“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

Giun đất – loài sinh vật được coi là người bạn của nông dân bởi nó mang lại vô vàn lợi ích cho đất trồng và ngành nông nghiệp, đang bị “săn lùng” bởi phương thức kích điện có tính chất tận diệt. Thâm nhập vào mạng lưới của các đối tượng kích giun, thu mua giun đất, phóng viên Báo Phú Thọ không khỏi bất ngờ trước những hoạt động rộng khắp và ngang nhiên của các đối tượng này.

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

Giun đất – loài sinh vật được coi là người bạn của nông dân bởi nó mang lại vô vàn lợi ích cho đất trồng và ngành nông nghiệp, đang bị “săn lùng” bởi phương thức kích điện có tính chất tận diệt. Thâm nhập vào mạng lưới của các đối tượng kích giun, thu mua giun đất, phóng viên Báo Phú Thọ không khỏi bất ngờ trước những hoạt động rộng khắp và ngang nhiên của các đối tượng này.

Nhộn nhịp “chợ trời” giun đất online

Không khó để tiếp cận những thông tin mua bán giun đất tươi, khô trên các trang mạng xã hội. Các hội nhóm được thành lập với sự tham gia của hàng trăm nghìn người cùng chung mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kích, bắt, chế biến, tiêu thụ giun đất.

Tại Phú Thọ, nhiều người từ các địa phương như: Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Hạ Hoà, Tam Nông… đều tham gia một cách sôi nổi. Sự nhộn nhịp khó có thể tưởng tượng nổi này có thể hình dung như một phiên chợ sôi động mà mặt hàng chính là giun đất được bắt bằng phương thức kích điện tại các vùng quê.

Các thông tin được thành viên nhóm này thảo luận xoay quanh nội dung chia sẻ kinh nghiệm bắt giun đất bằng máy kích có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc. Một tài khoản hướng dẫn tường tận những người mới vào nghề bí quyết để kích điện sao cho giun lên nhiều, không yếu, không chết để bán được giá. Một tài khoản khác giới thiệu cụ thể cách thức mổ giun bằng máy và sấy giun sao cho không “hao cân”…

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

Các thương lái đăng tải dòng trạng thái tìm mua giun khô tại Phú Thọ số lượng đầu tấn, ngay lập tức có cả hàng chục bình luận tương tác cung ứng. Thậm chí các tài khoản tham gia những “chợ trời” online này còn mặc cả, làm giá, gom hàng… nhằm đẩy giá giun đất lên cao để thu lợi.

Chính mạng lưới này đã gián tiếp tạo ra một hệ thống cung – cầu với vô số “chân” rết là những người dân địa phương trên toàn tỉnh. Từ người kích giun, các cơ sở thu mua để chế biến sấy khô cho tới các thương lái xuyên tỉnh… “chợ trời” giun đất online đã góp phần đẩy giá mặt hàng này có lúc giao dịch lên tới khoảng 1.000.000 đồng/kg giun khô và 70.000 đồng/kg giun tươi.

Món lời trước mắt từ việc mua – bán giun đất đã khiến nhiều người dân sử dụng kích điện bắt giun, nhiều cơ sở thu mua giun tươi, chế biến giun khô xuất hiện tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh.

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

Chỉ với một bộ kích có giá vài triệu đồng tuỳ loại, người dân đã có thể bắt đầu công cuộc đánh bắt giun… làm giàu. Luồng điện được truyền vào đất từ hai cây kích bằng kim loại, đầu bịt ống nhựa. Trong tiếng “chi chi” của điện, những con giun sống cách mặt đất vài chục centimet ngay lập tức ngoi lên quằn quại.

Một người kích giun bằng điện ở huyện Thanh Sơn chia sẻ bí quyết: "Điều chỉnh điện vừa phải thôi, hôm nào mưa đánh giun lên nhiều thì tranh thủ đi làm cả đêm, có khi được vài chục cân. Phải nhặt giun nhanh lúc điện vẫn chạy, nhanh chóng chuyển đến lò sấy để mổ nếu không giun chết thì không mổ sấy được, chủ lò sẽ không mua”.

Kế “sinh nhai” hay “tử nhai”

Sáng 16/8, phóng viên Báo Phú Thọ cùng đại diện ngành nông nghiệp huyện Yên Lập, chính quyền địa phương đã tới cơ sở sơ chế giun đất của ông Bùi Quốc Trung tại khu 7, xã Xuân Viên (huyện Yên Lập).

Tại thời điểm đoàn công tác có mặt, cơ sở sơ chế này vẫn đang hoạt động. Một lò sấy vẫn đang toả khói mù mịt, khu vực mổ giun vẫn ướt nước, nhiều vết đất đọng lại do quá trình sơ chế giun tươi trước đó. Khi được hỏi, ông Trung thừa nhận sáng nay mới làm một số “hàng” do người dân đến bán.

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

Tại khu vực sơ chế giun của cơ sở này bốc lên mùi tanh hôi nồng nặc. Nước thải của quá trình sơ chế được xả thẳng ra môi trường. Trên bức tường trước nhà nguệch ngoạc dòng chữ thông báo khách đến bán giun kiểm tra đủ tiền trước khi ra về…

Ông Bùi Quốc Trung cho biết cơ sở sơ chế giun do mình làm chủ hoạt động từ năm 2022, không có giấy phép mà tự phát, thu mua giun tươi của người dân quanh khu vực và sơ chế, sấy khô giao cho các thương lái, chủ lò sấy to ở các địa phương lân cận như xã Xuân Thuỷ, Ngọc Lập…

Bản thân ông Trung nhận thức hoạt động đánh bắt giun tự nhiên bằng kích điện đã và đang ảnh hưởng tới môi trường, được lực lượng chức năng chỉ đạo ngăn chặn trên địa bàn, tuy nhiên do thị trường có nhu cầu cao nên ông Trung vẫn tiếp tục thu mua giun từ người dân.

Theo chủ lò sấy này: Đây là “kế sinh nhai” do gia đình khó khăn, bản thân không có công việc ổn định. Tuy biết bắt giun đất có hại cho môi trường tự nhiên nhưng vì không có thu nhập nên vẫn phải đánh đổi.

Được biết trước đó, ông Bùi Quốc Trung đã được Công an xã Xuân Viên mời lên làm việc vào ngày 28/5/2023, khi nhận được tin báo của nhân dân về hoạt động sơ chế giun không được cấp phép của cơ sở này gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, ông Trung không hợp tác và không kí vào biên bản đồng ý tạm dừng hoạt động cho đến khi đủ giấy phép, cơ sở pháp lý.

Đầu tháng 8/2023, ngành nông nghiệp huyện Yên Lập có văn bản và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về chấm dứt hoạt động kích điện bắt giun đất tự nhiên nhưng cơ sở sơ chế của ông Trung vẫn tiếp tục tiếp tay cho người kích điện bắt giun.

Ông Đinh Xuân Chinh – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho biết trong thời gian qua, lực lượng công an xã đã bắt quả tang và thu giữ 5 bộ kích điện của người dân khi đang thực hiện hoạt động kích điện đánh bắt giun tự nhiên.

Nhiều người dân không chỉ tại Xuân Viên mà còn nhiều nơi khác vẫn cho rằng kích điện bắt giun đất là hướng làm kinh tế mới, không cần nuôi trồng mất công sức, không tốn nhiều thời gian, chỉ cần đầu tư một vài triệu mua bộ kích là có thể khai thác được loài sinh vật hiền lành, sẵn có ở mọi nơi này.

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

“Cuộc chiến” bảo vệ giun đất

Đánh giá về quan điểm này, bà Đinh Thị Thuý Hường - Phó trưởng phòng NN&PTNT Yên Lập nhận định: Không thể đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương. Kích điện bắt giun đất là hành vi nguy hại có thể gây hậu quả nghiêm trọng với đất trồng, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là hành vi cần ngăn chặn quyết liệt, không thể vì chút lợi ích kinh tế trước mắt.

Kế “sinh nhai” này đang là việc làm huỷ hoại đất đai và cây trồng. Rõ ràng, dùng phương pháp hủy diệt là kích điện để đánh bắt giun đất không thể được coi là một cách làm ăn, kiếm sống chính đáng. Điều này còn trực tiếp gây hậu quả tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên trong hiện tại và tương lai; gây tổn thất cho những người nông dân thực sự “sinh nhai” với nghề nông nghiệp.

Câu chuyện về con giun đất sẽ được Báo Phú Thọ phân tích rõ hơn ở Kỳ 2: Bỏ "lợi ích" lấy "lợi nhuận"

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Trà My

4:24:08:2023:08:09 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM