PTĐT -Trong nhiều lần tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, cử tri khu 5, phường Vân Phú liên tục phản ánh: 15 năm qua, 93 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án Trường Đại học Hùng Vương vẫn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà cửa không được xây mới, đường đất lầy lội không được nâng cấp, không có nước máy sinh hoạt.
Trước phản ánh của cử tri, phóng viên Báo Phú Thọ đã tìm hiểu thực tế tại phường Vân Phú. “Mục sở thị” nhà ở của các hộ dân đang sinh sống tại đây, chúng tôi mới thực sự bất ngờ khi chứng kiến phần lớn các ngôi nhà của nhiều gia đình đã xuống cấp trầm trọng chẳng khác gì nhà tạm hoặc có sửa chữa, xây mới cũng theo kiểu chắp vá...
Khu chăn nuôi của gia đình bà Trạo nằm trong khuôn viên Trường Đại học Hùng Vương thuộc vùng quy hoạch của Trường.
Vừa đặt chậu để hứng nước mưa dột xuống từ mái nhà, bà Lê Thị Trạo - 76 tuổi nghẹn ngào: Gần 20 năm mắc kẹt trong quy hoạch, gia đình không dám đầu tư xây, sửa nhà. Ngôi nhà cũ nay đã xuống cấp nghiêm trọng, một bên đốc nhà vẫn là tường đất, phần dui mè bằng gỗ đã mục nát, mái được che chắn tạm bợ bằng các tấm tôn nên chỉ một trận mưa từ buổi sáng, đến chiều ngôi nhà vẫn còn dột do bị ngấm nước. Hàng xóm ngay liền cổng đã được giải quyết cho di dời từ cách đây 4 năm. Hiện nay xung quanh chỉ còn gia đình tôi và người họ hàng vẫn sống trong vùng quy hoạch. May là có các con về đỡ đần chứ một mình tôi thực sự không biết xoay sở thế nào…
Cũng tương tự như vậy, hoàn cảnh nhà ông Nguyễn Văn Sang - thương binh hạng 4, tổ 33, khu 5 cũng không kém phần bi đát. Là người gốc ở xã Vân Phú, gia đình ông có hơn 3.000m2 đất bìa đỏ nằm trong vùng quy hoạch. Sau khi đi bộ đội, ông chuyển ngạch về làm công nhân nhà máy Dệt. Sức khoẻ yếu, điều kiện kinh tế khó khăn, vợ chồng ông sống chủ yếu nhờ mức lương hưu ít ỏi gần 3 triệu đồng/tháng của ông. Có mảnh đất từ thời ông cha để lại, ông muốn dành cho các con nếu cần có thể vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, 3 người con của ông mới ngoài hai mươi tuổi, đến nay đã gần 40 tuổi mà dự án vẫn treo. Giờ đây, cuộc sống của các cặp vợ chồng, con cái vẫn phải chen chúc trong căn nhà cũ được làm từ năm 1979, ai vào nhà ông cũng cảm thấy ái ngại.
Ông Sang cho biết: Tôi thấy chưa dự án nào trên địa bàn phường lại được người dân đồng tình hưởng ứng như dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Hùng Vương. Ngay khi nhận được thông báo về chủ trương quy hoạch, xây dựng trường, bà con trong khu đều sẵn sàng bàn giao đất để chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, dự án kéo dài quá lâu khiến gia đình tôi và nhiều hộ dân gặp cảnh khốn khó. Không chỉ về nhà ở, chúng tôi còn không có điều kiện được dùng nước sạch để sinh hoạt do nằm trong quy hoạch nên không thể kéo đường ống nước vào đến các hộ dân… Chúng tôi tha thiết mong rằng chính quyền các cấp và Trường Đại học Hùng Vương sớm có câu trả lời thoả đáng để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, không còn phải sống thấp thỏm, lo âu trong chính những ngôi nhà của mình…
Không chỉ có người dân phải chịu khổ, mà đối với Trường Đại học Hùng Vương, việc chưa thể di dời các hộ dân ra khỏi khu vực trường cũng khiến cho môi trường sư phạm bị ảnh hưởng. Ngay trong khu vực trường, hàng ngày các hộ dân vẫn ra vào qua cổng chính. Những hộ dân ở vị trí thuận lợi thì xây nhà trọ và cho sinh viên thuê. Có hộ có đất ở ngay mặt đường nội bộ của Đại học Hùng Vương còn cho thuê để làm hàng quán. Trong số các hộ dân chưa được di dời, một số hộ vẫn chăn nuôi gia súc để làm kế sinh nhai. Vì vậy, hàng ngày, vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân lùa bò đi dọc theo đường nội bộ, qua cổng trường để chăn thả. Có khi, đàn bò còn phóng uế ngay trong khuôn viên của nhà trường.
Trước những phản ánh của cử tri, UBND phường Vân Phú, UBND thành phố Việt Trì đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng của tỉnh để giải quyết vấn đề tái định cư cho 93 hộ dân, giúp họ ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Vân Phú cho rằng: Mong muốn của người dân Vân Phú là hoàn toàn chính đáng. Chính quyền phường rất trăn trở nhưng chưa có cách nào để giải quyết, ngoài việc tiếp tục đề nghị tới Đại học Hùng Vương và các cơ quan cấp trên có biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Hùng Vương được phê duyệt dự án tổng thể năm 2004 với tổng diện tích đất là 97,5ha. Sau 2 lần điều chỉnh quy hoạch, diện tích còn lại được giao là 59,1ha trong đó diện tích đã giải phóng mặt bằng là 34,2ha, diện tích chưa giải phóng mặt bằng là 24,9ha (thuộc quỹ đất của hai phường Vân Phú và Dữu Lâu). Ông Trịnh Thế Truyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, do chưa cân đối được kinh phí để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 93 hộ dân phường Vân Phú nên Trường Đại học Hùng Vương chưa có kế hoạch để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong giai đoạn 2016-2020.
Tại kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh khóa XVIII lần này, cử tri mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh sẽ sớm đưa ra những giải pháp thấu đáo để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án.
Tùng Linh - Vĩnh Hà
1:16:07:2018:09:03 GMT+7