Tổ liên kết khâu mũ lá cọ thu hút đông hội viên phụ nữ xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê tham gia với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
PTĐT - Chúng tôi đến xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê khi người nông dân ở đây vừa thu hoạch xong vụ lúa mùa. Tranh thủ lúc nông nhàn, chị em phụ nữ lại bắt tay vào công việc khâu mũ lá cọ xuất khẩu. Tại nhà chị Nguyễn Thị Phương - Tổ trưởng tổ liên kết khâu mũ lá xen lẫn tiếng nói cười râm ran là hình ảnh những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt luồn mũi kim xuyên qua chiếc mũ cọ trắng ngà. Được biết, sau 7 năm thành lập, đến nay tổ liên kết khâu mũ lá ở xã Thanh Nga đã thu hút hàng chục hội viên tham gia. Các thành viên trong tổ thường xuyên hỗ trợ, trao đổi với nhau về nguyên liệu cũng như kỹ thuật để tạo ra những chiếc mũ đạt yêu cầu.
Nghề này mang lại nguồn thu nhập ổn định trung bình 120 nghìn đồng/ngày công, từ đó giúp nhiều thành viên trong tổ vươn lên thoát nghèo. Ở Thanh Nga, ngoài tổ liên kết khâu mũ lá, Hội phụ nữ xã còn thành lập tổ liên kết chăn nuôi gà với 5 thành viên tham gia, quy mô từ 1.000 con/hộ trở lên. Chị Hoàng Thị Gấm - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Cẩm Khê cho biết: “Hoạt động của 29 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế trên địa bàn huyện hiện nay với đa dạng ngành nghề thu hút hơn 300 thành viên tham gia làm tăng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp chị em thêm tự tin, khẳng định quyền bình đẳng trong gia đình, xã hội. Một số sản phẩm thủ công đã vươn ra thị trường các tỉnh lân cận và nước ngoài”.
Không chỉ có huyện Cẩm Khê, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, đổi mới từ nếp nghĩ đến phương pháp khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Nếu như trước kia, người phụ nữ bằng lòng với vị thế của một “hậu phương” đứng sau người chồng trong mọi hoạt động từ gia đình đến ra ngoài xã hội thì nay họ đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế đến xây dựng đời sống gia đình. Không chỉ là các hoạt động kinh tế đơn thuần, chị em còn tích cực ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do chị em làm chủ đã hướng đến việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đó là mô hình tổ, nhóm liên kết trồng rau an toàn tại huyện Thanh Thủy, thành phố Việt Trì; chăn nuôi gà an toàn sinh học, trồng đu đủ sạch tại Tam Nông, thị xã Phú Thọ; trồng và sản xuất chè an toàn ở Thanh Sơn, Tân Sơn... Các tổ hợp tác chăn nuôi vỗ béo bò thịt tại huyện Phù Ninh hay sản xuất và kinh doanh rau an toàn ở huyện Thanh Thủy, sản xuất và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Lập đã hướng đến nền sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh. Các cấp Hội đã vận động hội viên thực hiện tốt các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. 2 năm qua Hội phụ nữ các cấp đã thành lập mới 119 mô hình kinh tế hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ; 42 tổ hợp tác; 88 tổ, nhóm liên kết giúp nhau phát triển kinh tế; 5 hợp tác xã. Các tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Để nâng cao hiệu quả các phong trào, Hội phụ nữ các cấp đã chủ động đẩy mạnh công tác dạy nghề nhằm giúp chị em có thêm kiến thức, tự tin ứng dụng vào quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ năm 2015-2017, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.434 người, mở trên 200 lớp dạy nghề cho 6.750 lao động nữ. Sau học nghề, 85% chị em đã tự tạo việc làm với thu nhập ổn định. Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ thuộc Hội LHPN tỉnh nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ như phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức 119 lớp học nấu ăn cùng Ajinomoto cho trên 7.700 cán bộ, hội viên; phối hợp với Công ty cổ phần quốc tế Lead Việt Nam tổ chức các lớp truyền thông “Vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống bệnh mãn tính” tại các huyện, thành, thị; tổ chức 26 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng tay nghề, Hội phụ nữ đã mở rộng, nâng chất lượng các loại hình tín dụng tiết kiệm, hoạt động ủy thác, tín chấp nguồn vốn từ ngân hàng. Các cấp Hội tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng tốt các nguồn vốn thông qua tổ chức Hội. Đến nay, tổng số vốn các cấp Hội khai thác đạt trên 1.231 tỷ đồng cho gần 49.000 hộ vay. Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh duy trì hiệu quả và mở rộng địa bàn hoạt động tới 17 xã, phường, thị trấn với dư nợ trên 21 tỷ đồng giải quyết cho trên 2.400 hội viên vay. Không chỉ hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội còn đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, duy trì hiệu quả các hoạt động hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Tất cả cơ sở Hội tiến hành rà soát số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, hàng năm đăng ký giúp đỡ trên 80% số hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 8,9% vào cuối năm 2017. Hội vận động cán bộ, hội viên ủng hộ xây dựng 99 mái ấm tình thương trị giá trên 3,2 tỷ đồng cho phụ nữ nghèo, đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm cho hộ nghèo của tỉnh. Những hoạt động chăm lo, hỗ trợ tạo tiền đề quan trọng giúp chị em vươn lên khẳng định vị thế của mình trong gia đình, hướng tới quyền bình đẳng trong xã hội.
Không những thế, hội viên phụ nữ còn đi đầu trong các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa dân gian, đậm đà bản sắc, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tại lễ hội Đền Hùng hàng năm, đông đảo hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động dâng hương, rước kiệu, lễ hội đường phố, hội trại văn hóa, thi nấu bánh chưng, giã bánh giày, bơi chải, bắn nỏ,… Các cấp hội còn phối hợp tổ chức dạy gói bánh chưng, hát Xoan cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Thông qua việc thành lập 241 CLB hát Xoan đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Để góp phần xây dựng tỉnh ta trở thành trọng điểm du lịch của vùng trong đó thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, Hội phụ nữ các cấp đã duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đến nay, Hội phụ nữ đã gắn biển 1.700 tuyến đường phố văn minh, đoạn đường phụ nữ tự quản, đoạn đường hoa,... tạo cảnh quan sạch, đẹp từ đô thị đến làng quê. Những hàng hoa đủ màu sắc chạy dọc các trục đường tỉnh lộ, liên xã ở thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ...
Trước yêu cầu đổi mới, hội nhập, Hội phụ nữ trong tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về đối ngoại nhân dân, thực hiện nghiêm các quy định đón tiếp khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh, tăng cường vận động, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ và hợp tác quốc tế. Hoạt động tuyên truyền của Hội có lồng ghép nội dung tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và cộng đồng ASEAN, giữ gìn an ninh biên giới, biển đảo; việc phân giới cắm mốc với các nước láng giềng góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, hội viên mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; tích cực tham gia các hoạt động chung của tỉnh Phú Thọ kết nghĩa với tỉnh Luông Nậm Thà của Lào.
Từ những kết quả trên đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của phụ nữ Đất Tổ trong việc hưởng ứng, thực hiện các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phần nào khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ nông thôn trong xã hội hiện đại.
Hồng Nhung