Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Trước tình hình thực tế hoạt động kích điện bắt giun diễn ra rộng khắp và phức tạp, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản số 1229/SNN-TT&BVTV ngày 26/7/2023, nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt tận diệt giun đất bằng kích điện trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn hoạt động khai thác, đánh bắt giun đất bằng kích điện trên địa bàn. Hoạt động này đã và đang được triển khai, tạo thành làn sóng mạnh mẽ kết nối những người dân bảo vệ giun đất tại các địa phương.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

"Ngày tuần tra, đêm trông giữ"

Trao đổi với bà Đinh Thị Luyến – Phó Chủ tịch UBND xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, được biết: Trên địa bàn xã có năm lò sấy giun, là nguồn tiêu thụ giun tươi cho nhiều đối tượng kích điện bắt giun đất trong và ngoài xã.

Từ giữa năm 2023, hoạt động kích điện bắt giun đất đã bắt đầu “nở rộ”, người dân đã phản ánh với chính quyền xã tại các kỳ họp, các cuộc tiếp xúc cử tri… UBND xã Địch Quả cũng đã sớm có thông báo bằng văn bản vào các ngày 14/7 và 4/8 để chỉ đạo việc ngăn chặn hoạt động kích điện bắt giun trên địa bàn.

Tại các khu dân cư, người dân tổ chức họp và lên kế hoạch, phương án phối hợp giữa các lực lượng để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng kích điện bắt giun trên địa bàn.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Anh Nguyễn Tiến Vinh - Trưởng khu Vũ Thịnh, xã Địch Quả chia sẻ: Người dân trong khu phản ứng rất gay gắt với tình trạng kích điện bắt giun đất trên địa bàn. Chỉ cần phát hiện có đối tượng kích điện bắt giun, người dân sẽ ngay lập tức thông tin để chúng tôi biết và xử lý.

Anh Vinh kể lại: Ngày 11//8, tại xã Địch Quả xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Mưa lớn suốt mấy ngày là điều kiện thuận lợi để các đối tượng kích điện bắt giun hoạt động. Khoảng 0h ngày 12/8, người dân thông báo phát hiện có đối tượng đang thực hiện hành vi kích điện bắt giun tại ruộng ngô mới trồng của gia đình.

Tôi cùng với đồng chí công an viên, thôn đội trưởng ngay lập tức có mặt, trực và tuần tra quanh khu vực đến hơn 3h sáng. Trời mưa rất lớn, anh em chỉ dám dùng điện thoại để nhắn tin ở chế độ im lặng để thông báo các vị trí di chuyển tuần tra. Đối tượng kích điện bắt giun sau khi thấy lực lượng tuần tra gắt gao nên không dám ở lại mà rời đi sau đó.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Đầu tháng 8/2023, trên đường đi công tác trở về, chính đồng chí Đinh Thị Luyến - Phó Chủ tịch UBND xã Địch Quả cũng bắt quả tang một người dân đang kích điện bắt giun ngay khu vực cánh đồng cỏ. Đối tượng này sau đó đã bị thu giữ bộ kích, được tuyên truyền và cam kết không tái phạm hoạt động kích điện bắt giun.

Nhờ có sự phối hợp “ngày tuần tra, đêm trông giữ” của nhân dân và chính quyền địa phương mà tình trạng kích điện bắt giun tại xã Địch Quả đã cơ bản được ngăn chặn. Các lò sấy, sơ chế giun trên địa bàn cũng được tuyên truyền, nhắc nhở đồng thời yêu cầu tạm ngừng hoạt động cho tới khi đủ các giấy tờ pháp lý, trong đó có giấy phép kinh doanh và phương án bảo vệ môi trường cụ thể.

Ông Hà Thế Anh – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: Không chỉ riêng tại Địch Quả mà các địa phương khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn, sự vào cuộc của chính quyền và người dân đã và đang khiến các đối tượng kích điện bắt giun e dè, hạn chế hoạt động công khai.

Chống đối và tháo chạy

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Bà Đinh Thị Bích Dậu tại khu 4, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập ngày nào cũng dành thời gian đi kiểm tra vườn trồng hoa màu và cây ăn trái của gia đình. Hiểu rõ những tác hại của việc kích điện bắt giun, gia đình bà đã lắp hệ thống camera quan sát, báo động xung quanh vườn để tiện canh chừng.

Bà Dậu cho biết, tại Khu 4 đã xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường tự nhiên, trong đó có quy định không được kích điện bắt giun đất. Đã thành lệ nên người dân đều tự giác tuân thủ, trong Khu 4 chưa từng phát hiện tình trạng kích điện bắt giun đất.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Cách nhà bà Dậu không xa, bà Trần Thị Sáng đang thay mới tấm bảng ghi nội dung “Cấm kích giun” trong vườn trồng cây ăn trái của gia đình tại khu 2. Biển thông báo được viết ngay trên một tấm bìa các - tông khổ lớn, cứ đều đặn sau mỗi đợt mưa, bà lại thay mới biển để cảnh báo các đối tượng kích điện bắt giun không đến rình mò.

Sự kiên quyết của người dân và nỗ lực của chính quyền địa phương đã khiến cho các đối tượng kích điện bắt giun đất phải hoạt động lén lút vào ban đêm, tại các khu vực hẻo lánh. Các đối tượng này luôn trong tâm lí lo lắng, sợ hãi, sẵn sàng chống đối và tháo chạy.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Tại hai xã Lai Đồng và Kiệt Sơn (huyện Tân Sơn), lực lượng công an xã đã bắt quả tang 8 đối tượng đang có hành vi kích điện bắt giun đất. Trong quá trình truy đuổi, có sáu đối tượng đã tháo chạy, hai đối tượng còn lại được nhắc nhở. Lực lượng chức năng đã thu giữ một bộ kích điện, trả về tự nhiên 24kg giun đất bị đánh bắt trái phép trước đó.

Tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ, chính quyền và lực lượng công an xã đã phát hiện hai đối tượng kích điện bắt giun trái phép. Sau khi bị phát hiện, hai đối tượng này đã có hành vi chống trả lực lượng chức năng, do đó đã bị lực lượng công an xã bắt giữ, bàn giao cho Công an huyện Thanh Thuỷ để xử lý với hành vi chống người thi hành công vụ.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Rạng sáng 16/8, tổ công tác Công an xã An Đạo, huyện Phù Ninh trên đường tuần tra đã phát hiện năm phương tiện mô tô biển kiểm soát tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu nghi vấn, đỗ dọc khu vực đường đất bãi đồng ngô thuộc khu 9. Tiến hành kiểm tra, phát hiện năm nam thanh niên đều trú tại thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc mang theo năm bộ kích giun, ắc quy cùng xô, khay nhựa thực hiện hành vi kích điện giun đất. Lực lượng chức năng đã đưa các đối tượng kể trên về làm việc, thu giữ tang vật.

Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

Ngày 14/8, Sở NN&PTNT đã báo cáo tổng hợp với Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Tạm thời phát hiện 20 cơ sở thu mua và sấy giun trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tổng số vụ kích điện bắt giun đất được phát hiện là 44 vụ trên địa bàn 7 huyện: Đoan Hùng 2 vụ, Hạ Hoà 3 vụ, Thanh Ba 2 vụ, Yên Lập 32 vụ, Thanh Sơn 2 vụ, Tân Sơn 2 vụ, Thanh Thuỷ 1 vụ, qua đó phát hiện 53 đối tượng, thu giữ 37 bộ kích điện, trả lại môi trường 194kg giun đất.

Quy ước “ngầm” bảo vệ giun đất không phải là một cam kết mới có trong cộng đồng, người dân sống tại các làng quê. Đó là một quy định bất thành văn, trở thành bản năng bảo vệ của bất cứ người dân nào gắn bó với nghề nông nghiệp. Chính điều đó đã tạo thành sức mạnh tinh thần, là tiền đề cho những hành động quyết đoán nhằm ngăn chặn nạn kích điện bắt giun đất tại các địa phương.

Trong khi tại các địa phương, khi “cuộc chiến” bảo vệ giun đất vẫn diễn ra quyết liệt, thì chính quyền và người dân càng mong muốn có một chế tài cụ thể để có căn cứ xử lý tận gốc vấn nạn kích giun nhức nhối suốt những năm qua.

Nội dung này sẽ tiếp tục được phân tích trong Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý.

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 2: Bỏ “lợi ích” lấy “lợi nhuận” ?

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 1: Không từ thủ đoạn

Trà My

6:26:08:2023:21:41 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM