Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng các tiện ích để lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản. Bài học cũ chưa qua, bài học mới đã đến khiến sợi dây kinh nghiệm cứ dài mãi mà chưa thấy hồi kết. Các hình thức lừa đảo trên các nền tảng mạng ngày càng trở nên tinh vi và “biến hóa” khôn lường. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho người dân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể “nhận diện” các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng các tiện ích để lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản. Bài học cũ chưa qua, bài học mới đã đến khiến sợi dây kinh nghiệm cứ dài mãi mà chưa thấy hồi kết. Các hình thức lừa đảo trên các nền tảng mạng ngày càng trở nên tinh vi và “biến hóa” khôn lường. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho người dân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể “nhận diện” các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đầu tư “nhàn”, có lãi cao và chỉ mất vài phút trong ngày – Đó là những lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý chung của nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay. Tưởng là những chiêu trò đã cũ nhưng vẫn khiến nhiều người “sa bẫy” với thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng khi làm nhiệm vụ ảo, thanh toán thật.
Tình cờ bắt gặp quảng cáo trên facebook với cái tên “Mẫu nhí Canifa TD” với mức lương dao động từ 5-15 triệu đồng/tháng và hoa hồng trích theo sản phẩm, chị V.T.H (nạn nhân xin giấu tên) đã nhắn tin đăng ký thử tham gia cho con mình.
Sau đó, chị được yêu cầu kết bạn với số điện thoại 0388830418 – chuyên viên Trần Tiến Dũng để đăng ký hồ sơ và tư vấn quyền lợi. Theo lời mời gọi, bên cạnh được ê-kip chụp ảnh chuyên nghiệp phục vụ, con trai chị H sẽ nhận được mức lương 5 triệu đồng/tháng và 10% tổng doanh thu sản phẩm được bán ra. Tuy nhiên, chị sẽ phải tham gia các nhiệm vụ vào các khung giờ nhất định để hoàn tất thủ tục.
“Sau khi đăng ký xong thông tin, Dũng tiếp tục yêu cầu tôi chuyển sang ứng dụng Telegram và kết bạn với tư vấn viên tên là Trương Thị Thu Thủy. Tôi được đưa vào các nhóm để làm nhiệm vụ mang tên Thử thách 1, 2. Mặc dù có chút nghi ngờ nhưng nhận thấy đây là tên công ty thời trang rất nổi tiếng nên tôi đã gạt đi suy nghĩ đó và tiếp tục tham gia” – chị H nói.
Việc xét duyệt diễn ra có vẻ rất chuyên nghiệp khi tư vấn Thu Thủy yêu cầu chị H trải qua vòng sơ duyệt “bấm tim” sản phẩm. Sau khi được thông báo trúng tuyển, chị H tiếp tục được mời vào nhóm thử thách 2 – mua hàng do quản lý Đặng Văn Hải phụ trách để tăng tương tác cho sản phẩm.
Bắt đầu từ vài trăm nghìn, các đơn hàng bắt đầu tăng lên hàng chục, thậm chí là 100 đến 200 triệu đồng
Và đúng như cái tên, người tham gia phải làm nhiệm vụ liên tiếp bấm mua hàng online rồi thanh toán thật. Ban đầu, các đối tượng gửi link sản phẩm từ trang web https://vuahanghieu.com/ với giá trị chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng càng về sau, sản phẩm lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng và hoa hồng được trích cũng bắt đầu tăng lên đến 12-15%. Không giống nhiệm vụ trước là được thanh toán cả gốc và hoa hồng chỉ sau 3-5 phút, nhiệm vụ “liền đơn” bắt đầu từ các đơn hàng gần 30 triệu đồng, 50 triệu đồng, 100 triệu và 200 triệu đồng... Khi một vài phụ huynh trong nhóm thử thách bắt đầu “đuối sức” vì không thể xoay nổi tiền, thì sẽ được gia hạn thêm lệnh “thời gian xử lý” – hay nói một cách khác là thời gian để “gom tiền”.
Nắm bắt được tâm lý “đâm lao phải theo lao” của phụ huynh để được hoàn lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra, quản lý Hải liên tục hứa hẹn “chắc chắn là đơn cuối cùng”. Và đương nhiên, như một cái bẫy đã giăng sẵn, đến hóa đơn 200 triệu đồng, Hải yêu cầu thanh toán kèm nội dung: “NV5 HOANTHANHNHIEMVULIENDON.”.
Dấu “chấm” được đưa ra tưởng như “vô thưởng vô phạt” đã trở thành lý do chính đáng để bị từ chối lệnh. Những phụ huynh vội vàng chuyển khoản mà thiếu dấu được thông báo là sai cú pháp và hệ thống không thể quét được, sẽ lại phải chuyển khoản tiếp 200 triệu đồng để hoàn thành nhiệm vụ này. Đến đây, khi không còn ai tiếp tục chuyển tiền sau khi đã cho thêm thời gian, Hải thông báo giải tán nhóm. Và tất nhiên, toàn bộ số tiền bỏ ra làm nhiệm vụ cũng “không cánh mà bay”.
“Nhóm này có khoảng 8 thành viên thì đến quá nửa đều là người bị lừa giống mình với tổng số tiền gần 500 triệu đồng”, chị H bức xúc cho biết.
Nạn nhân mất tiền trong tâm trạng đầy ngỡ ngàng
Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook tràn lan các trang được chạy quảng cáo với nội dung “Tuyển mẫu nhí” cùng lời chào mời lương, thưởng hấp dẫn. Chỉ cần một “cú click” chuột, sẽ có hàng loạt Fanpage và group tuyển mẫu ảnh nhí hiện ra như: Tuyển mẫu ảnh nhí Việt Nam; Người mẫu ảnh nhí; Người mẫu nhí; Tuyển mẫu ảnh nhí toàn quốc; Người mẫu ảnh nhí - diễn viên nhí - Idol Kiss...
Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tên tuổi của những nhãn hàng thời trang lớn như Uniqlo, Canifa,... để tạo uy tín, thậm chí sẵn sàng đưa ra các thông báo có dấu đỏ sau đó tiếp cận với các bậc phụ huynh có mong muốn cho con có cơ hội trải nghiệm nghề này từ sớm.
Ban đầu, để tạo dựng lòng tin, các đối tượng thực hiện trả gốc và hoa hồng cho nạn nhân theo đúng thỏa thuận rất nhanh. Tuy nhiên, nhiệm vụ sẽ ngày càng nhiều với giá trị các lệnh ngày càng lớn, đến khi nạn nhân không thể tiếp tục thực hiện nữa thì các đối tượng sẽ khóa nhóm và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Đáng nói, việc mua hàng “biến tướng” không phải mới xảy ra gần đây. Từ năm 2022, đã ghi nhận nhiều trường hợp bị lừa vào các nhóm trên các ứng dụng để mua hàng. Cụ thể, cuối năm 2022, chị M.A, thị xã Phú Thọ đã nhận được lời mời tham gia vào nhóm “JOB NGOÀI GIỜ 551” trên ứng dụng Telegram. Và cũng tương tự như trên, chị M.A được cho vào nhóm tư vấn đặt hàng và hưởng phần trăm hoa hồng từ 50 – 200 nghìn đồng theo các đơn giá trị khác nhau. Tất nhiên, khi hoàn thành đơn hàng hơn 12 triệu đồng và không có khả năng tiếp tục, nhóm bị xóa một cách nhanh chóng không dấu vết.
“Nhóm có đến hơn 500 người nhưng khi tư vấn viên im hơi lặng tiếng, chỉ vài người bức xúc và lên tiếng thì tôi mới hiểu trong nhóm chắc có đến cả trăm nick là đồng bọn”, chị A chia sẻ.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, từ cuối năm 2022 đến nay, Phòng đã liên tiếp nhận được các tin báo về các đối tượng lừa đảo qua hình thức này. Cụ thể, tháng 12/2022, Phòng tiếp nhận tin báo của chị T.T.H.L, phường Thanh Miếu, TP Việt Trì bị lừa đảo với hình thức đặt đơn hàng để hưởng hoa hồng với số tiền bị chiếm đoạt là 970 triệu đồng. Tương tự, tháng 1/2023, Phòng nhận được trình báo của anh V.H.D, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao bị chiếm đoạt 980 triệu đồng. Và tháng 2/2023, chị T.T.T, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao bị lừa số tiền 917 triệu đồng với chiêu trò như trên.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong vô vàn những chiếc bẫy được giăng sẵn trên không gian mạng đã bị “tố giác” trong thời gian qua. Với việc đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các hình thức lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi, biến tướng với các chiêu trò khác nhau để đưa con mồi vào “ma trận”.
Đó là nội dung Báo Phú Thọ sẽ đề cập tiếp ở kỳ sau!
>>>Cạm bẫy 4.0 Kỳ 2: Khó truy vết ma trận lừa đảo công nghệ
>>> Cạm bẫy 4.0 Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng
Thanh Trà
2:22:08:2023:14:53 GMT+7