Những ngày cuối tháng sáu này, người dân huyện Sông Lô và thành phố Việt Trì nói riêng, nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ háo hức chờ đợi ngày khánh thành cây cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô.
Những ngày cuối tháng sáu này, người dân huyện Sông Lô và thành phố Việt Trì nói riêng, nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ háo hức chờ đợi ngày khánh thành cây cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô.
Nhịp cầu kết nối “đôi bờ vui”
Công trình cầu Vĩnh Phú khi đưa vào sử dụng vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương vừa là biểu tượng cho tình đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai tỉnh. Cầu Vĩnh Phú có tổng mức đầu tư hơn 540 tỉ đồng, do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.
Cầu có chiều dài hơn 509m, trong đó cầu chính dài khoảng 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m, cầu dẫn phía Vĩnh Phúc dài khoảng 148.8m. Những ngày này, cầu Vĩnh Phú đang được khẩn trương về đích để nhịp cầu kết nối “đôi bờ vui” đi vào hoạt động, góp phần giúp quãng đường từ Vĩnh Phúc sang Phú Thọ thêm gần hơn, vơi bớt những trắc trở, cách xa. Anh Phạm Văn Công - Phụ trách kỹ thuật của Công ty CP xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: Đơn vị đang khẩn trương huy động nhân lực một ngày làm hai ca để hoàn thiện phần cầu dẫn bên phía tỉnh Phú Thọ. Hiện nay các phần việc đã được hoàn thiện đến 95% tất cả các hạng mục, chúng tôi phấn đấu xong trước ngày 30/6.
Khi cây cầu được đưa vào sử dụng cũng là lúc bến phà Đức Bác, huyện Sông Lô sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa đón khách qua sông. Thời gian này, những chuyến phà cuối cùng phục vụ người dân qua sông cũng chở theo nhiều cảm xúc buồn vui sau hơn 36 năm hoạt động... Đây cũng là niềm vui sau nhiều năm mong đợi của người dân hai bờ sông Lô, nhưng cũng là nỗi buồn, sự trăn trở của những người đã có nhiều năm gắn bó với phà Đức Bác khi những chuyến phà sẽ không còn được ngược xuôi qua lại để đón khách.
Anh Nguyễn Văn Điệp - ở phường Minh Nông, TP Việt Trì cho biết: Tôi cũng thường xuyên qua lại bến phà Đức Bác này, vì quê vợ tôi ở bên Lập Thạch. Khi nghĩ đến thời điểm bến phà dừng hoạt động, bản thân tôi cũng có chút nao lòng, xen lẫn niềm vui. Vì giờ đây, mỗi khi sang sông được đi trên cây cầu mới, không phải chờ đợi phà. Trước đây, có những lần đi làm về muộn, muốn sang quê nửa đêm lại không có phà, tôi lại phải đi vòng hàng chục cây số, mới đến được bến đò để sang sông.
Những chuyến phà hoàn thành “sứ mệnh”
Có mặt tại bến phà Đức Bác lúc 6h sáng, nhìn những dòng người tấp nập người đi làm, người đi buôn bán hai bên bờ lên xuống phà mới thấy sự náo nhiệt khi bước vào một ngày mới. Đi vào hoạt động từ năm 1987 đến nay đã hơn 36 năm, từng ấy năm hoạt động với bao khó khăn vất vả, những người lái phà không quản nắng mưa, đêm hôm khi chở khách qua sông… Đây cũng là lúc mà bến phà Đức Bác và bến đò ven sông Lô hoàn thành “sứ mệnh”. Bến phà dừng hoạt động, những người lái phà giờ đây cũng cảm thấy bồi hồi, nhớ về những kỷ niệm năm tháng gắn bó cùng bến phà với sông nước. Họ có thể sẽ có một công việc mới nhưng lại là khoảng trống với rất nhiều bỡ ngỡ. Mặc dù có vất vả, nhưng những người lái phà vẫn thấy niềm hạnh phúc với những đóng góp không nhỏ của mình trong đó.
Có thâm niên 22 năm trong nghề, ngoài thực hiện nhiệm vụ những người lái phà luôn sẵn sàng tận tình phục vụ người dân mỗi khi qua sông bất kể nắng hay mưa, sớm hay tối, anh Cao Xuân Hiếu - Thuyền trưởng chia sẻ: Mỗi một ngày thường có từ 25-30 chuyến phà qua lại giữa đôi bờ… Tôi làm việc theo ca, buổi sáng từ 6h sáng đến 2 giờ chiều, hôm sau thì lại từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối. Cứ liên tục như vậy thành quen và vui mỗi khi lái phà. Cây cầu được đưa vào sử dụng nó sẽ tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương cho bà còn hai bên bờ sông. Đã nhiều năm gắn bó, khi bến phà dừng hoạt động cũng là lúc tôi không được gắn bó với nghề nữa, trước mắt sẽ khó khăn vất vả thời gian đầu. Khi nghỉ việc lái phà tôi chỉ mong muốn được sắp xếp một công việc mới ổn định, góp phần trang trải cuộc sống gia đình.
Cùng tâm trạng xen lẫn buồn vui, khi cầu Vĩnh Phú sắp đi vào hoạt động, ai cũng vui vì nhiều người không còn phải lụy phà và nhiều chuyến hành trình sẽ được rút ngắn. Thế nhưng, càng gần đến ngày khánh thành cầu, không chỉ riêng những nhân viên của bến phà Đức Bác, mà những người mưu sinh hai bên bờ sông cũng bối rối, xen lẫn buồn vui. Bà Nguyễn Thị Lan - 50 tuổi, người đã bán hàng nước từ khi bến phà mới đi vào hoạt động, tâm sự: Đến khi bến phà dừng hoạt động cũng đồng nghĩa thu nhập từ bán hàng của gia đình cũng giảm đáng kể, phần nào ảnh hưởng cuộc sống và cũng sẽ không được ngồi vừa bán hàng vừa nhìn dòng người tấp nập lên, xuống phà. Mỗi sáng sớm nhìn người dân quá lại bến phà cũng thấy vui. Khi cầu đi vào hoạt động sẽ không còn nhìn thấy cảnh đông đúc mỗi buổi sáng.
Cầu Vĩnh Phú được lưu thông cũng là lúc những chuyến phà sẽ ngừng hoạt động. Với những người dân từng gắn bó, thường xuyên qua lại nơi đây, mỗi chuyến phà sẽ là hình ảnh đẹp đọng lại trong ký ức. Để rồi theo thời gian, phà Đức Bác đã hoàn thành sứ mệnh, sẽ đọng lại như những hoài niệm xưa cũ, mãi trong miền nhớ…
Đinh Tú
4:22:06:2023:10:29 GMT+7