Để làm cho di sản văn hóa Mo Mường trở thành tài sản, là hành trang chung của dân tộc thì phải làm cho người dân cảm nhận rõ niềm tự hào văn hóa, tự tôn dân tộc của mình. Đồng thời, có sự quan tâm của các cấp, ngành trong công tác bảo tồn và xây dựng các đội ngũ kế cận. Từ đó, từng bước góp phần hoàn thiện hồ sơ Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Phát huy sức mạnh nội lực
Với quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở VH, TT&DL đã xây dựng Hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường ở Phú Thọ với các hoạt động như: Tổ chức kiểm kê, điền dã, khảo sát, sưu tầm tư liệu về Mo Mường trên địa bàn các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy; sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về Mo Mường; cử phòng chuyên môn làm việc trực tiếp với các nghệ nhân Mo Mường, chính quyền địa phương. Sau khi có đầy đủ tư liệu đảm bảo, Sở VH, TT&DL đã báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng hồ sơ khoa học Mo Mường đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo phòng chuyên môn trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung: Viết lý lịch di sản, tổ chức quay phim ghi hình, chụp ảnh tư liệu, làm bản đồ phân bố vị trí di sản, tiến hành lấy bản cam kết cộng đồng... đảm bảo tất cả các thành phần hồ sơ theo yêu cầu để trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VH, TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, đã cung cấp báo cáo kết quả, danh mục kiểm kê, phim tư liệu và bản cam kết cộng đồng về di sản Mo Mường ở Phú Thọ để phối hợp với tỉnh Hòa Bình trong công tác xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO.
Phú Thọ là 1 trong 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hòa Bình thống nhất xây dựng hồ sơ Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp giai đoạn 2022-2025.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VH, TT&DL khẳng định: Mo Mường được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và sắp tới, nếu được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sẽ làm tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối giữa các cá nhân trong cộng đồng người Mường. Sự ghi danh này sẽ có tác động làm tăng thêm lòng nhiệt tình của các thành viên trong và ngoài cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ, gìn giữ và thực hành Mo Mường.
Việc Mo Mường sau khi được UNESCO ghi danh sẽ góp phần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy hợp tác, giao lưu về văn hóa của tỉnh Phú Thọ với các địa phương, qua đó nâng cao vị thế, tầm vóc của tỉnh nhà trên bản đồ di sản văn hóa của cả nước.
Huyện Thanh Sơn lưu giữ bảo tồn các nét văn hóa của đồng bào Mường thu hút đông đảo người dân tham quan và trải nghiệm.
Đặc biệt, để đường đi di sản văn hóa vừa lâu, vừa bền thì không thể không chú trọng đến yếu tố kinh tế đi cùng. Sự hài hòa sẽ là nền tảng khi kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển và ngược lại, văn hóa phát triển cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết lúc sinh thời. Trong cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa” do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương) xuất bản năm 1997, tại trang 320 có viết: “Người đã chỉ rõ văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi thì văn hóa mới đủ điều kiện phát triển được”. Như vậy, kinh tế là yếu tố quyết định tính chất và diện mạo của văn hóa, kinh tế phát triển tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa.
Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Mường của xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn luyện tập và truyền dạy văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường.
Trong ký ức của Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy Bùi Văn Đông, khó có thể quên khoảng thời gian chạy đua để đưa xã Phượng Mao (1 trong 3 xã sáp nhập thành xã Tu Vũ hiện nay) từ xã trong diện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn chuyển mình thành xã nông thôn mới chỉ trong vòng 3 năm.
Nhậm chức chủ tịch UBND xã Phượng Mao năm 2015, trước mắt vị chủ tịch xã trẻ tuổi Bùi Văn Đông, khó khăn thử thách trùng trùng. Phượng Mao là xã thuần nông chỉ vỏn vẹn 3.000 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 20 triệu đồng, hộ nghèo chiếm 10%... Đồng chí Đông chia sẻ: “Lúc đó, hai từ khó khăn chỉ cần nhìn bằng mắt thường là thấy chứ không cần phải thốt nên lời”.
Do đó, Nghị quyết Đảng bộ xã Phượng Mao nhiệm kỳ 2014-2019 đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng xã dân tộc miền núi trở thành xã nông thôn mới vào năm 2019. Để hiện thực hóa, hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp như rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi đã thành hình. Trên cơ sở kinh tế phát triển, đời sống văn hóa được người dân và chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Xã phối hợp cùng với các cấp chính quyền xây dựng “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện gần 8,6 tỉ đồng. Nguồn kinh phí được sử dụng cho việc kiểm kê, mở lớp tập huấn, xây dựng nhà sàn truyền thống, mua sắm 13 bộ cồng chiêng, bảo tồn trang phục dân tộc Mường, tổ chức ngày hội văn hoá...
Công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế đã tiếp thêm sức mạnh cho di sản có thể tự sinh tồn. Theo ông Chiến (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy), người dân đã có ý thức giữ gìn vốn quý văn hóa của mình như: Tự mua sắm trang phục truyền thống, các câu lạc bộ tự góp tiền trang bị thêm cồng chiêng...
Ngoài tinh thần của cộng đồng Mường, thầy Mo chính là người chủ động kết nối, tạo sức lan tỏa, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào của người dân về bản sắc văn hóa của mình. Và trên hành trình ấy, không thể thiếu sự động viên, khích lệ, ghi nhận của các cấp, ngành về giá trị của các phong tục ấy mang lại.
Cần thêm những “cú hích”
Thực tế, đồng bào dân tộc Mường ở mỗi vùng lại có tập tục sinh hoạt khác nhau nên đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, so sánh để nhận diện, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp trong bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Nhàn – Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng: “Để Mo Mường trở thành di sản điều quan trọng trước tiên là cần phải để cộng đồng, xã hội hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa đích thực của Mo Mường; phải nhìn nhận, đánh giá Mo Mường trong mối quan hệ nội tại với nền văn hóa của dân tộc và trong mối quan hệ so sánh với những loại hình văn hóa tương tự trên thế giới, nâng cao sự tôn trọng đa dạng văn hóa, coi đó là văn hóa độc đáo của người Mường sau khi chủ thể của văn hóa Mường đã biết lạc bớt đi những cái được cho là hủ tục, lạc hậu là tốn kém, mê tín và giữ lại những gì cốt lõi nhất phù hợp với quá trình phát triển của đời sống xã hội.
Tiếp đó, cần tổ chức các buổi tái hiện, phục dựng về Mo Mường để ghi hình nhằm mục đích lưu giữ như một kho tàng, tài liệu nhất là khi những người hiểu biết thật sự sâu sắc về Mo Mường không còn nhiều. Nếu có thể nên xây dựng hoặc bảo tồn một bản Mường cổ truyền, trong đó các hoạt động của bản làng như bảo tàng sống về di sản văn hóa Mo Mường. Cần có các chính sách, chế độ đãi ngộ và có một “danh phận” đối với các thầy Mo để họ được hoạt động văn hóa, lan tỏa văn hóa Mo Mường một cách đúng nghĩa, đúng vai trò.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có ghi: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội... Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. |
Do đó, cũng phải tính đến việc di sản Mo Mường đang có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Các hoạt động liên quan đến di sản nghệ thuật này có thể thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, việc phát triển các tour du lịch trải nghiệm Mo Mường kết hợp giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán và nghệ thuật dân gian đi kèm với sản phẩm địa phương có thể là hướng đi sắp tới tạo ra thu nhập cho cộng đồng, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, người Mường cần xây dựng cho mình một hệ tư tưởng vững chắc, hoà nhập chứ ko hoà tan, tiếp thu gạn lọc và tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa mới, cách tân cải tiến cho phù hợp với văn hóa dân tộc mà không mất đi bản sắc riêng.
Thầy Mo là người có uy tín, am hiểu phong tục, luật lệ của bản Mường nên được người dân coi trọng và tin tưởng..
Để những thầy Mo không "đơn thương độc mã” trên hành trình gìn giữ và trao truyền di sản, thiết nghĩ, việc cần làm là thành lập các câu lạc bộ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường tại địa bàn các xã, huyện nơi có đồng bào dân tộc Mường sinh sống; tạo sự gắn bó, kết nối, chia sẻ giữa các thầy Mo để có “mẫu số chung” về Mo Mường tại tỉnh Phú Thọ. Đồng thời lựa chọn, đưa một số nội dung Mo Mường vào các chương trình, sự kiện của tỉnh nhằm quảng bá sâu rộng về di sản văn hóa Mo Mường và đưa mo Mường vào các hoạt động ngoại khóa trong trường học nhằm giới thiệu, phổ biến di sản mo Mường cho học sinh, giúp các em hiểu thêm những giá trị ý nghĩa trong Mo Mường, tạo sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Trương Phương Hà - Phó Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở VHTT&DL cho biết: “Khó có thể mở lớp truyền dạy Mo Mường được vì đặc trưng Mo Mường chỉ truyền trong họ tộc. Cơ quan quản lý Nhà nước đang tập trung hướng vào động viên, khuyến khích thầy Mo mở rộng phạm vi người kế nghiệp. Ví dụ, trước đây chỉ truyền cho một người thì giờ cố gắng truyền cho 2, 3 người nếu có thể”.
Tin tưởng rằng, với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng, di sản văn hóa Mo Mường sẽ tiếp tục được thực hành và trao truyền. Trong tương lai không xa, khi Mo Mường thực sự được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể bảo vệ khẩn cấp sẽ trở thành động lực thúc đẩy bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng phát triển. Cùng với đó, chấm dứt câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” đối với các di sản đang có nguy cơ mai một theo thời gian.
Thanh Trà - Thu Hương - Thùy Trang
4:26:12:2024:14:57 GMT+7