Cập nhật:  GMT+7

Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng

Sáng 8/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Cùng dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Ngày 11/5 hằng năm được lấy làm Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng. Việc ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN có thể xem là cột mốc quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số.

Từ năm 2020-2022, Ngân hàng Nhà nước xếp thứ hạng cao trong các Bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và mã QR bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VNĐ/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính & bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp...

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân số.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số đang “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; cho biết, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số-Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”.

Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hằng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện.

Thủ tướng bày tỏ thống nhất cao với chủ đề của Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn cho Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ và mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024.

Qua theo dõi và chỉ đạo, Thủ tướng rất vui mừng với việc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, Thủ tướng mong các ngành ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa ngành phát triển lên một tầm cao mới. Ngành ngân hàng phải tiên phong trong chuyển đổi số, mang lại lợi ích chung cho quốc gia, các bộ, ngành, bản thân ngân hàng và người dân.

Về quan điểm chuyển đổi số ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ, xác định mục tiêu cho chuyển đổi số năm 2024 và các năm tiếp theo của ngành ngân hàng là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp tiếp cận thuận lợi, tốt nhất các doanh nghiệp của ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí, về thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp và cho chính bản thân ngân hàng; giám sát góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, đẩy lùi, ngăn chặn tiêu cực của ngành ngân hàng, nhất là sách nhiễu người dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu: quán triệt, bám sát và hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng thực chất, hiệu quả, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để định hướng các hoạt động của chuyển đổi số ngành ngân hàng. Chuyển đổi số ngành ngân hàng phải gắn với kinh tế số, xã hội số, công dân số và kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Quá trình này cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể Việt Nam.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên khu vực, thế giới.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Chuyển đổi số số ngành ngân hàng phải đồng bộ, chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng phải quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn trong triển khai chuyển đổi số ngành ngân hàng, gắn với chuyển đổi số quốc gia một cách bền vững, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền. Đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan, tìm hiểu các tiện ích của Ngân hàng Agribank.

Thủ tướng yêu cầu chú trọng 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó: Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua; Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Hai là, phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó: tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc...); Thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp được cung ứng và trải nghiệm các dịch vụ một cách liền mạch, xuyên suốt (từ tiếp nhận, đăng ký, sử dụng dịch vụ cho đến thanh toán...).

Ba là, đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tăng cường ứng dụng công nghệ vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; Liên tục nâng cấp, phát triển hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng

Bốn là, phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp với Đề án 06 tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai liên thông dữ liệu, cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế; Tổ chức tốt công tác quản trị, bảo mật dữ liệu khách hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn...) để phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Năm là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của ngành ngân hàng: Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng; Tăng cường hợp tác, đẩy mạnh học hỏi nghiên cứu kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong chuyển đổi số để vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động Ngân hàng tại Việt Nam.

Sáu là, đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn: Tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông... trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số; Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Chú trọng công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả, để người dân tích cực tham gia với tinh thần “Dân biết-Dân hiểu-Dân tin-Dân theo-Dân làm”.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số các bộ, ngành tham dự và tham quan, chứng kiến các sản phẩm, công nghệ chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Nguồn nhandan.vn


Nguồn nhandan.vn

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long