Từ sự đồng thuận đóng góp của người dân, đến nay Trường Mầm non xã Hưng Long, huyện Yên Lập đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, có đủ trang thiết bị vui chơi cho trẻ.
PTĐT - Thời gian qua, việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của người dân phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Việc hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng đã bảo đảm kịp thời, đúng mục đích, công khai, minh bạch; việc hạch toán kế toán, quyết toán quỹ và các khoản đóng góp của nhân dân được thực hiện đúng quy định. Nhiều loại quỹ đã được triển khai hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Công khai, minh bạch các loại quỹ
Là huyện miền núi, những năm qua, huyện Yên Lập đã căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương các bộ, ngành và Nghị quyết của HĐND tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân và tuyên truyền vận động từ các tổ chức, cá nhân cho các loại quỹ. Trên cơ sở các quy định của pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hàng năm UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động thu các loại quỹ, các nguồn lực từ nhân dân đảm bảo đúng đối tượng, hợp lý, phù hợp với thu nhập của nhân dân, do vậy đã huy động được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo trên địa bàn và có thêm nguồn lực để triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn.
Các khoản huy động do nhân dân đóng góp được công khai bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở UBND xã; thông tin trên hệ thống truyền thanh; thông qua tổ nhân dân tự quản... Việc thực hiện công khai, minh bạch các nguồn huy động và sử dụng hiệu quả các khoản đóng góp của nhân dân đã tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao quyền, nghĩa vụ của người dân, giúp người dân chủ động thực hiện việc giám sát với các cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức trong chấp hành các quy định của pháp luật.
Từ năm 2013 đến năm 2017, toàn huyện Yên Lập đã huy động nguồn đóng góp của nhân dân được trên 94 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn có 7 loại quỹ huy động sự đóng góp của người dân, trong đó, có 1 quỹ bắt buộc là quỹ phòng, chống thiên tai và 6 loại quỹ tự nguyện gồm quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ nhân đạo, tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo, quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ quốc phòng - an ninh, quỹ khuyến học. Các khoản đóng góp đã được sử dụng vào các mục đích như xây dựng cơ sở vật chất và các hoạt động của ngành giáo dục; xây dựng nhà văn hóa ở khu dân cư; làm đường giao thông nông thôn... góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các loại quỹ vận động còn được sử dụng vào mục đích nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội, góp phần giảm bớt một phần gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Việc triển khai thực hiện các loại quỹ trên địa bàn thành phố Việt Trì đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể các cấp quan tâm. Công tác quản lý quỹ được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, nội dung chi theo đúng quy định, do vậy đã phát huy hiệu quả, đem lại quyền lợi thiết thực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Sông Lô là xã thuần nông nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố Việt Trì, những năm gần đây, kinh tế của xã ngày càng phát triển, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, các công trình công cộng được đầu tư, trong đó có sự đóng góp tích cực cả vật chất và tinh thần của người dân.
Ông Lê Trung Tiến - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu 3 cho biết: Trong điều kiện kinh tế của địa phương còn hạn chế, ngân sách chi cho các công trình của người dân còn khiêm tốn thì việc huy động nguồn lực từ nhân dân là giải pháp tích cực. Hàng năm, Ban chi ủy đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia ủng hộ để làm các công trình công cộng, làm đường giao thông, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn... Đa số người dân đã ủng hộ tích cực, điển hình là việc vận động người dân đồng thuận hiến đất làm đường giao thông và hệ thống rãnh thoát nước. Đến nay, các tuyến đường trong khu đã hoàn thành bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân...
Giám sát chặt chẽ trong sử dụng
Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, thông báo số 872 của Thường trực Tỉnh ủy về chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát năm 2018, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các địa phương triển khai thực hiện việc thu 2 loại quỹ bắt buộc là Quỹ Phòng chống thiên tai và Quỹ Quốc phòng - An ninh, đồng thời vận động nhân dân tham gia đóng góp đối với các loại quỹ tự nguyện, các chương trình, kế hoạch khác. Qua giám sát cho thấy, việc huy động các khoản đóng góp của người dân đã đạt được kết quả tích cực. Việc thu, quản lý, sử dụng các loại quỹ và các khoản huy động đóng góp của người dân được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Việc hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng cơ bản bảo đảm kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng từ đó đã hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho người nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Vai trò giám sát của nhân dân thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được chú trọng triển khai đã góp phần hạn chế những sai phạm trong công tác quản lý thu-chi, sử dụng các khoản đóng góp của người dân.
Các tuyến đường trên địa bàn xã Sông Lô, thành phố Việt Trì đã cơ bản được cứng hóa từ nguồn đóng góp của dân đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt.
Trong 5 năm (từ 2013-2017), Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động ủng hộ trên 89 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt 23,8 tỷ đồng, Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Tổ vận động ủng hộ được trên 35 tỷ đồng... Ngoài ra còn huy động ngày công lao động, hiến đất, vật kiến trúc trên đất và nhiều tài sản khác... Điển hình như ở huyện Yên Lập, các khoản đóng góp của người dân được huyện thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, hỗ trợ đúng đối tượng, Quỹ người nghèo, huyện hỗ trợ vốn cho các đối tượng nghèo chăn nuôi sản xuất, sửa chữa, xây dựng nhà cho người nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo học tập… trên 5,1 tỷ đồng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được huyện sử dụng để tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân người có công.
Ở xã Sông Lô (Việt Trì) trong giai đoạn 2012 - 2016, tổng số vốn huy động đầu tư phát triển đạt trên 98 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng hiến đất xây dựng 5 nhà văn hóa với diện tích gần 6.000m2. Hiến đất mở rộng đường giao thông liên khu, giao thông nội đồng trên 3.000m2.
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh, việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của người dân đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, do đó đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân. Từ nguồn ủng hộ, đóng góp của nhân dân đã góp phần quan trọng huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội... Để tạo niềm tin cho nhân dân đối với các nguồn quỹ, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quản lý chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công khai việc thu và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Khi tiến hành vận động thu các nguồn quỹ, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa cuộc vận động và mục đích tốt đẹp của nguồn quỹ sau khi đã được ủng hộ...
Hoàng Hương