Cập nhật:  GMT+7

ĐỀN HÙNG - GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG Hội tụ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

ĐỀN HÙNG - GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Hội tụ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

PTO- Trong các truyền thuyết Hùng Vương, chuyện Bọc trăm trứng lý giải nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Buổi hồng hoang đất nước, Lạc Long Quân và bà Âu Cơ nên duyên chồng vợ, đẻ được một bọc trăm trứng, về sau nở được trăm con. Để mở mang và trấn giữ bờ cõi, Lạc Long Quân dẫn 50 người con về miền biển, Âu Cơ dẫn 49 con lên ngàn, người con trưởng ở lại xưng vương, mở đầu thời đại Hùng Vương dựng nước, mở trang đầu trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Hành hương về cội nguồn.

Người Việt Nam có tín niệm sâu sắc về Tổ quốc, về nguồn gốc, tổ tiên. Các truyền thuyết về bọc trăm trứng, về họ Hồng Bàng gắn liền với các dấu tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không chỉ là biểu hiện của nhu cầu cố kết cộng đồng để mưu sinh, mà còn phản ánh những khát vọng tình cảm, tâm linh hướng tới sự đoàn kết quốc gia, dân tộc.

Cũng giống như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhưng người Việt là dân tộc duy nhất có chung ngày giỗ Tổ. Dân tộc Việt Nam có câu ca truyền đời, nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng luôn biết nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Giỗ Tổ là một tín ngưỡng, một nghi lễ đặc biệt, là ngày để con cháu kính dâng hương hoa lễ vật, tri ân công đức tiền nhân đã sản sinh nòi giống, mở lối đắp nền để dân tộc mãi trường tồn. Trong sâu thẳm tâm thức, đã là người Việt, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Tổ, từ tổ của mỗi gia đình, dòng họ đến tổ của cả một dân tộc. Từ ngàn xưa đã có lệ “dân trưởng” Hy Cương được thừa hưởng hương hỏa để tu bổ lăng miếu, thờ cúng tổ tiên. Đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, dân trưởng thay vì trăm họ khắp miền biện sửa lễ vật, lo việc giỗ Tổ. Đồng bào quanh vùng cùng đến hương khói, tri ân công đức tiền nhân. Nhiều tập thể, cá nhân đã cung tiến “nhân, tài, vật lực” để tu bổ, xây dựng nơi thờ cúng tổ tiên.

Rõ ràng Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, của giá trị đạo đức và văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Chính tại Đền Hùng, cách đây hơn nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, và Người khẳng định: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo hiệu triệu của Bác, toàn dân tộc đoàn kết chiến đấu và chiến thắng, làm nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Giỗ Tổ là dịp để tôn vinh lịch sử, làm cho “phù sa của quá khứ tiếp tục bồi đắp, sinh thành trong suốt hành trình của dân tộc”.

Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ tự hào vì trên vùng đất này - nơi các Vua Hùng xây dựng kinh đô đầu tiên, Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - có một kho tàng văn hoá dân gian với những lễ hội vô cùng phong phú, được tổ tiên truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, kết tinh thành những giá trị tinh thần hết sức đặc sắc làm nên bản sắc Việt Nam. Có thể kể ra đây rất nhiều những lễ hội đặc sắc đã và đang tồn tại ở các địa phương: Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, đền Lăng Sương; Hội phết Hiền Quan; Trò trám và rước lúa thần Tứ Xã, lễ hội Tịch điền ở Minh Nông, Cướp cầu - đánh phết ở Sơn Vi, Rước chúa gái ở Hy Cương, Rước kiệu ở Hùng Lô, Hội voi ở Đào Xá, Hát xoan và sự tích bánh chưng - bánh dầy ở Kim Đức, Ném chài ở làng Vân Luông - Vân Phú, Tắm ngựa ở Hiền Đa, Giã bánh dày ở làng Trúc Phê, Múa mỡi làng Lưa - Tân Lập, Trình nghề và cướp kén ở làng Dị Nậu... Những di tích và lễ hội này đã góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, làm nên một không gian văn hoá Hùng Vương hoành tráng mà hiện nay tỉnh Phú Thọ và các cơ quan hưu quan Trung ương đang nỗ lực xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Văn hoá giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đây là một cơ hội để chúng ta quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hoá Việt Nam với bạn bè thế giới, để Việt Nam hội nhập toàn diện với toàn cầu. Vì thế, Chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” được tổ chức hàng năm có sức lan toả, thu hút đồng bào cả nước và du khách nước ngoài đến với Phú Thọ. Mở đầu bằng lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, chương trình đạt tới cao trào bằng lễ hội Đền Hùng được tổ chức ấn tượng, như một điểm nhấn khó quên để kết thúc một hành trình về miền lễ hội.

Được sự đầu tư, giúp đỡ của Trung ương, các bộ, ngành, các tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh Phú Thọ đang thực hiện phương châm “xã hội hoá” để huy động tiềm năng từ nhân dân, trong nhân dân để bảo tồn, tôn tạo, phát triển các di tích, danh thắng, đặc biệt là Khu di tích lịch sử Đền Hùng - di tích xếp hạng đặc biệt của quốc gia. Nhiều công trình ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang được xây dựng, trùng tu như Đền Mẫu, Đền thờ Lạc Long Quân, Đền Thượng, Trung tâm lễ hội, Vườn cây lưu niệm, bãi xe, hệ thống đường sá, nơi bán hàng lưu niệm, hệ thống chiếu sáng, cấp nước, vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ và phát triển rừng...

Năm 2007, Kỳ họp thứ 11 QH khoá XI xác định ngày mùng 10 - 3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động nghỉ làm việc được hưởng lương để có điều kiện tiến hành các hoạt động tín ngưỡng giỗ Tổ và tham gia các hoạt động văn hoá- lễ hội hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với Chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, đã có trên 2 triệu lượt đồng bào trong nước và khách quốc tế về thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Năm Mậu Tý- 2008 tuy không phải là năm chẵn, nhưng tỉnh Phú Thọ đã sớm triển khai kế hoạch giỗ Tổ Hùng Vương để cả phần lễ, phần hội diễn ra trang nghiêm, ấn tượng, khẳng định và thể hiện sâu sắc truyền thống đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Lễ hội chính thức diễn ra từ mùng 6 đến mùng 10- 3 âm lịch, nhưng các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 1 tháng 3. Hoạt động mở đầu là “Đêm thơ về nguồn cội” với sự tham gia của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ cùng đông đảo công chúng yêu thơ trên đất Tổ. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao như “Triển lãm sách- tư liệu với chủ đề không gian văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương”, “Triển lãm ảnh giỗ Tổ Hùng Vương trong cả nước- Lễ hội Đền Hùng xưa và nay”, Hội chợ Hùng Vương năm 2008, Hội chợ và triển lãm hoa quả “Hương thơm trái ngọt tiến dâng các vua Hùng” với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Giải quần vợt Việt Nam Airline mở rộng, thi bơi chải ở ngã ba Hạc trên sông Lô, thi đấu bóng chuyền nam toàn tỉnh, thi đấu cờ tướng, thi gói và nấu bánh chưng, thi giã bánh dầy, biểu diễn đánh trống đồng, đâm đuống, hát xoan, múa sư tử... sẽ được tổ chức trong một không gian rộng lớn từ thành phố Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng và vùng phụ cận như Lâm Thao, Phù Ninh... Đoàn thanh niên và các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các huyện, thành, thị sẽ tham gia Hội trại và mang về lễ hội nhiều tiết mục đặc sắc dự Liên hoan diễn xướng dân gian với chủ đề “Âm vang đất cội nguồn”, dự giao lưu “Tiếng hát về miền quê đất Tổ”, giao lưu “Tiếng hát dân ca ba miền Bắc- Trung- Nam”...

Cùng với việc tham gia hội chợ thương mại Hùng Vương, Hội chợ và triển lãm hoa quả “Hương thơm, trái ngọt tiến dâng các Vua Hùng”, nghệ nhân, diễn viên các tỉnh trong cả nước còn mang về lễ hội nhiều tiết mục đặc sắc để tham gia diễn xướng dân gian, tham gia hội thi gói bánh chưng, giã bánh dầy... Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, đoàn nghệ thuật thành phố Hwaseong Hàn Quốc, đoàn nghệ thuật chèo Phú Thọ... sẽ mang tới lễ hội những chương trình đặc sắc. Tối mùng 9 tháng 3, tại thành phố Việt Trì sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp.

Sau lễ rước kiệu của nhân dân các xã Thanh Đình, Tiên Kiên, lễ dâng bánh chưng, bánh dầy lên đền Thượng và đền Mẫu Âu Cơ ngày mùng 9 tháng 3, Lễ dâng hương trọng thể tưởng niệm các Vua Hùng do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Thọ tổ chức sẽ được cử hành vào sáng mùng 10 tháng 3 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các tỉnh, thành trong cả nước; đại biểu người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đoàn hành lễ xuất phát từ thành phố Việt Trì sẽ tập kết ở sân trung tâm lễ hội, mang theo hương hoa, bánh chưng, bánh dầy và các lễ vật lên đền Thượng dâng cúng các Vua Hùng, đặt vòng hoa tại Lăng mộ Hùng Vương. Kết thúc lễ dâng hương, đoàn hành lễ sẽ đặt lẵng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bức phù điêu tạc hình ảnh Người nói chuyện với cán bộ chiến sĩ đại đoàn quân Tiên Phong 54 năm trước.

Trong thời gian qua, tỉnh phú Thọ đã có nhiều cố gắng chuẩn bị về mọi mặt để có một Lễ hội Đền Hùng diễn ra trang nghiêm, ấn tượng, khẳng định và thể hiện sâu sắc truyền thống đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

Đã là người Việt Nam, là con cháu của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, mang trong mình dòng giống Tiên Rồng, thì “Hàng năm ăn đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Nguyễn Thị Kim Hải



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Đồng bào đội mưa về Giỗ Tổ

Đồng bào đội mưa về Giỗ Tổ
2024-04-18 10:18:00

baophutho.vn Sáng 18/4 (tức mùng 10/3 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, mặc dù trời mưa nặng hạt từ sáng sớm, nhưng số lượng đồng bào và du...

ĐỀN HÙNG Những ngày chớm hội

ĐỀN HÙNG Những ngày chớm hội
2008-04-09 08:07:00

PTO- Bước vào tháng ba âm lịch từ thành phố Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng rạo rực không khí lễ hội. Cờ đỏ, panô, áp-phích, những câu khẩu hiệu viết trên lụa bay...

ĐỀN HÙNG Những ngày chớm hội

ĐỀN HÙNG Những ngày chớm hội
2008-04-09 08:07:00

PTO- Bước vào tháng ba âm lịch từ thành phố Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng rạo rực không khí lễ hội. Cờ đỏ, panô, áp-phích, những câu khẩu hiệu viết trên lụa bay...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long