Phú Hà giữ nghề truyền thống
baophutho.vn Từ đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, làng Phú Hà thuộc thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn đã được hình thành từ chủ trương khuyến khích người dân dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới của Nhà nước. Bà con từ nhiều miền quê khác nhau như Nam Định, Thái Bình, Hà Tây (cũ), Hòa Bình đã quần tụ về đây hình thành nên hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp đa nghề: Mộc, rèn, đan cót, đan quạt, làm chổi chít… Đến năm 1988, HTX bị giải thể nhưng đại đa số người dân vẫn cố gắng bám trụ với nghề, để đến hôm nay người dân Phú Hà không những tự hào vì còn lưu giữ được nghề trao truyền của cha ông mà còn nâng tầm, phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mang lại lợi nhuận ổn định.

Phú Hà giữ nghề truyền thống

Từ đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, làng Phú Hà thuộc thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn đã được hình thành từ chủ trương khuyến khích người dân dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới của Nhà nước. Bà con từ nhiều miền quê khác nhau như Nam Định, Thái Bình, Hà Tây (cũ), Hòa Bình đã quần tụ về đây hình thành nên hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp đa nghề: Mộc, rèn, đan cót, đan quạt, làm chổi chít… Đến năm 1988, HTX bị giải thể nhưng đại đa số người dân vẫn cố gắng bám trụ với nghề, để đến hôm nay người dân Phú Hà không những tự hào vì còn lưu giữ được nghề trao truyền của cha ông mà còn nâng tầm, phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mang lại lợi nhuận ổn định.

Phú Hà giữ nghề truyền thống

Làm chổi chít.

Từ chiếc chổi chít thủ công

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, HTX tiểu thủ công nghiệp cũng bị giải thể. Thích ứng với điều kiện mới, thay vì duy trì đa nghề như thời bao cấp, người dân trong làng tập trung phát triển hai nghề chính là làm chổi chít và sản xuất đồ mộc gia dụng.

Thanh Sơn trước kia nổi tiếng là vùng chít lớn nhất của cả tỉnh. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho những người thợ làm nghề bện chổi như ở Phú Hà. Với hơn 30 năm gắn bó với nghề làm chổi, gia đình bà Nguyễn Thị Thu là một trong những hộ làm nghề chổi chít lâu năm nhất ở làng. Bước sang tuổi 65, đôi bàn tay bà vẫn tháo vát, nhanh nhẹn, khéo léo trong từng công đoạn để làm nên chiếc chổi ưng ý. Bà bảo, để làm ra một cây chổi chít cũng khá cầu kỳ. Mỗi nhà có một cách làm riêng. Đối với gia đình tôi, sau khi thu mua bông chít về không mang phơi nắng mà treo trong hiên nhà, tránh nắng, gió để bông chổi giữ màu xanh cốm vừa đẹp mắt lại dùng được bền. Mỗi năm, gia đình bà giao bán hơn 12.000 nghìn cây chổi chít.

Phú Hà giữ nghề truyền thống

Sản phẩm chổi chít của làng nghề bền, đẹp, được thị trường ưa chuộng.

Cùng với gia đình bà Thu, làng Phú Hà hiện có nhiều hộ vẫn duy trì và có thu nhập cao từ nghề làm chổi chít. Sau bao nhiêu năm, nghề thủ công truyền thống vẫn tạo công việc, thu nhập ổn định cho nhiều lao động và tạo không khí nhộn nhịp, tấp nập của làng nghề…

Gần 11 giờ trưa, xưởng làm chổi chít của gia đình ông Nguyễn Văn Tư- Trưởng làng nghề vẫn nhộn nhịp. Bốn người thợ làm chổi đều là những phụ nữ ở độ tuổi trung niên khoác trên mình những bộ đồ bảo hộ lao động phủ đầy bụi chít. Mỗi người phụ trách một công đoạn và có sự phối hợp nhịp nhàng từ khâu chọn bông chít, bó chít, cuốn chổi rồi hoàn thiện. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức. Vì thế, người 60, 70 tuổi cũng vẫn có thể làm nghề. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để làm nên một cây chổi đẹp, bền đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế. Người làm chổi cũng phải tần tảo, chịu khó thì mới theo nghề được lâu. Theo những người thợ ở đây, sau khi ăn Tết xong cũng là thời điểm bước vào vụ làm chổi mới. Vì nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng khan hiếm, nên vài năm gần đây bông chít được các hộ thu mua từ mạn ngược Sơn La, Điện Biên, thậm chí nhập từ Lào về. Mỗi năm, làng nghề phải nhập hàng nghìn tấn chít để dùng dần cho cả năm. Bông chít treo khô từ hai đến ba tháng mới sử dụng được. Sau khi đập rụng hết hoa và loại bỏ những bông vàng thì bó lại thành từng bó nhỏ gọi là con chổi. Tùy theo độ dày, mỏng do khách đặt mà cuốn số lượng con chổi cho phù hợp.

Nói về giá trị mà chiếc chổi chít mang lại, bà Thu chia sẻ thêm: “Thông thường một chiếc chổi chít chỉ có tuổi thọ khoảng ba tháng, riêng chổi ở đây được khách hàng phản hồi tốt với thời gian sử dụng được lâu hơn. Điều đó tạo nên thương hiệu riêng cho chổi chít Phú Hà. Với giá bán hiện nay dao động từ 30.000-40.000 đồng/chiếc tùy độ dày mỏng, mỗi năm gia đình tôi cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng”. Qua bao thăng trầm của thời gian, nghề làm chổi chít vẫn ngày một thịnh hành ở đất này…

Phú Hà giữ nghề truyền thống

Các hộ làm nghề mộc trong làng đều đầu tư máy móc hiện đại góp phần tạo nên những sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng tốt.

Đến hiện đại hóa nghề mộc

Đi dọc tuyến tỉnh lộ 316 từ thị trấn Thanh Sơn hướng sang huyện Thanh Thủy, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những xưởng sản xuất đồ mộc lớn nhỏ với la liệt sản phẩm gỗ gia dụng bắt mắt. Trước đây, nghề mộc của làng Phú Hà hoàn toàn mang tính chất thủ công, nên giá trị ngày công không cao, các sản phẩm làm ra cũng chưa đạt được độ tinh xảo để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhận thức được điều này, trong những năm gần đây, người dân trong làng đã tích cực đầu tư các trang thiết bị máy móc, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động để làm ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao cung cấp ra thị trường. Vì vậy sản phẩm của làng ngày càng được nhiều khách hàng biết đến. Nhiều hợp đồng đặt hàng có giá trị lớn được ký kết đã tạo điều kiện để người dân trong làng có thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu bằng chính nghề của mình.

Phú Hà giữ nghề truyền thống

Từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ mộc và sự hỗ trợ của máy móc đã cho ra đời các sản phẩm đồ gỗ đa dạng mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng sản xuất của gia đình vừa mới đầu tư mở rộng hồi đầu năm nay, anh Phạm Đình Bắc kể về quá trình gian nan gây dựng cơ nghiệp của mình. Năm 2000, vừa tròn 17 tuổi, chàng trai người dân tộc Mường này đã đến làm thuê ở xưởng mộc gần nhà để có thêm thu nhập. Nghề mộc khi ấy chủ yếu được làm thủ công đã khiến đôi bàn tay suốt ngày cầm bào, đục trở nên chai sần, thô ráp. Để tâm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, ngón nghề, sau chín năm, anh quyết định tự đứng ra làm chủ. Anh Bắc chia sẻ: “Sau 13 năm mở xưởng của riêng mình, đến nay sản phẩm do xưởng tôi sản xuất đã tìm được chỗ đứng vững, khẳng định thương hiệu trên thị trường đồ mộc gia dụng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tôi đã đầu tư mở rộng xưởng, mua sắm thêm máy móc hiện đại giúp tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành. Vì thế, phần lớn xưởng sản xuất theo đơn đặt hàng, các mặt hàng làm ra không phải lo khâu tiêu thụ. Trừ chi phí, mỗi năm còn thu lãi khoảng 200 triệu đồng”.

Dạo một vòng quanh làng nghề mộc Phú Hà, chúng tôi nhận thấy sản phẩm mộc hiện nay chủ yếu là các vật dụng gia đình như giường, tủ, bàn ghế, kệ sách, quầy thu ngân... với mẫu mã phong phú, đa dạng, đường nét chạm khắc tinh xảo, mang tính thẩm mỹ, được tạo ra từ nhiều người thợ có tay nghề kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Để có thể đảm nhận được những đơn hàng có số lượng lớn, những người dân trong làng đã liên kết cùng nhau thành lập các tổ hợp tác, HTX hay công ty trách nhiệm hữu hạn để đứng ra làm đầu mối trung gian đảm nhận việc ký kết hợp đồng và bao tiêu các sản phẩm cho người dân trong làng. Do biết cách tổ chức sản xuất hợp lý, nên những người thợ thủ công ở đây quanh năm không bao giờ hết việc. Thu nhập bình quân đầu người luôn cao hơn so với mức thu nhập bình quân chung của toàn huyện. Số hộ giàu, khá giả ngày càng nhiều.

Sau 16 năm thành lập làng nghề, Phú Hà dần trở thành một bức tranh kinh tế nhiều màu sáng, nhưng lại đang phải đối diện với vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Sản phẩm của làng được làm từ gỗ phải trải qua các công đoạn xẻ gỗ, bào, phay, đục, phun sơn… trong quá trình sản xuất người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, tiếng ồn, mùi hóa chất từ sơn, đánh bóng sản phẩm. Hầu hết các xưởng mộc đều nằm xen lẽ trong khu dân cư mà chưa được bố trí địa điểm sản xuất tập trung. Điều này đã gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của các hộ sống xung quanh. Vì thế, bài toán đặt ra đối với làng nghề nơi đây đó là có quỹ đất để phát triển, có cụm công nghiệp để người dân tập trung đầu tư phát triển nghề. Đồng chí Hà Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn cho biết: “Hiện nay, một số hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ thuộc làng nghề cũng đã chủ động chuyển xưởng sang cụm công nghiệp của huyện đặt ở xã Thục Luyện. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, thời gian tới, chính quyền địa phương cũng sẽ đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí tạo quỹ đất phù hợp giúp bà con yên tâm làm nghề”.

Từ sản xuất “hàng chợ”, đến nay uy tín, thương hiệu làng nghề mộc Phú Hà ngày càng vươn xa không chỉ bởi chất lượng của sản phẩm đồ gỗ hay chiếc chổi chít bền đẹp, mà còn bởi sự cần cù, chăm chỉ và năng động cùng thời cuộc của người làm nghề. Hy vọng, trong thời gian không xa làng nghề sẽ đảm bảo hài hòa giữa yếu tố phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững hơn nữa.

Sơn Lâm

Sơn Lâm