Âm vang bản Mường

Âm vang bản Mường

Giữa đại ngàn Tân Sơn (Phú Thọ), nơi tiếng suối róc rách hòa trong tiếng cồng chiêng vang vọng, những điệu hát Ví, hát Rang mộc mạc của người Mường vẫn được ngân lên từ bao đời nay. Đó không chỉ là âm thanh của bản làng mà còn là linh hồn của văn hóa, là “món ăn tinh thần” thấm đẫm đời sống tín ngưỡng và tâm hồn của đồng bào nơi miền sơn cước.

Ở xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, có một người phụ nữ đã dành gần như trọn cuộc đời mình để lưu giữ và lan tỏa những âm thanh ấy - bà Hà Thị Tiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian xã. Với tình yêu tha thiết và lòng say mê mãnh liệt, bà đã trở thành một “người giữ lửa” âm thầm mà kiên định cho những làn điệu dân ca Mường đang dần phai mờ theo thời gian.

Âm vang bản Mường

Theo bà Tiên, dân tộc Mường có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc như hát Ví, hát Rang, hát Ru em... Trong đó, Ví và Rang là hai thể loại phổ biến và giàu giá trị nghệ thuật, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng và tâm tư tình cảm của người Mường. Nguồn gốc của các điệu hát Ví, hát Rang này xuất phát từ làn điệu đẻ đất, đẻ nước của người Mường.

Âm vang bản Mường

Bà Hà Thị Tiên và bà Hà Thị Thủy biểu diễn tiết mục “Về thăm Đền Hùng” tại Lễ hội Đền Hùng 2025.

Từ những điệu hát cổ truyền ấy, bà Tiên đã miệt mài sáng tác gần 50 bài hát Ví cải biên, lồng ghép nội dung về quê hương, đất nước, con người Tân Sơn như: Quê hương đổi mới, Về thăm Đền Hùng, Bức tranh quê mình... Một trong những tác phẩm tiêu biểu là bài hát Về thăm Đền Hùng, được bà viết bằng những câu từ mộc mạc nhưng thấm đẫm niềm tự hào và lòng biết ơn tổ tiên.

Âm vang bản Mường

Hành trình gìn giữ những nét đẹp văn hóa không hề dễ dàng. Do dân ca Mường chủ yếu truyền miệng, không có văn bản ghi chép rõ ràng, nên nghệ nhân cần phải có trí nhớ tốt, đồng thời phải linh hoạt sáng tác hoặc chỉnh sửa bài hát sao cho phù hợp với từng đối tượng học.

Trước thực trạng lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến các giá trị truyền thống do ảnh hưởng của mạng xã hội và văn hóa hiện đại, bà Tiên luôn trăn trở làm sao để gìn giữ những điệu múa, câu hát Ví, Rang không bị mai một. Bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm, bà đã tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn lại lời cổ, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng như người dân địa phương.

Âm vang bản Mường

Quả còn được bà Hà Thị Tiên làm thủ công phục vụ cho các tiết mục văn nghệ.

Âm vang bản Mường

Bà Hà Thị Tiên truyền dạy điệu hát Ví, hát Rang cho người dân địa phương.

Là người học trò xuất sắc của nghệ nhân Hà Thị Tiên, bà Hà Thị Thủy (xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn) ngày nay cũng đã trở thành một trong những “người giữ lửa” cho nghệ thuật hát Ví, hát Rang của dân tộc Mường.

Bà Hà Thị Thủy cho biết: “Hát Ví, hát Rang được ví như món ăn tinh thần mộc mạc của người dân tộc Mường, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Tôi được bà Tiên dạy học hát Ví, hát Rang từ 20 năm trước".

Âm vang bản Mường

Bà Thủy còn cho biết, để hát hay một bài Ví hay Rang, người hát không chỉ cần kỹ thuật mà còn phải có cảm xúc và hiểu văn hóa Mường. Với những bài hát Rang than, từng câu, từng chữ da diết mà đầy yêu thương. Những bài như thế không thể học thuộc lòng là đủ, mà phải ngấm, phải sống cùng nó.

Nhiều năm nay, bà Thủy cùng bà Tiên tích cực tham gia giảng dạy tại các lớp truyền dạy dân ca do xã tổ chức, thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện văn hóa của huyện và tỉnh. Không chỉ vậy, bà Thủy còn sưu tầm, ghi chép lại lời các bài hát cổ do các cụ cao niên trong bản truyền lại, góp phần quý báu vào kho tư liệu dân gian địa phương.

“Tôi mong muốn lớp trẻ hôm nay sẽ yêu và tự hào về tiếng hát dân tộc mình, như tôi và bà Tiên từng được nuôi lớn bằng lời Ví, câu Rang thuở nào” - bà Thủy chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm tin.

Âm vang bản Mường

Âm vang bản Mường

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, những nỗ lực gìn giữ như của bà Hà Thị Tiên, Hà Thị Thủy càng trở nên quý giá. Bằng tình yêu tha thiết với quê hương, bằng tâm huyết và trách nhiệm, hai bà không chỉ gìn giữ được các làn điệu cổ truyền mà còn lan tỏa tình yêu văn hóa Mường đến với nhiều thế hệ.

Âm vang bản Mường

Người dân Kiệt Sơn vẫn gọi bà Tiên, bà Thủy với cái tên thân thương: “Người giữ hồn Ví, Rang của bản Mường”. Chính những người như bà Tiên - lặng lẽ nhưng bền bỉ - đã và đang thắp lên niềm hy vọng cho hành trình bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, để những câu hát Ví, hát Rang len lỏi qua từng sườn núi, qua mái nhà sàn, qua trái tim của những người yêu văn hóa Mường, mãi ngân vang giữa đại ngàn Tân Sơn:

"Quê mình chín núi, mười đồi

Nền văn hóa lớn cái nôi Việt Mường

Đi xa là nhớ quê hương

Nhớ dòng suối nhỏ, con đường gốc đa

Nhớ về một bản trường ca

Bản Mường khai hội ngân nga tiếng cồng

Tiếng chày giã đuống ngân vang

Mo Mường múa mới trống chiêng hòa nhạc..."

Bảo Như

1:14:04:2025:13:10 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM