Khai mạc Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan toàn quốc Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tối ngày 21/4. Đặc biệt trong đó, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng cội nguồn – Đất Tổ Hùng Vương” với màn diễn của các nghệ sĩ, vũ công hoành tráng và hấp dẫn, tôn vinh những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc.
Phần mở đầu “Linh thiêng nguồn cội” hoành tráng, rực rỡ, tôn vinh văn hóa Đất Tổ - Phú Thọ, thể hiện tinh thần, niềm tự hào có 18 đời Vua Hùng đã khai sáng đất nước ta bao đời.
Trình diễn Hát Xoan Phú Thọ với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, người thực hành di sản, các em học sinh.
Hát Xoan được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011. Tháng 12/2017, Hát Xoan được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để ghi danh sách vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trình diễn Nhã nhạc cung đình Huế - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2003.
Đây là loại hình âm nhạc cung đình thời phong kiến, được diễn ra trong các dịp triều hội, lễ tế hoặc các sự kiện trọng đại.
Trình diễn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2005.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt cuộc đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng.
Trình diễn Dân ca quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2009.
Đây là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để bộc lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, thắm thiết.
Tiết mục trình diễn Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2009.
Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của con người Việt.
Tiết mục trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2013.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, được sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng và sự biến hóa theo cảm xúc của người thực hành trên cơ sở của 20 bài gốc và 72 bản nhạc cổ.
Trình diễn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2014.
Hai lối hát dân ca Ví, Giặm không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.
Trình diễn Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi nhận năm 2016.
Trình diễn Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh năm 2017.
Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ.
Tiết mục trình diễn Hát Then của người Tày, Nùng, Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2019.
Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh quan niệm của họ về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.
Trình diễn nghệ thuật Xoè Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2021.
Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam là: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái.
Phần kết “Khát vọng Lạc Hồng” được đầu tư xây dựng công phú, quy mô hoành tráng, tạo sự khép kín, đầy đủ, đặc sắc, ghi dấu ấn trong lòng nhân dân và du khách.
Lê Hoàng - Trà My
6:22:04:2023:15:19 GMT+7