Nhằm giúp các em học sinh trung học phổ thông có cách nhìn tổng quan trước khi lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những lưu ý trong quá trình chọn nghề
- Thưa ông, học sinh, phụ huynh cần chú ý gì trước khi đưa ra quyết định lựa chọn trường, ngành để các em có được môi trường học tập phù hợp?
- Việc lựa chọn trường và ngành học là một quá trình quan trọng ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của học trò. Đứng trước quyết định này, học sinh phải hiểu rõ bản thân thích ngành nghề gì, những kỹ năng mà mình có nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp nhằm phát huy thế mạnh của bản thân. Quá trình học gặp khó khăn, các em sẽ có quyết tâm, động lực vượt qua những thách thức đó.
Bên cạnh đó, học sinh cần quan tâm, tìm hiểu về yêu cầu, cơ hội việc làm của ngành mình dự định chọn. Đặc biệt, những ngành các em yêu thích nhưng cơ hội việc làm, phát triển sự nghiệp hạn chế nên xem xét kỹ.
Một vấn đề nữa các em cần tìm hiểu là ngôi trường mà mình định học chất lượng giáo dục ra sao? Đội ngũ giảng viên, chương trình học, cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ học tập có phù hợp với phong cách với các em không? Mức học phí hàng năm như thế nào, điều kiện kinh tế của gia đình có đáp ứng được không.
Ngoài ra, các em hãy tìm cách trao đổi trực tiếp hoặc thông qua các diễn đàn của sinh viên để hiểu rõ hơn về trường, ngành học và cuộc sống sinh viên. Tìm hiểu thông tin phản hồi của các thế hệ cựu sinh viên để tham khảo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đối với phụ huynh hãy cùng con tìm hiểu thông tin về các trường đại học, chương trình học và triển vọng nghề nghiệp; lắng nghe những nhu cầu, ước mơ, kế hoạch tương lai của con. Cha mẹ không nên ép buộc con theo hướng mà con không quan tâm, nên cùng con tham gia các buổi tham quan trường, tư vấn nghề nghiệp để có cái nhìn toàn diện về lựa chọn ngành nghề.
- Những điểm yếu mà học sinh Việt Nam thường gặp trong quá trình lựa chọn nghề?
- Nhiều năm theo dõi việc lựa chọn ngành học của học sinh Việt Nam, tôi thấy rằng các em đang thiếu tư duy chiến lược trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ việc người học thiếu thông tin về thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp; không chủ động tìm kiếm thông tin. Phần nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đưa ra được thông tin vị trí việc làm, dự báo cơ hội tuyển dụng và mức thu nhập bình quân ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề một cách hệ thống.
Hay nhiều học sinh chọn nghề theo xu hướng đám đông hoặc chọn nghề từ áp lực của gia đình mà không căn cứ năng lực, sở thích của bản thân, không dựa trên hiểu biết về nghề nghiệp lựa chọn. Dẫn đến, các em dễ bị mất niềm tin, động lực học tập.
Để khắc phục những hạn chế trên, học sinh và phụ huynh cần chủ động tìm kiếm thông tin nghề nghiệp, gặp gỡ chuyên gia tư vấn tin cậy, hiểu biết sâu về ngành nghề. Học trò cần tận dụng tối đa cơ hội trải nghiệm; các hoạt động hướng nghiệp sớm trong chương trình học.
Song song với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp các thông tin tin cậy, cập nhật và hệ thống về các vị trí việc làm trong các lĩnh vực khác nhau.
PGS. TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội. |
Tham quan trải nghiệm là cơ hội để hiểu nghề
- Thưa ông, học sinh đến trực tiếp các trường tham quan, trải nghiệm chương trình đào tạo, cơ sở vật chất ở bậc đại học sẽ có những thuận lợi gì trong việc chọn nghề nghiệp?
- Các hoạt động tham quan, trải nghiệm trường đại học không chỉ nhằm mục tiêu quảng bá tuyển sinh, mà còn hỗ trợ học sinh thêm kiến thức trong quá trình định hướng lựa chọn nghề nghiệp, hiểu môi trường học tập, cuộc sống sinh viên.
Hiện nay, nhiều hình thức tham quan trải nghiệm dành cho học sinh như một ngày là sinh viên, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp... Những chương trình này, học sinh sẽ được tìm hiểu, trao đổi các thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo; tham quan trường, cơ sở vật chất, nghe trực tiếp chuyên gia của các trường đại học tư vấn hướng nghiệp.
Ví dụ: Tham quan, trải nghiệm tại Viện Sư phạm Kỹ thuật, học sinh được tham gia tour “chúng tôi là chuyên gia Công nghệ giáo dục”; thực hiện trắc nghiệm tâm lý, tư vấn về ngành học phù hợp với tính cách, năng lực của bản thân; thực hành các bước trong quy trình sản xuất học liệu số trong studio E-learning của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đặc biệt, các em được chia theo nhóm để thiết kế sản phẩm công nghệ giáo dục thông qua cách tiếp cận tư duy thiết kế; được “học” với các ứng dụng và trò chơi công nghệ giáo dục do các anh, chị sinh viên thiết kế... Đặc biệt, học sinh được gặp gỡ, trao đổi với các giảng viên, sinh viên đang học để có những lời khuyên chân thành, hữu ích trong việc lựa chọn ngành học, trường học cho mình.
- Hoạt động tham quan, trải nghiệm sẽ có những tác động tích cực thế nào trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh?
- Tham quan, trải nghiệm các cơ sở giáo dục đại học sẽ tác động tích cực đối với học sinh trong việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Cụ thể: Giúp học sinh hiểu rõ hơn về nghề nghiệp mà họ quan tâm. Các em có cơ hội trực tiếp quan sát, tìm hiểu rõ hơn môi trường học tập, định hướng việc làm của ngành học mình đang hướng đến.
Khám phá sở thích, kỹ năng để hiểu bản thân người học có phù hợp với nghề nghiệp đó hay không, thậm chí, còn giúp học sinh biết đến những ngành học, nghề nghiệp mà trước đó chưa có thông tin nhưng có thể lại phù hợp với sở thích, năng lực của mình.
Tham quan trải nghiệm có thể giúp học sinh thúc đẩy sự hứng thú, động lực học tập; thấy được bản thân cần học những kiến thức, kỹ năng nào để đạt được mục tiêu đó.
Theo Giáo dục thời đại