Cập nhật:  GMT+7

Nâng cao chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng

Xác định rõ giá trị của bưởi đặc sản trong tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được đầu tư tập trung, tạo ra một giá trị sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia, vươn mình xuất khẩu ra thế giới.

Nâng cao chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng

Anh Đỗ Văn Thọ, khu Chí, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng thực hiện thử nghiệm phủ bạt ở gốc để tránh đọng nước, giúp cây khỏe hơn và trái bưởi Sửu đẹp hơn

Những năm qua, để chương trình phát triển cây bưởi của huyện Đoan Hùng phát huy hiệu quả, Ban chỉ đạo phát triển cây bưởi huyện đã chỉ đạo việc lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, huy động nguồn vốn trong dân tập trung cho công tác đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích bưởi. Trong đó, huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ trong việc dồn đổi, tích tụ đất để có diện tích lớn, tập trung để trồng bưởi, hình thành các trang trại chuyên canh bưởi, nhằm tạo nhanh sản phẩm hàng hoá.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung rà soát quỹ đất, tận dụng một số diện tích đất cao hạn, diện tích chân ven đồi để trồng mới 840 ha bưởi đặc sản; xây dựng kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp cho nông dân với giá thành hợp lý. Công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp đặc biệt là công tác quy hoạch vùng trồng bưởi hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp tiếp tục được UBND huyện quan tâm chỉ đạo. Trong thời gian qua, toàn huyện đã dồn đổi diện tích trồng cây lâu năm trong đó chủ yếu là cây bưởi được 438 thửa với diện tích là 78,33 ha; trong đó tự dồn đổi là 47,01 ha, chuyển nhượng là 25,65 ha. Hiện toàn huyện có khoảng 2.700 ha trồng bưởi, tăng hơn 1.027 ha so với năm 2016. Tính đến nay, huyện đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, bưởi Đoan Hùng là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao của huyện.

Nâng cao chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng

Dự án nghiên cứu kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng sẽ tập trung ở hai giống bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân tại sáu xã.

Đồng thời, UBND huyện ban hành các chính sách hỗ trợ về tài chính với quan điểm là hỗ trợ trực tiếp những khâu sản xuất mà người dân cần và khó áp dụng; ngoài chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh, dự án WB7, sự nghiệp khoa học công nghệ thì nguồn ngân sách huyện hỗ trợ cho một số khâu, hạng mục thiết yếu.

Trong 5 năm (từ 2016-2020), tổng kinh phí chi cho Chương trình phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện là gần 15 tỉ đồng. Giai đoạn 2020-2022, tổng kinh phí hỗ trợ cho cây bưởi là 9 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ các hộ trồng mới, mở rộng diện tích và thâm canh bưởi áp dụng quy trình GAP theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND là gần 4 tỉ đồng; hỗ trợ các hộ tham gia phương án nâng cao năng xuất, chất lương, mẫu mã bưởi quả cho bưởi thời kỳ kinh doanh theo Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND là hơn 5 tỉ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ cho cây bưởi giai đoạn kiến thiết cơ bản: 600 triệu đồng; ban hành chính sách hỗ trợ trồng mới 10 triệu đồng/1 ha.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hiện tượng khô tôm, khô múi vẫn còn trên 2 giống bưởi đặc sản (đối với cây có tuổi đời dưới 15 năm), gây tâm lý e ngại đối với người trồng bưởi, đặc biệt là ở khâu trồng mới, mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, chất lượng của một số giống bưởi mới được trồng tại địa phương đã tạo ra sự cạnh tranh rất lớn với các giống bưởi đặc sản trên địa bàn; các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học để giải quyết vấn đề về chất lượng bưởi đặc sản chưa được thấu đáo, triệt để đã hạn chế việc đầu tư mở rộng diện tích với quy mô lớn.

Để cải thiện các hạn chế và nâng cao chất lượng bưởi, huyện đã đề xuất xây dựng dự án nghiên cứu kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng với diện tích 300 ha, tập trung vào hai giống bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân tại sáu xã: Bằng Luân, Minh Lương, Bằng Doãn, Phú Lâm, Hùng Xuyên và Chí Đám. Trong đó, 250 ha là diện tích áp dụng tiến bộ kĩ thuật nâng cao chất lượng cho bưởi giai đoạn kinh doanh và 50 ha là để trồng dặm, bổ sung thành vùng hàng hóa.

Nâng cao chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng

Phủ bạt ở gốc là phương pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng bưởi, tránh khô gạo và lượng quả sai hơn.

Trả lời kiến nghị trước và sau kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh đã đồng ý cấp kinh phí cho huyện Đoan Hùng hỗ trợ người trồng bưởi từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025; đặt hàng một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2022 để khắc phục hiện tượng khô tép, khô múi bưởi cho vùng sản xuất bưởi tập trung của tỉnh; hỗ trợ phát triển sản phẩm bưởi Đoan Hùng thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, chuỗi thực phẩm an toàn, phát triển sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia,…

Cụ thể, hỗ trợ ba năm liên tục chi phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả theo hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/ha/năm. Hỗ trợ hàng năm sau khi nghiệm thu. Hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận lần đầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt: Mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha, tối đa 80 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 15 triệu đồng/ha, tối đa 120 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP; 55 triệu đồng/ha, tối đa 200 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận hữu cơ. Hỗ trợ sau khi được cấp giấy chứng nhận.

Đồng chí Hà Hải Long - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện để thực hiện có hiệu quả dự án, mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, làm tốt công tác quảng bá, bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Đoan Hùng tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình để hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xuất khẩu sản phẩm bưởi. Tổ chức triển khai chặt chẽ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển bưởi từ ngân sách Nhà nước để đầu tư hình thành vùng sản xuất bưởi hàng hóa, tập trung; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng, giá trị cây bưởi; phấn đấu 100% diện tích vùng trồng bưởi tập trung được chứng nhận sản xuất an toàn và được cấp mã số vùng trồng. Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng.

Năm 2022 toàn huyện đã có 105,65 ha bưởi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 1.036,3 ha đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Có 269 ha được cấp mã số vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ nâng tổng diện tích cây bưởi đạt 3.000 ha; sản lượng trên 30.000 tấn, đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu "Bưởi đặc sản Đoan Hùng."

Thanh Trà


Thanh Trà

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
2022-12-06 10:40:00

baophutho.vn Lâm Thao là huyện trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cũng là huyện đầu tiên cán đích nông thôn mới, cuộc sống của người dân nơi đây...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long