Cập nhật:  GMT+7

Canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là hệ thống quản lý dịch hại sử dụng các phương tiện kỹ thuật, các biện pháp thích hợp nhằm quản lý tốt dịch hại trong một hệ sinh thái bền vững,giúp cây trồng đạt năng suất cao, chất lượng tốt, hướng tới mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật, góp phần giảm thiểu mối nguy do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với sức khỏe con người. Vì vậy, những năm qua, chương trình này được ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện.

Canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, chỉ đạo xử lý sinh vật gây hại trên lúa vụ Mùa 2024 ở huyện Cẩm Khê.

Giảm chi phí canh tác

Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng; giảm chi phí sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, từ nhiều năm nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã triển khai hiệu quả chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) mà hướng tiếp cận mới là quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên một số loại cây trồng tại các huyện, thị xã trong tỉnh. Để chương trình nhanh chóng “phủ sóng” đến các địa phương, những năm đầu, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã “khăn gói” về tận các khu dân cư thực hiện “ba cùng” với bà con nông dân. Với hình thức chuyển giao từ gần gũi nhất là cầm tay chỉ việc đến xây dựng giáo trình, lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài giảng, hướng dẫn cụ thể ngay trên vườn... đã giúp nông dân nắm bắt hiệu quả nội dung bài học.

Để tăng hiệu quả trên cây lúa vụ Mùa năm 2024, Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình đã triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp IPM gắn với dịch vụ BVTV trên giống lúa thuần chất lượng cao TBR 97 tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

Mô hình được triển khai có diện tích 5ha với 122 hộ nông dân tham gia. Các đối tượng tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón hữu cơ, thuốc, dịch vụ BVTV và hướng dẫn kỹ thuật áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh theo phương pháp IPM/IPHM. Theo đánh giá, mô hình thâm canh lúa TBR 97 áp dụng phương pháp này thân cứng, cây đẻ khỏe, thoát cổ bông tốt, ít sâu bệnh, hạt chắc mẩy đồng thời chất lượng gạo dẻo thơm ngon, năng suất đạt gần 63 tạ/ha, tổng thu bình quân đạt trên 65 triệu đồng/ha, cho lợi nhuận hơn 18 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Cùng với đó, thâm canh theo phương pháp này giúp người dân không phải tiếp xúc với thuốc BVTV, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài cây lúa, Chi cục còn thực hiện mô hình quản lý dịch hại trên cây bưởi gắn với dịch vụ BVTV tại HTX bưởi Tây Cốc, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng. Mô hình đã được áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp, thực hiện quy trình VietGAP và cho kết quả tốt. Sâu bệnh trong mô hình hại nhẹ hơn so với tập quán, số lần phun thuốc giảm, tăng lợi nhuận cho nông dân. Mẫu mã bưởi đẹp, tỷ lệ quả nám thấp, số lượng quả/cây, tỷ lệ quả loại A trong mô hình cao hơn so với tập quán. Nhận thức của thành viên HTX và Ban quản trị HTX về tổ chức sản xuất, xây dựng hình ảnh sản phẩm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật được nâng nên. Vùng sản xuất bưởi của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nga, Hoa Kỳ và nội tiêu, tạo nên giá trị mới, cao hơn cho sản phẩm bưởi trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Khải ở xã Tây Cốc là một trong những hộ được tiếp cận chương trình IPM từ những năm đầu cho biết: “Tham gia chương trình IPM trên cây bưởi, tôi đã được trang bị kiến thức về quản lý dịch hại cho cây trồng một cách có hệ thống để áp dụng vào sản xuất, do đó cây bưởi của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất quả vượt trội, mẫu mã quả đẹp, chất lượng được nâng lên”.

Chương trình IPM là phương pháp đào tạo theo hướng mở, giúp nông dân từ chỗ thụ động làm theo cán bộ kỹ thuật một cách máy móc trở thành chủ động thực hiện và lôi cuốn người khác cùng làm. Đây là mục tiêu mà IPM muốn đạt đến nhằm giúp người nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình.

Canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường

Ứng dụng kỹ thuật IPM trong canh tác chè trên địa bàn tỉnh góp phần mang lại năng suất cao, giảm chi phí, bảo vệ sức khoẻ con người.

Tăng lợi nhuận

Tỉnh Phú Thọ có diện tích gieo trồng hàng năm 105.600ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ 57.900ha, sản lượng đạt 331.000 tấn. Nhằm bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất an toàn, bền vững. Trong đó có Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng IPM/IPHM trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn đồng ruộng, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng mô hình ứng dụng IPM/IPHM trên các cây trồng chính, cây trồng có giá trị kinh tế cao, tổ chức hội nghị đầu bờ nhân rộng trong cộng đồng; hình thành và hỗ trợ phát triển các tổ dịch vụ BVTV, xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng...

Để bảo vệ môi trường sinh thái, giảm hóa chất sử dụng, từ năm 2023 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã mở 7 lớp đào tạo giảng viên TOT cho 210 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, HTX; 2 lớp huấn luyện nông dân cho 60 người tham gia, đồng thời triển khai 104 lớp tập huấn về sinh vật gây hại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trên cây trồng chính của tỉnh và 26 mô hình với trên 1.500 lượt nông dân tham gia. Tỷ lệ diện tích áp dụng chương trình IPM trung bình là 84%. Có thể nói, chương trình IPM/IPHM được tổ chức tập huấn và ứng dụng trong sản xuất đã có nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế. Bình quân 1ha lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả thâm canh khoảng 8 triệu đồng do tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thuốc BVTV, lượng phân bón hóa học, giảm lượng giống và nước tưới.

Để khắc phục khó khăn, ngành Nông nghiệp và PTNT, các huyện, thành, thị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, huyện để tổ chức cho nông dân trên địa bàn. Chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ, gắn với chứng nhận sản phẩm. Lựa chọn các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để xây dựng mô hình IPM/IPHM gắn với dịch vụ BVTV để giảm thiểu lượng thuốc BVTV, ô nhiễm môi trường, số người tiếp xúc với thuốc BVTV; gắn mô hình IPM/IPHM vào chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các chương trình, dự án hợp pháp khác...

Đồng chí Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Với sự lan toả ứng dụng IPM/IPHM trên diện rộng trong tỉnh đáp ứng những yêu cầu, điều kiện về cạnh tranh nông sản, an toàn thực phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả. Ứng dụng IPM/IPHM trên cây trồng là định hướng, giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chương trình giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khoẻ con người, môi trường sinh thái, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Hoàng Hương


Hoàng Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Sắc màu đêm Việt Trì

Sắc màu đêm Việt Trì
2024-10-31 15:07:00

baophutho.vn Tuổi thơ tôi là Việt Trì những năm 80 của thế kỷ trước. Không có nhiều những ngôi nhà cao tầng, không có đèn đường trong con ngõ nhỏ, không có...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long