Những ngày tháng Ba âm lịch, từng dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại đổ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương, tưởng nhớ các vua Hùng. Trong không khí linh thiêng và tấp nập ấy, thấp thoáng giữa đoàn người là dáng hình gồng gánh “vận chuyển” lễ vật lên các đền. Đó là những người làm nghề gánh lễ thuê - một công việc lặng thầm nhưng không thể thiếu mỗi mùa lễ hội.
Chúng tôi gặp bà Vui khi bà vừa hoàn thành chuyến gánh lễ đầu tiên trong ngày. Dáng người nhỏ bé, làn da sạm nắng, đôi chân trần đã chai sạn sau bao lần leo dốc. Nghỉ chân tại Đền Thượng, bà Vui thở nhẹ rồi nở nụ cười hiền hậu. Trong chiếc túi nilon bà mang theo, đôi dép tổ ong đã cũ kỹ được cất gọn, nhường chỗ cho đôi chân bám đất vững vàng, từng bước đỡ lấy gánh lễ nặng hàng chục cân.
“Ngày lễ hội thì mình phải tranh thủ làm, mỗi chuyến gánh được trả 100 nghìn đồng. Có hôm đông người, tôi gánh được cả chục lượt, mệt nhưng cũng vui vì kiếm được thêm chút tiền lo cho con cái”, bà Vui tâm sự, ánh mắt ánh lên sự mãn nguyện.
Chồng mất sớm, một mình bà Vui gồng gánh nuôi ba cô con gái. Hai người đã lập gia đình, đi làm ăn xa, còn một người không may mắc bệnh, hiện sống cùng bà trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ.
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đội hình gánh lễ thuê như bà Vui hiện có khoảng 20 người, chủ yếu là phụ nữ, đàn ông trung niên và lớn tuổi đến từ các xã vùng ven. Mỗi mùa lễ hội, họ đăng ký kinh doanh dịch vụ với Ban quản lý Khu di tích. Người thì bán hàng, người gánh lễ, người viết sớ – tất cả đều phục vụ du khách hành hương.
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đội hình gánh lễ thuê hiện có khoảng 20 người, chủ yếu là phụ nữ, đàn ông trung niên và lớn tuổi đến từ các xã vùng ven.
Anh Nguyễn Văn Thuận chuẩn bị lễ cho khách trước khi gánh lên Đền.
“Có mâm lễ nặng đến 60kg, gánh qua đủ 4 đền: Đền Hạ, Trung, Thượng và Giếng. Mỗi lần như vậy phải đi bộ leo hàng trăm bậc đá. Nhưng mình quen rồi, chỉ mong khách hài lòng, trả đúng công là được”, bà Vui chia sẻ.
“Chỉ mong sức khỏe còn để tiếp tục gánh thêm vài mùa hội nữa”, bà thủ thỉ, cúi xuống gọn gàng xếp mâm lễ, tiếp tục chuyến đi tiếp theo trong ngày, bước chân vững chãi như chính tình yêu cuộc sống không ngơi nghỉ nơi bà.
Bên cạnh giá trị mưu sinh, nghề gánh lễ ở Đền Hùng còn mang theo nét đẹp văn hóa truyền thống. Họ là sợi dây vô hình kết nối giữa đời sống thường nhật và tâm linh thiêng liêng. Nhờ họ, mâm lễ được đưa lên đúng nơi, đúng nghi thức; nhờ họ, du khách phương xa, nhất là người lớn tuổi, người mang nhiều lễ vật được hỗ trợ chu đáo, thuận lợi trong hành trình về cội nguồn.
Giữa dòng người nô nức trẩy hội, ít ai để ý đến những bước chân bền bỉ của đội ngũ gánh lễ - những người góp phần làm nên một mùa lễ hội an toàn, trọn vẹn.
Bảo Như
1:07:04:2025:11:12 GMT+7