Người lính quân y Biên phòng tận tâm cống hiến giữa đại ngàn
Hình ảnh người lính Biên phòng trong quân phục dã chiến, đốt lửa giữa rừng để giúp sản phụ sinh con vào lúc rạng sáng ngày đông rét mướt khiến bất cứ ai cũng dâng lên cảm xúc nghẹn ngào không nói thành lời. Điều tuyệt vời hơn cả, đó là còn rất nhiều câu chuyện nhân văn về người lính quân y ấy - người luôn tận tâm, hết lòng vì công việc chăm sóc sức khỏe và vận động đồng bào các dân tộc xây dựng đời sống mới, cùng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Chào đón “thiên thần” nơi rừng sâu
Mùa đông, thời tiết khu vực biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) xuống thấp. Những căn nhà đều đóng kín cửa để tránh cái lạnh len lỏi. 4 giờ sáng ngày 27/1/2024, điện thoại của Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí, bác sĩ Phòng khám quân dân y kết hợp A Xan (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đổ dồn dập. Thực ra, đối với bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí, những cuộc gọi vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, đêm khuya hay tờ mờ sáng cũng không lạ lẫm gì. Anh biết rằng, chắc chắn có bệnh nhân đang cần mình. Sau khi nghe xong cuộc gọi, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí mặc thêm chiếc áo len, lấy túi thuốc chuyên dụng cho trường hợp khẩn cấp rồi điều khiển xe máy đi về hướng thôn Ganil (xã A Xan).
Người dân báo, chị Bríu Thị Poi (thôn Arooi, xã Gari, huyện Tây Giang) trên đường đi sinh, khi tới địa phận thôn Ganil thì vỡ ối, lên cơn đau bụng dữ dội, không thể tiếp tục ngồi xe máy để di chuyển đến phòng khám. Cũng may, vị trí chị Poi chỉ cách phòng khám khoảng 5 cây số, thế nên Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí nhanh chóng có mặt. Tới nơi, anh thấy chị Poi đau đớn ngồi bên vệ đường. Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí bình tĩnh bảo người nhà đốt lửa và dùng đèn chiếu sáng để anh giúp sản phụ Poi vượt cạn. Sau những nỗ lực, một bé gái đã chào đời giữa buổi sáng rét mướt. Tiếng đứa trẻ khóc xé toang sự tĩnh mịch của đại ngàn Trường Sơn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí giúp chị Poi sinh con rạng sáng ngày 27/1/2024.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí giúp phụ nữ đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới vượt cạn. Thời gian công tác tại Đăk Pring, A Xan, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí cũng không nhớ hết được mình đã chào đón bao nhiêu thiên thần nhỏ đến với cuộc sống này. Và có không ít câu chuyện, kỉ niệm khiến anh nhớ mãi. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất nhập cảnh phổ thông giữa Việt Nam - Lào phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Thế nhưng, khi có những ca bệnh nặng, khó, người Lào ở các bản giáp biên với huyện Tây Giang vẫn phải “chuyển tuyến” sang Phòng khám quân dân y kết hợp A Xan.
Vào 1 ngày cuối tháng 11/2022, có sản phụ người Lào (ở bản Keo, huyện K’Lừm, tỉnh Sê Kông) chuyển dạ đã lâu nhưng vẫn không thể sinh. Nhận thấy sức khỏe của người mẹ bị đe dọa, người nhà đã dùng võng khênh sản phụ vượt núi sang A Xan. Tiếp nhận sản phụ sức khỏe đã yếu, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí bình tĩnh tiêm trợ sức, động viên và hướng dẫn sản phụ sinh nở. Và 1 bé gái Lào đã chào đời trên đất Việt Nam. Trước khi ra về, người cha đã nhờ Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí “đặt tên cho cháu để chúng tôi luôn nhớ về bác sĩ”. Sau phút suy nghĩ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí đã bảo: “Mỗi đứa trẻ đều là hạnh phúc của cha mẹ. Gia đình đã hỏi thì tôi mạn phép đặt tên là Hạnh Phúc”. Giữa năm 2021, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí cũng giúp 1 sản phụ người Cơ Tu (bản Agri, xã A Xan) vượt cạn thành công vào lúc 2 giờ sáng. Cảm mến người lính Biên phòng, đôi vợ chồng trẻ đã quyết định đặt tên con mình là Briu Quốc Trí.
Người thầy thuốc tận tâm
Năm 2007, Thiếu úy Nguyễn Văn Quốc Trí tốt nghiệp Trung cấp Quân y và nhận công tác tại Đồn Biên phòng A Xan. 4 năm công tác ở rừng, anh chợt nhận ra, cuộc sống của bà con còn vất vả quá, nhất là về y tế. Là y sĩ nên anh chỉ có thể khám chữa những bệnh thông thường, vậy nên người lính quân y đó đã viết đơn gửi Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam xin được đi học tại Đại học Y (Đại học Huế) và bản thân sẽ tự trang trải học phí. Sau 4 năm đèn sách miệt mài, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí được phân công về Đồn Biên phòng Đăk Pring (xã Đăk Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Năm 2014, anh được điều sang Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân 4 xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang gồm Gari, Ch’ơm, A Xan và Tr’Hy. Trong thực tế, người dân ở các bản Lào giáp biên như Keo, Tà Vàng, A Chinh, Chi Tơ (huyện K’Lừm, tỉnh Sê Kông) vẫn thường xuyên cậy nhờ đến phòng khám của những người lính Biên phòng Việt Nam.
Gọi là phòng khám quân dân y, thế nhưng được trang bị nhiều loại máy móc hiện đại, bản thân có trình độ y khoa nên Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí đã tiếp nhận, xử lý được rất nhiều ca bệnh. Chỉ có những trường hợp nặng, không đủ thiết bị, máy móc và thuốc thì mới phải lên tuyến trên. Sự mát tay trong chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí ai cũng biết, thế nhưng, mọi người còn biết đến anh là bác sĩ tâm lí. Năm 2021, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí tiếp nhận 6 bệnh nhân ăn lá ngón. Biết nguyên nhân của những trường hợp này đều là do buồn chuyện gia đình, cha mẹ nặng lời với con cái, vợ chồng mâu thuẫn nên tìm đến lá ngón để giải thoát, anh đã suy nghĩ rất nhiều.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí khám bệnh cho người dân xã A Xan.
Trong những ngày ở lại điều trị, với trách nhiệm và tình cảm, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí giúp các bệnh nhân giải độc, phục hồi sức khỏe; mặt khác, anh đã động viên, phân tích về hành động dại dột này của họ. Những lời nói của bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí rất nhẹ nhàng, rằng cuộc sống quý giá biết bao, sao lại dễ dàng tự tước bỏ điều đó. Như bản thân bác sĩ, xa bố mẹ, xa vợ con để lên đây khám, chữa bệnh cho bà con, mong bà con có sức khỏe để lao động, cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ấy thế mà chỉ vì cảm xúc bộc phát, tức thời mà tự mình triệt đi con đường sống của mình thì có đáng không? “Đến nay, đã hơn 3 năm trôi qua, trên địa bàn không xảy ra trường hợp nào tự tử bằng lá ngón. Tôi rất mừng khi người dân đã thay đổi suy nghĩ” - Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí tâm sự.
Thiếu tá Phan Xuân Minh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Xan cho biết: “Bác sĩ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, mà còn có tinh thần trách nhiệm cao khi vừa khám chữa bệnh, vừa vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới. Lời nói của bác sĩ Trí rất uy tín với bà con nhân trên địa bàn bởi luôn được cụ thể bằng hành động. Với mỗi người lính Biên phòng chúng tôi, khi quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thì việc làm cho dân tin, dân ủng hộ là điều vô cùng quan trọng”.
Chứng kiến Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí khám chữa bệnh cho người dân bằng chính tiếng nói của người bản địa, tôi chợt nhận ra rằng, người lính quân y này đã tự học tiếng Cơ Tu để có thể rút ngắn khoảng cách với người dân. Việc làm này cũng thể hiện, anh đã thật sự coi biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.
Trúc Hà (Báo Biên Phòng)