Sử dụng điện sinh hoạt an toàn, tiết kiệm
PTO- Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều đồ dùng điện cao cấp đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt của con người.

Sử dụng điện sinh hoạt an toàn, tiết kiệm

PTO- Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều đồ dùng điện cao cấp đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt của con người. Tuy nhiên điều thấy rõ là “cung” và “cầu” điện luôn luôn đối nghịch nhau, trước sự tăng trưởng của nền kinh tế và nhu cầu sinh hoạt ngày một tăng cao thì thiếu điện luôn là nguy cơ, đòi hỏi người dùng điện càng phải đề cao ý thức sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, an toàn.

Thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, ngành điện đã tập trung chỉ đạo đầu tư, nâng cấp lưới điện ở nhiều địa phương.

- Kiểm tra thiết bị điện đảm bảo an toàn trong cấp điện và tiết kiệm điện trên địa bàn huyện Tân Sơn.

Để truyền tải điện từ nguồn (máy phát điện, nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy điện nguyên tử...) về nơi tiêu thụ nhất thiết phải có hệ thống lưới điện từ cao thế đến hạ thế, dây dẫn, trạm biến áp. Về mặt nguyên lý, trong quá trình truyền tải điện đi xa, càng xa thì càng chịu nhiều tổn thất điện áp do phát nhiệt trên đường dây, vì thế để giảm tổn thất này thì, một là: dây dẫn phải càng to, vật liệu làm dây dẫn phải có độ dẫn điện càng cao; hai là phải nâng điện áp tại đầu nguồn lên cao (điện áp đầu nguồn càng nâng cao thì trong quá trình chuyển tải điện, tổn thất điện trên đường dây càng giảm nhỏ). Tuy nhiên trong chế tạo, dây dẫn điện không thể quá lớn (vì rất khó cho vận chuyển, thi công lắp đặt), còn vật liệu có hệ số dẫn điện cao (vàng, bạc...) thì lại quá tốn kém nên vật liệu chọn làm dây dẫn điện thông dụng vẫn là đồng và nhôm. Nếu nâng điện áp lên cao trong quá trình chuyển tải điện đi xa thì giảm được tổn thất điện trên đường dây, song nếu nâng điện áp cao quá thì lại bất cập trong sản xuất, chế tạo vật liệu cách điện của máy biến áp, các thiết bị điều khiển... Bởi những lý do đó, với các nước tiên tiến, sản xuất được vật liệu cách điện cấp cao thì người ta áp dụng tăng cao điện áp nguồn cho truyền tải điện, chống tổn thất điện áp đạt hiệu quả cao. Còn với nước ta, chưa sản xuất được vật liệu cách điện cao nên lưới điện cao áp để truyền tải xa Bắc - Nam hiện mới có mức cao nhất là 500KV, đối với chuyển tải trong vùng, khu vực có mức 220KV, 110KV, trung chuyển giữa các trạm biến áp có mức 35KV, 10KV, 6KV... Đến nơi tiêu thụ, lại phải có các trạm biến áp, hạ điện áp phù hợp với các thiết bị, đồ dùng điện theo định mức (thông dụng là 220V với điện dân dụng, 220V/380V với điện công nghiệp).

Để đảm bảo chất lượng điện, cự ly truyền tải từ trạm biến áp đến nơi tiêu thụ đối với lưới điện hạ áp (220V) chỉ trong khoảng 1000m. Chuyển tải quá xa từ máy biến áp (MBA) đến nơi tiêu thụ, dây dẫn có tiết diện quá nhỏ so với công suất của phụ tải, MBA quá tải, là nguyên nhân gây nên sụt áp và tổn thất điện năng trên đường dây.

Khác với ở thành phố thị xã, các hộ dùng điện ở tập trung gần MBA, đối với khu vực nông thôn, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, các hộ gia đình sống phân tán, các trạm biến áp thường đặt tại trung tâm xã, nơi tập trung nhiều hộ gia đình, nên việc chuyển tải điện, chống tổn thất điện cho các hộ dùng điện tại các xóm bản rất khó khăn. Do chưa có hiểu biết cần thiết về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm của bà con do vậy việc lắp đặt đường dây sử dụng điện thường không đảm bảo kỹ thuật. Có người còn sai lầm khi cho rằng dùng dây dẫn càng nhỏ thì càng đỡ tốn điện, từ đó đã sử dụng dây dẫn quá nhỏ so với công suất sử dụng điện, nên đã phải chịu tổn thất điện rất lớn. Cũng từ nguyên nhân này dẫn đến có những nơi cuối nguồn điện sụt áp quá nửa điện áp định mức, không thể xem được ti vi, không tải nổi quạt điện... Không nắm rõ nguyên nhân, nhiều nhà đã sử dụng máy tăng áp (survolter), ổn áp song rất kém tác dụng và nếu có thu điện được về nhà mình thì hàng xóm lại phải gánh chịu cảnh đèn dầu hoặc đèn “đom đóm”.

Hiện nay với sự đầu tư của Nhà nước và những nỗ lực cải tạo lưới điện hạ thế của ngành điện, phát triển thêm các trạm biến áp tại các khu vực dân cư, đảm bảo chuyển tải điện trong cự ly cho phép nên chất lượng điện đã được cải thiện rất nhiều. Tình trạng “ điện- đóm” cơ bản đã được chấm dứt.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay đó là khi trình độ khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì càng nhiều thiết bị điện cao cấp có công suất lớn như bếp từ (Pmax đến trên 2000w), máy điều hòa (P từ 9000 PTU đến 18000 PTU), lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh... và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, thì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện cao cấp lại càng tăng cao. Việc phát triển phụ tải điện nhanh mạnh, với nhiều thiết bị dùng điện công suất lớn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, tăng cao gấp nhiều lần hệ số dự phòng cho đường dây và thiết bị bảo vệ. Đây là nguyên nhân khiến cho MBA, đường dây tải điện cũng như các thiết bị bảo vệ thường xuyên trong tình trạng quá tải, gây nên các sự cố đáng tiếc. Trong trạng thái liên tục bị quá tải sẽ bị đốt nóng gây chạm chập điện cháy nổ đường dây, MBA.

Điều thấy rõ “cung” và “cầu” điện luôn đối nghịch nhau và thiếu điện luôn là nguy cơ khiến cho người dùng điện càng phải đề cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, an toàn hợp lý.

Trước hết, đối với đơn vị cung cấp điện cần phải quan tâm nâng cấp cải tạo hệ thống đường dây và trạm biến áp để đảm bảo có nguồn điện cung cấp ổn định theo cấp điện áp quy định. Trong thiết kế, lắp đặt điện, nhất thiết phải do chuyên môn thực hiện để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật. Việc tính toán dây dẫn, cần chú ý tới hệ số nhất định dự phòng (dây dẫn điện phải có tiết diện lớn hơn so với P tính toán) để đảm bảo cho phát triển thêm phụ tải, thế nhưng hệ số cắt của các thiết bị bảo vệ thì phải được tính toán theo mức công suất sử dụng thực tế tại thời điểm đó. Nếu đường dây có tiết diện quá lớn so với công suất thì lãng phí tiền bạc lắp đặt ban đầu, song lại có được hệ số an toàn cao, ngược lại nếu lắp đặt dây dẫn tiết diện quá nhỏ so với công suất hiện sử dụng thì khi thêm phụ tải, đường dây sẽ thường xuyên quá tải dẫn đến nhanh chóng già cỗi chất cách điện và tổn thất điện cao, nguy cơ cháy chập lớn. Khi lắp đặt hệ thống điện trong gia đình cũng cần chú ý phân các đường truyền tải cho từng tầng, từng phòng kèm theo hệ thống bảo vệ. Việc làm này hết sức có ý nghĩa vì sẽ không làm mất điện toàn bộ khi phòng nào, tầng nào có sự cố chạm chập điện và từ đó việc sửa chữa cũng đơn giản hơn. Đối với lắp các thiết bị bảo vệ như cầu chì, aptomát, các thiết bị này giữ vai trò sẽ cắt điện khi xảy ra quá tải nặng lâu dài, hoặc tình huống có chạm chập điện. Do vậy việc tra dây chảy cầu chì, chọn dây chảy là đồng, chì cũng được song phải có tiết diện phù hợp công suất sử dụng. Nếu tra dây chảy quá lớn sẽ không có tác dụng bảo vệ, gây cháy hệ thống dây dẫn khi có sự cố quá tải nặng lâu dài hoặc bị chạm chập. Đối với cầu dao tự động (aptomat), nếu được điều chỉnh đúng công suất bảo vệ, khi bị quá tải hoặc chập điện phần tử nhiệt sẽ tác động cắt điện. Tuy nhiên, xin được lưu ý, sau lúc Aptômát tác động không được đóng trở lại ngay vì làm như vậy sẽ làm cong vênh phần tử nhiệt dẫn đến sai lệch tác động (Cũng như với nồi cơm điện khi đã ngắt không bật lại tức thời, vì làm như vậy có thể sẽ không thể nấu chín cơm những lần tiếp theo do rơ le tác động sai lệch, chuyển sang trạng thái hâm nóng sớm hơn).

Người ta vẫn nói “hiện đại, hại điện”, trước khi mua sắm thêm thiết bị điện nhất là các thiết bị có công suất cao như, bàn là, bình nước nóng, máy điều hòa, máy giặt, bếp từ... các gia đình cần phải xem xét tới khả năng chịu tải của đường dây và nguồn điện. Ở khu vực quá xa trạm biến áp, cuối nguồn, chất lượng điện không tốt, thường xuyên chịu sụt áp nếu không muốn đột ngột mất điện và chịu một khoản tiền tổn thất điện không nhỏ thì tốt nhất không nên dùng các đồ dùng điện công suất lớn, nhất là trong giờ cao điểm (17h đến 21h).

Nói tóm lại, để đảm bảo an toàn, tiết kiệm điện, đối với người sử dụng điện cần thường xuyên thực hiện tự kiểm tra an toàn đường dây và các dụng cụ điện trong nhà, nhất thiết phải tham khảo ý kiến của chuyên môn khi phát triển thêm đồ dùng điện có công suất lớn, tránh tình trạng sử dụng điện tùy tiện. Đối với cơ quan quản lý và cung cấp điện một mặt cần đảm bảo kiểm tra định kỳ công suất sử dụng điện của các hộ dùng điện, kịp thời phát hiện quá tải của đường dây và thiết bị bảo vệ. Mặt khác cần coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức của nhân dân trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Thăng Long