Mong sớm được “an cư”
Nhiều năm qua, gần 100 hộ dân ở khu Chùa Bộ và Quang Trung, thị trấn Cẩm Khê phải sống bên cạnh công trường thi công dự án Khu Công nghiệp (KCN) Cẩm Khê. Những núi đất cao cả chục mét đang ngày một tiến sát nhà và đường dân sinh, gây nhiều khó khăn, bất tiện cho nhân dân nhất là vào mùa mưa.

Người dân khu Chùa Bộ và khu Quang Trung kể về những khó khăn khi sống trong vùng lõi của đại công trường KCN Cẩm Khê
Nỗi khổ sống trong “vùng lõi”
Mỗi năm, cứ vào mùa mưa gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh và bà Hoàng Thị Khen (khu Chùa Bộ) lại không khỏi lo lắng khi núi đất bao quanh nhà đang ngày một đắp cao lên. Bên trên núi đất là mặt bằng xây dựng KCN Cẩm Khê. Vừa nghe tiếng xe tải chở đất chạy ầm ầm cạnh nhà, ông Hạnh vừa chia sẻ: “Núi đất bao quanh bốn bề căn nhà cấp bốn, vườn cây của tôi giờ đổi màu đỏ quạch vì bụi. Không những thế, đất sạt xuống mỗi khi mưa đang “rình” xóa sổ con đường dân sinh khiến việc đi lại đặc biệt là các cháu đi học rất khó khăn”.
Theo như đơn phản ánh của các hộ dân, từ năm 2016 đến nay, gần một trăm hộ dân phải chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường (bụi, nước,…) đặc biệt là vào mùa mưa. Bà Nguyễn Thị Nhận (khu Quang Trung) vẫn nhớ năm 2022 sau mỗi trận mưa rào, nước ngập đến quá đầu gối. Trẻ con phải nghỉ học vì tuyến đường bị chia cắt. Nước tràn từ trên núi đất xuống như thác đổ. Nỗi lo lắng, sợ hãi đất sạt lở vào nhà không phải là không có căn cứ. Ông Phạm Toàn Thành - người dân địa phương cho biết: “Kiến nghị của nhân dân hai khu Chùa Bộ và Quang Trung là chính quyền địa phương sớm có phương án giải quyết, di dời người dân trước mùa mưa năm này để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân”.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn, vất vả khi sống bên cạnh công trường như vậy, nhà cửa bị núi đất bao quanh giống như “hang hốc, lòng chảo”. Dù có xuống cấp, hư hỏng cũng không được xây mới dẫn đến tình trạng dột nát, xô đổ mỗi khi mưa bão ập đến tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Bang (khu Chùa Bộ) là hộ có hoàn cảnh khó khăn, do sống trong căn nhà cấp bốn đã xuống cấp không đảm bảo an toàn nên bà phải dọn ra ở cùng con cháu.

Vật kiến trúc do người dân cơi nới thêm không phù hợp với công năng sử dụng không có trong bảng đơn giá của tỉnh
Cần sớm có phương án giải quyết
KCN Cẩm Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam tại Văn bản số 1742/TTg-KTN ngày 16/10/2008. 13/5/2016, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 1092/QĐ-UBND về việc thành lập KCN Cẩm Khê. Tại quyết định thành lập, KCN Cẩm Khê có diện tích 450 ha thuộc địa phận thị trấn Cẩm Khê) và xã Xương Thịnh. Ngày 11/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Khê. Dự án được giao cho Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Xây dựng Đức Anh là hai nhà đầu tư thực hiện. Dự án có thời gian hoạt động đến năm 2067.
KCN Cẩm Khê được xây dựng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hạ tầng KCN được hoàn chỉnh bao gồm hệ thống điện cung cấp dự kiến 150 Kwh/tháng, hệ thống nước sách cung cấp khoảng 20.000m3 nước/ngày, hệ thống giao thông đường bộ với đường trục chính rộng 44,5m, hệ thống xử lý nước thải và trao đổi thông tin… Trong tương lai sẽ là khu liên hợp nhiều lĩnh vực như dệt may, cơ khí, chế biến nông, lâm, sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ… giải quyết việc làm tại chỗ cho gần một triệu lao động và tạo ra nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.
Hiểu được được tầm quan trọng của dự án, nhân dân trong vùng giải phóng mặt bằng cũng mong muốn được sớm giao đất cho cơ quan chức năng để đến khu tái định cư. Tính đến tháng 2/2023, diện tích đã giải phóng mặt bằng là 315,2ha. Trong đó, đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng và giao đất cho chủ đầu tư dự án là 139,5 ha. Diện tích đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đủ điều kiện giao đất là 183,4 ha. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã thẳng thắn thừa nhận còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.
Việc chậm triển khai bồi thường và tái định cư cho các hộ dân ở khu Chùa Bộ, khu Quang Trung là do vướng mắc trong việc thực hiện áp giá, công khai phương án do một số hạng mục chưa xác định được đơn giá bồi thường. Đây là công trình, vật kiến trúc cơi nới, tạo lập (trong đó có những công trình không phù hợp với công năng sử dụng, chủ yếu được treo, mắc, làm hàng rào sắt xung quanh nhà...) chưa có trong bảng đơn giá của tỉnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Tiến Hùng - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Khê cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, khu tái định cơ cho các hộ dân thuộc khu Chùa Bộ và khu Quang Trung cơ bản đã hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng. Dự kiến sắp tới sẽ cho các hộ bốc thăm để di dời sớm nhất đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với các công trình, kiến trúc không phù hợp với công năng sử dụng và chưa có trong bảng đơn giá của tỉnh thì sẽ xem xét kiểm đếm, áp giá bồi thường đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân”.
KCN Cẩm Khê là dự án trọng điểm không chỉ của huyện mà cả của tỉnh. Vì vậy, các cấp chính quyền và người dân cần nhanh chóng tìm được tiếng nói chung để sớm có phương án di dời vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân vừa sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư thi công hoàn thành tiến độ đề ra.
Vĩnh Hà - Thùy Trang