dịp Tết như chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” năm 2022, LĐLĐ tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cấp công đoàn chuẩn bị từ 5.000-6.000 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng), chuẩn bị 40 chuyến xe và 1.200 vé xe để tặng CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, có quê xa trên 150km về quê ăn Tết...

Ở tỉnh ta, theo số liệu bước đầu của Sở LĐ,TB&XH, trong 1.848 DN có dự kiến thưởng Tết với 123.345 lao động, mức thưởng Tết bình quân hơn 2,9 triệu đồng/người (đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), 3,7 triệu đồng (đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước), 3,6 triệu đồng (đối với DN dân doanh), hơn 2,5 triệu đồng (đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài), DN dự kiến có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là Công ty CP gạch men Tasa (Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì) 117,5 triệu đồng.

Trên một bình diện khác, LĐLĐ tỉnh đã sớm có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là những người khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như quan tâm đến chế độ tiền lương, tiền thưởng, tổ chức thăm hỏi, dự kiến hỗ trợ 1.000 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an”, “Tết không xa nhà” cao điểm từ 17-21/01/2022, đảm bảo để mọi CNVCLĐ đều được đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm, an toàn, hạnh phúc.

Hoàng Anh

Hoàng Anh