“Xé rào” tạo đột phá

“Xé rào” tạo đột phá

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, coi trọng lợi ích nhân dân, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh, bền vững luôn là thước đo chính xác nhất tính đúng đắn, hiệu quả của mỗi chủ trương, nghị quyết. Trong hơn tám thập niên kể từ khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần mạnh dạn “xé rào”, “cởi trói”, tiên phong, linh hoạt triển khai nhiều quyết sách táo bạo để tạo đột phá thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho nhân dân...

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, coi trọng lợi ích nhân dân, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh, bền vững luôn là thước đo chính xác nhất tính đúng đắn, hiệu quả của mỗi chủ trương, nghị quyết. Trong hơn tám thập niên kể từ khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần mạnh dạn “xé rào”, “cởi trói”, tiên phong, linh hoạt triển khai nhiều quyết sách táo bạo để tạo đột phá thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho nhân dân...

“Xé rào” tạo đột phá

Để trở thành “thủ phủ” thủy sản của huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ như ngày hôm nay, đã có thời gian không chỉ người dân mà cả cán bộ, đảng viên xã Văn Khúc đã phải thắp đèn dầu, đốt đuốc đào ao trộm, nuôi cá chui, chấp nhận để chính quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thấu hiểu, tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như hiệu quả kinh tế mang lại, Tỉnh ủy đã có chủ trương chỉ đạo, HĐND, UBND tỉnh ngay lập tức ban hành chỉ thị không những “cởi trói” về cơ chế mà còn thực thi chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân chuyển mục đích đất trồng trọt kém hiệu quả sang chuyên nuôi thủy sản. Nhờ đó, dẫu không nhiều tiềm năng, thế mạnh như các địa phương khác, nhưng Phú Thọ đã vươn mình lên vị trí tốp đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc về diện tích, sản lượng, hiệu quả kinh tế thuỷ sản. Đời sống người dân các vùng chiêm trũng nhờ đó cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao...

“Xé rào” tạo đột phá

“Ngày ấy cuộc sống khổ cực lắm, chưa có điện lưới, nhà nào khá giả mới có đèn măng xông đốt dầu, còn đa phần là đốt đuốc, lợi dụng đêm trăng sáng để làm trộm thôi. Cứ cơm tối xong là cả nhà lại mang cuốc thuổng, quang gánh ra đồng hỳ hụi đào đất, đắp bờ. Chính quyền xã cũng thường xuyên nhắc nhở, vận động bà con không được đào ao trên đất ruộng, thậm chí còn lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, nhưng rồi thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân nên cũng làm ngơ. Khi đó tôi đang làm Phó trưởng Công an xã, ngày theo tổ công tác đi nhắc nhở, lập biên bản, xử lý vi phạm, nhưng tối đến vẫn cùng anh em đào ao trộm, nuôi cá chui. Biết là không đúng, nhưng đói khổ quá, không làm thì không thể đủ sống...”. Đến giờ, khi đã là ông chủ của 1,6ha mặt nước nuôi tôm càng xanh nức tiếng cả vùng, Chi hội trưởng Chi hội nuôi trồng, chế biến Thuỷ sản xã Văn Khúc, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, ông Đặng Văn Được (khu Ô Đà, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê) vẫn rưng rưng xúc cảm, buồn vui xen lẫn.

Theo lời ông, phần lớn đồng đất Văn Khúc là đồng chiêm trũng, ngập úng quanh năm. Thời điểm đầu những năm 2000, nhà ông làm tới hơn bốn mẫu ruộng khoán mà vẫn thiếu đói, ăn bữa nay lo bữa mai. Tiếng là nhiều ruộng nhưng mỗi năm chỉ có thể cấy được 10% diện tích vụ chiêm xuân, vụ mùa đành bỏ trống do bùn thụt, nước ngập ngang lưng.

Tuyệt đại đa số người dân Văn Khúc thời điểm bấy giờ sinh sống chủ yếu dựa vào cây lúa nước, nên cũng như gia đình ông Được, gia cảnh lúc nào cũng trong tình trạng thiếu đói, giật gấu vá vai. Thế rồi một vài nhà bắt đầu đóng cọc, dùng lưới, phên nứa quây các khu vực ruộng trũng để nuôi cá và đã thắng lớn. Hiệu quả kinh kế từ nuôi cá cao gấp mấy lần cấy lúa. Học theo nhau, đồng ruộng Văn Khúc xuất hiện ngày càng nhiều những “ao dã chiến”, chằng chịt dây buộc, phên quây.

Càng làm càng lãi lớn, các hộ bắt đầu mạnh dạn đào ao nuôi cá thâm canh. Tuy nhiên, đất ruộng chỉ để trồng lúa, chuyển đổi mục đích phải được sự đồng ý của UBND tỉnh. Thế nên biết là sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chính quyền địa phương buộc phải nhắc nhở, xử phạt người dân vi phạm đào ao trên đất ruộng.

“Xé rào” tạo đột phá

Đến khi phong trào đào ao nuôi cá bùng phát mạnh với gần 70% gia đình đào ao nuôi cá thì xã Văn Khúc buộc phải “linh động” bỏ qua cho các hộ “chuyển ruộng thành ao” với điều kiện chỉ được làm tại các khu vực sâu trũng, bờ tre ám bóng, lầy thụt với diện tích không quá ba sào; tuyệt đối cấm đào ao trên ruộng đẳng điền. Cùng với đó, xã làm báo cáo, đề nghị huyện đồng ý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Huyện báo cáo về tỉnh. Ngay lập tức, các đoàn cán bộ, chuyên viên đã về khảo sát điều kiện thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Kết quả vượt ngoài sự mong đợi, ngày 17/5/2006, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 60/2006/NQ-HĐND về “Kế hoạch phát triển nông, lâm- thuỷ sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2010”, ngay sau đó, ngày 29/12/2006, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3670/2006/QĐ-UBND về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển thuỷ sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007-2010. Theo đó, không những đồng thuận chủ trương chuyển mục đích đất trồng trọt kém hiệu quả sang chuyên nuôi thủy sản mà tỉnh còn hỗ trợ người dân kinh phí 3- 5 triệu đồng mỗi ha chuyển đổi.

Như “nắng hạn gặp mưa rào” phong trào nuôi thuỷ sản ở các vùng đồng đất chiêm trũng phát triển mạnh mẽ với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, tinh thần phấn chấn của người dân. Không còn cảnh “ao trộm, cá chui” người dân Văn Khúc đua nhau đào ao thả cá. Trong thời gian ngắn, xã đã hình thành 156ha diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản, trong đó có 111,93 ha chuyên canh nuôi thả cá. Toàn bộ diện tích đồng đất sâu trũng, lầy thụt, cấy lúa kém hiệu quả giờ đã thành các ao nuôi thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

“Xé rào” tạo đột phá

Cùng với Văn Khúc, lần đầu tiên thuỷ sản đã phát triển vượt bậc, trở thành thế mạnh của tỉnh trung du không mấy giàu tiềm năng, thế mạnh như các địa phương khác. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận: “Thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã triển khai nhiều dự án, đặc biệt là dự án chuyển đổi diện tích sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản bền vững. Đến năm 2010, tổng diện tích thủy sản toàn tỉnh là 9,67 nghìn ha (trong đó diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản là 1.126 ha)...”.

Với sự tiếp sức về công nghệ, kinh phí của Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010 (Dự án NTMN) được lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư đã giải quyết được bài toán kết hợp giữa “4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về nuôi trồng thủy sản của các tỉnh miền núi phía Bắc...” (trích Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ tập 3, trang 106-107).

“Xé rào” tạo đột phá

Hơn một thập niên qua, Phú Thọ luôn giữ vững vị trí dẫn đầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc về nuôi trồng thuỷ sản. Trên đồng chiêm trũng Văn Khúc, thuỷ sản giờ là thế mạnh, nguồn thu chính giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, có cuộc sống sung túc. 156ha nuôi thuỷ sản của xã cho sản lượng bình quân khoảng hơn 360 tấn mỗi năm. Chất lượng đời sống người dân được nâng cao từng ngày.

Từ xã miền núi nghèo, phần lớn người dân sống thiếu đói, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 4,98%. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, người nuôi thuỷ sản Văn Khúc giờ đang thay đổi giống truyền thống sang chuyên canh tôm càng xanh. Dẫu không phải loại đặc sản có giá trị kinh tế cao nhất, nhưng giá thị trường ổn định, mỗi ha tôm càng xanh cho nguồn thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Toàn xã hiện có hơn 200 hộ đang nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích khoảng 80ha.

“Xé rào” tạo đột phá

Có diện tích ruộng sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cao nhất tỉnh, Cẩm Khê giờ là “thủ phủ”, dẫn đầu về diện tích, sản lượng thuỷ sản của Phú Thọ. Đồng chí Trần Minh Nghiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích sâu trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh, từ năm 2002 đến năm 2008, huyện Cẩm Khê đã tăng thêm 1.164ha diện tích chăn nuôi thuỷ sản. Trong đó có tới 761ha nuôi cá chuyên canh chuyển đổi từ diện tích sâu trũng, kém hiệu quả. Thuỷ sản giờ là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Với 1.861,3ha diện tích mặt nước, từ đầu năm đến nay, sản lượng thuỷ sản toàn huyện đã đạt gần 6.000 tấn. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kinh tế của hoạt động nuôi thuỷ sản, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu giống, thay thế các giống cá truyền thống bằng các giống cá đặc sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, được thị trường ưa chuộng. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, trước mắt, huyện sẽ tiến hành xây dựng chứng nhận nhãn hiệu “Cẩm Khê” cho sản phẩm tôm càng xanh...”.

“Xé rào” tạo đột phá

Không có tiềm năng, thế mạnh như nhiều địa phương khác, nhưng Phú Thọ hiện đang duy trì ổn định vị trí dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về thuỷ sản.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản khẳng định: “Được xác định là một trong bốn chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2004-2008, nhờ có chủ trương hỗ trợ người dân chuyển mục đích đất trồng trọt kém hiệu quả sang chuyên nuôi thủy sản của tỉnh mà diện tích, sản lượng, chất lượng thuỷ sản trên địa bàn có bước chuyển biến mạnh mẽ. Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đầu tư, trong thời gian ngắn, Phú Thọ đã hình thành được 52 khu ương giống, nuôi thâm canh thuỷ sản với tổng diện tích hơn 1.200ha. Diện tích được mở rộng lên gần 11.000 ha mặt nước, trình độ thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thuỷ sản của người dân ngày càng cao đã khiến sản lượng tăng vượt bậc. Thời điểm năm 2010, sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh chưa đạt mức hai vạn tấn, thì đến nay, con số này đã tăng hơn hai lần, xấp xỷ 4,4 vạn tấn. Hơn 200 ha diện tích ương nuôi cá giống cung cấp mỗi năm khoảng 1,5 tỷ cá giống các loại cho người nuôi thuỷ sản trong tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Tập quán truyền thống được thay đổi hoàn toàn, người nuôi thuỷ sản Phú Thọ ngày càng chuyên nghiệp trong việc đầu tư xây dựng, quản lý môi trường ao nuôi, sử dụng công nghệ nước tuần hoàn, sông trong ao, nước lạnh, nước tự chảy... phù hợp với từng loại thuỷ sản. Các giống thuỷ sản đặc sản, đặc trưng của tỉnh có giá trị, hiệu quả kinh tế cao được lựa chọn phát triển ngày càng nhiều như: Trê đồng, chạch đồng, lăng, nheo...”.

“Xé rào” tạo đột phá

Trên thực tế, thuỷ sản đã và đang thực sự trở thành hoạt động kinh tế nông nghiệp mũi nhọn, mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ dân. Nhiều năm nay, Phú Thọ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về diện tích, sản lượng thuỷ sản. Thành tích này có sự đóng góp quan trọng của các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh từ gần hai thập niên trước, đã “cởi trói”, tạo cơ chế, động lực cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

>>> Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

>>> Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Cao Khôi - Cẩm Nhung

5:27:10:2023:10:23 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM