Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Những ngày này, lòng người cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ với niềm tự hào, cảm phục trước tinh thần chiến đấu, hy sinh của những người lính - những cựu chiến binh (CCB) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường lên Tây Bắc, hàng nghìn người, phương tiện “chảy” về Điện Biên Phủ. Tất cả đều mang trong mình niềm tự hào, hân hoan và lòng kiêu hãnh cùng sự cảm phục trước tinh thần chiến đấu, hy sinh của những cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Hoà chung không khí ấy, tôi trở lại Điện Biên, lần thứ hai. Mang theo niềm vui và sự mong chờ vì sắp được gặp một người CCB đặc biệt, người đã tham gia trọn vẹn Chiến dịch Điện Biên Phủ, là nhân chứng sống làm nên chiến thắng lịch sử, và hơn hết, đó là một người con Đất Tổ.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Con ngõ nhỏ chạy men theo chân di tích đồi Him Lam dẫn tôi và đồng nghiệp Báo Điện Biên Phủ đến nhà CCB Nguyễn Hữu Chấp. Năm nay ông đã bước sang tuổi 94 nhưng vẫn mạnh khoẻ, giọng nói chắc nịch như ngày còn là Khẩu đội trưởng cối 82 ly trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tròn 7 thập kỷ trôi qua nhưng những năm tháng khói lửa năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông như mới ngày hôm qua.

Ngược dòng thời gian, ông kể: Sinh ra, lớn lên ở miền quê trung du Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ông có một tuổi thơ gian khó khi phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ, chịu đựng biết bao bất công, áp bức.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Những năm tháng ở Đại đoàn 312, chiến sĩ Nguyễn Hữu Chấp cùng đồng đội tham gia 7 chiến dịch với 28 trận đánh lớn, nhỏ. Sau đó, ông cùng đồng đội hành quân lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được giao nhiệm vụ là Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82, với nhiệm vụ quan trọng tham gia trận đánh mở màn của chiến dịch. Lệnh cấp trên chỉ đạo xuống, yêu cầu phải đánh thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Vinh dự lớn lao nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, bởi thời điểm ấy, quân Pháp xây dựng cứ điểm Him Lam thành vị trí kiên cố của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Hàng ngày, chúng rêu rao trên loa phóng thanh: "Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ". Địch còn rải truyền đơn với mục đích làm sụt giảm ý chí chiến đấu của bộ đội ta, đồng thời khuếch trương thanh thế của chúng.

Để tạo thế bất ngờ, khẩu đội của ông Chấp được lệnh đào hào giao thông dài 5km từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Công việc đào hào diễn ra bí mật vào ban đêm.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Trong thời điểm gian khó ấy, ông và đồng đội luôn động viên nhau, chia sẻ từng miếng cơm, bát nước... Đến sáng 13/3/1954, khi đường hào giao thông đã hoàn thành, cũng là lúc Khẩu đội cối 82 của ông nhận được mệnh lệnh đợi đến tối sẽ khai hỏa.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Nhâm nhi ngụm trà, CCB Nguyễn Hữu Chấp kể tiếp: "Để tiến công cứ điểm này, chúng tôi được cấp trên quán triệt đây là trận đánh khó khăn, phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu. Vì thế trước lúc vào trận, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13/3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày sau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đến tận nơi động viên, giao nhiệm vụ cho đơn vị. Để nêu cao tinh thần, các chiến sĩ còn làm những khẩu hiệu “quyết chiến, quyết thắng” bằng giấy cài lên viền mũ".

Từ khu vực tập kết ở Tà Lèng, xã Thanh Minh, Khẩu đội cối 82 của ông chiếm lĩnh trận địa ở cánh đồng Him Lam. Đúng 17h, cùng các đơn vị pháo binh, những khẩu cối 82 ly của Đại đội ông được lệnh khạc lửa, tấn công đồi Him Lam.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Sau hơn 5 giờ chiến đấu quyết liệt, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22h30, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23h30, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt hơn 300 địch, bắt sống 200 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Sau trận đánh cứ điểm Him Lam, đơn vị ông tiếp tục bổ sung tân binh tham gia đánh đồi D1, D2, tiếp đó là E1, E2. Chiếm được đồi E, từ vị trí này, đại đội cối 82 ly của ông tiếp tục chi viện đánh địch phản kích và tập trung bắn vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Mường Thanh. Những trận đánh giằng co ác liệt giữa ta và địch, giành nhau từng mét đất. Ông Chấp và đồng đội kiên trì bám trụ vị trí chiến đấu đến khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị trở về đóng quân ở Vĩnh Phúc. Một thời gian sau, vâng lệnh Trung ương Đảng và Bác Hồ, ông cùng hàng ngàn CCB thuộc các Đại đoàn từng tham gia đánh Điện Biên Phủ (Đại đoàn 312, 316, 308...) quay lên để mở đường, xây dựng nông trường, xây dựng Điện Biên. Ông Chấp nhớ lại: "Hồi đó, tôi đi tuyển thanh niên xung phong ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên để làm đường từ huyện Tuần Giáo đi Cửa khẩu Tây Trang. Ngày ấy làm đường thủ công chủ yếu bằng cuốc xẻng chứ không phải máy móc như bây giờ nên rất vất vả, khó khăn. Hơn 5.400 thanh nhiên xung phong không quản ngại gian khó đã đào đất, phá đá, làm hàng trăm cây cầu, cống, mở thông hơn 100km tuyến đường từ huyện Tuần Giáo đi Tây Trang. Riêng Him Lam ngày xưa hoang tàn, người dân chạy nạn hết, đồng ruộng bỏ hoang, cỏ mọc ngang ngực. Sau giải phóng mới bắt đầu xây dựng lại cuộc sống".

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Trên cương vị Giám đốc Xí nghiệp vật liệu xây dựng, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, nêu cao ý thức tự lực, tự cường và bằng trí tuệ của mình, ông Nguyễn Hữu Chấp đã khắc phục mọi khó khăn, động viên con cháu hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng Điện Biên - quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp.

“70 năm trôi qua, hơn ai hết, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của mảnh đất Him Lam và thấy tự hào vì đã cùng đồng đội giải phóng, đem lại no ấm cho Mường Thanh” – người lính già chia sẻ. Với ông, trải qua cuộc chiến, vẫn còn sống đến ngày hôm nay là một sự may mắn, bởi đã có biết bao đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh. Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên, ông vẫn nhắc nhở mình phải cố gắng xứng đáng với đồng đội đã khuất, tiếp tục “truyền lửa” tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con hôm nay và mai sau.

Người lính Đất Tổ ở lại Điện Biên

Phương Thuý – Bảo Thoa

0:28:04:2024:12:46 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM