
Kỳ 2: Khó truy vết ma trận lừa đảo công nghệ

Lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ với các chiêu thức rất tinh vi khiến người dùng trên không gian mạng như lạc vào ma trận mà không có lối thoát.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối 2022. Hiện đã nhận diện được 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở nước ta. Theo phân tích, các đối tượng liên tục thay đổi nền tảng tiếp cận, đối tượng giao dịch và nhắm vào nhóm người có nhiều thời gian rảnh như người cao tuổi, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng...

Tại tỉnh Phú Thọ, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội đang diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn mới.
Trong mấy năm trở lại đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã tiếp nhận tin báo của các bị hại với rất nhiều kiểu lừa đảo, đặc biệt là đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin cũng như ít hiểu biết như kết bạn làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền rồi chiếm đoạt; tạo lập các website sàn giao dịch tài chính, thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân tham gia đầu tư, sau đó can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia; đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp rồi chiếm đoạt số tiền huy động được...
Khi các chiêu trò trên đã trở nên phổ biến và người dân cảnh giác hơn thì bắt đầu xuất hiện hàng loạt các chiêu trò mới với hình thức rất tinh vi và số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn, từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng như giả danh Công an, Toà án, cán bộ ngân hàng, Cục Thuế tỉnh, các nhà mạng, các nhà cung cấp, nhà đầu tư để lừa đảo; lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng; vay tiền qua app (vay tiền online)...
Đã có rất nhiều trường hợp bị sa lưới của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội đến trình báo tại các cơ quan chức năng khi “việc đã rồi”.
Như tháng 1/2023, chị N.T.H, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy bị lừa đầu tư vào sàn điện tử với số tiền gần 1,9 tỉ đồng. Cùng thời gian, chị P.T.T, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy bị lừa đầu tư tiền ảo trên mạng với số tiền 845 triệu đồng. Đặc biệt, tháng 2/2023, Phòng nhận được tin báo của chị L.T.L tại phường Thanh Miếu, TP Việt Trì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức đầu tư tài chính số tiền hơn 3,6 tỉ đồng.
Hay các trường hợp khác như bị lừa đầu tư sàn ngoại hối, góp vốn đầu tư hưởng lãi suất cao như chị D.T.T.T, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê bị lừa đảo 660 triệu đồng hoặc chị N.T.G, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao bị chiếm đoạt số tiền 800 triệu đồng.
Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng...) hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của ngân hàng để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập dịch vụ sau đó thực hiện chiếm đoạt tài sản. Hơn thế nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều cách khác nhau để thu thập hình ảnh CCCD của người dân, sau đó đăng ký mã số thuế ảo hoặc vay tiền các tổ chức trên mạng với lãi suất cao rồi chiếm đoạt...
Chính sự thiếu hiểu biết thông tin và kỹ năng sử dụng mạng đã khiến một bộ phận người dân đã tự biến mình trở thành những nạn nhân “bất đắc dĩ”. Để rồi, họ đã dồn hết tiền của tích lũy, thậm chí bất chấp vay mượn người thân để tiếp tay cho loại tội phạm công nghệ cao này.

Thực tế hiện nay, việc truy vết các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn khi 100% đều sử dụng sim rác và các đầu số nước ngoài. Rất nhiều đối tượng lừa đảo trực tuyến không chỉ tập trung ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nước ngoài khiến việc theo dõi, truy bắt rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo đa phần đều đã lập trình sẵn để tiền vừa chiếm đoạt được, ngay lập tức được chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, thậm chí đổi sang tiền ảo (USDT) nhằm che giấu dấu vết phạm tội của mình. Nếu có xác minh được, các tài khoản ngân hàng mà nạn nhân chuyển tiền vào cũng không chính chủ mà là tài khoản mua lại. Do đó, nếu truy đến cùng thì người đứng tên tài khoản ngân hàng cũng hoàn toàn không biết gì, thậm chí cũng không rõ đã bán tài khoản cho ai và ở đâu. Đặc biệt, việc phong tỏa tài khoản cũng mất rất nhiều thời gian khiến đối tượng hoàn toàn có thể nhanh chóng “tẩu tán” số tiền lừa đảo được. Vì vậy, nạn nhân sau khi bị lừa rất khó để lấy lại được số tiền đã mất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hiện nay đang được mua bán tràn lan và công khai trên ứng dụng nhắn tin Telegram như một “chợ buôn dữ liệu”. Và ứng dụng này còn được các tin tặc sử dụng như một công cụ đắc lực phục vụ cho việc lừa đảo do tính chất thả nổi “tự do” của nó.


Anh Nguyễn Văn Long - Tổ trưởng Tổ phân tích nghiệp vụ, Trung tâm Công nghệ thông tin MobiFone thuộc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết: Telegram là phương tiện trao đổi khi các nội dung lừa đảo cần diễn ra như yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, chuyển tiền, mua hàng... Đây thường là bước cuối vì Telegram là ứng dụng OTT (Over-The-Top) có độ bảo mật rất cao, toàn bộ nội dung trao đổi thông qua Telegram rất khó để truy vết hoặc truy cập vào hệ thống của Telegram để tra cứu dữ liệu người dùng. Với Telegram, người dùng có thể đổi tên nhiều lần mà không bị ứng dụng yêu cầu xác minh như Zalo (3 lần), Facebook (5 lần). Ðồng thời, Telegram cho phép người gửi xóa được hết các tin nhắn trò chuyện của cả người nhận trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được ở phía người gửi, nên dấu vết nhắn tin rất dễ bị xoá sau khi các hành vi lừa đảo được thực hiện.
Bên cạnh đó, ứng dụng Telegram cho phép từ chối truy cập các tin nhắn từ thiết bị khác, hoặc tự động xoá toàn bộ tin nhắn (nội dung này phụ thuộc vào cấu hình nhóm chat của Telegram). Đồng thời, việc kiểm duyệt nội dung của nhà phát triển đối với Telegram đang được thả nổi hoàn toàn, dẫn đến rất nhiều đối tượng sử dụng ứng dụng này để làm mục đích trao đổi và truyền tải thông tin.

Hầu hết các đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội nên rất khó cho cơ quan chức năng trong việc xác minh, truy bắt đối tượng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Do đó, rất khó khăn trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ bởi các chứng cứ điện tử khó xác minh và thu thập và bảo quản hơn so với các chứng cứ, nguồn chứng cứ truyền thống. Đồng thời, có những hoạt động mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo nhưng chưa được pháp luật quy định rõ ràng…
Luật sư Đạt Nguyễn - Công ty luật SH Legal Việt Nam
Hiện nay, song song với việc chưa có quy định cụ thể đối với việc một cá nhân có thể lập được bao nhiêu tài khoản ngân hàng thì vấn đề quản lý sim cũng đang trở nên rất “nhức nhối”.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết: Đối với chủ thuê bao di động trả trước, khi chủ thuê bao chuyển quyền sở hữu cho người khác mà không tự giác đăng ký lại thông tin thuê bao sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý. Doanh nghiệp viễn thông chỉ quản lý các thuê bao trên cơ sở đã đăng ký thông tin chính chủ, còn việc cụ thể các thuê bao sau khi được đăng ký sử dụng vào mục đích gì thì không thể kiểm soát được.
Do đó, bên cạnh việc nâng cao khả năng nhận diện của người dân, thì cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa từ cơ quan quản lý để sớm “quét sạch” vấn nạn lừa đảo, mang lại sự trong sạch cho môi trường mạng.
>>> Cạm bẫy 4.0 Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng
Thanh Trà