Trong số 75 vụ án tham nhũng mà TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử trong 10 năm qua thì có tới 20 vụ/29 bị cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Công tác quản lý đất đai còn tình trạng lãng phí, vi phạm về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. “Tấc đất, tấc vàng” đang là thử thách đối với bản lĩnh đạo đức người cán bộ. Bác Hồ từng dạy "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" là việc cần làm, cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi nói về phòng chống tham nhũng phải “thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.
Trong số 75 vụ án tham nhũng mà TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử trong 10 năm qua thì có tới 20 vụ/29 bị cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Công tác quản lý đất đai còn tình trạng lãng phí, vi phạm về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. “Tấc đất, tấc vàng” đang là thử thách đối với bản lĩnh đạo đức người cán bộ. Bác Hồ từng dạy "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" là việc cần làm, cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi nói về phòng chống tham nhũng phải “thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.
KỲ 1: “ĐẤT VÀNG” VÀ NHỮNG TRÉO NGOE VỀ THỦ TỤC
Do vướng thủ tục mà đến nay Khách sạn Công đoàn vẫn chưa chuyển về tỉnh Phú Thọ quản lý
Khách sạn Công đoàn - khu đất vàng hai mặt tiền với diện tích hơn 500m2 là cái tên quen thuộc với rất nhiều người dân thành phố Việt Trì trong suốt hơn hai mươi năm qua. Khách sạn Công đoàn là tài sản công thuộc quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 2017, theo Nghị định 167 của Chính phủ về “Quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công”, Phú Thọ là địa phương được tiếp nhận bàn giao khu đất này. Tuy nhiên, đã sau nhiều năm, do những vướng mắc về thủ tục mà khu "đất vàng" vẫn chưa chuyển quyền sử dụng về tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, Khách sạn Công đoàn hoạt động không đúng mục đích ban đầu là tạo nơi nghỉ dưỡng cho đoàn viên công đoàn mà chuyển sang cho thuê kinh doanh, dịch vụ. Và nguồn tiền thu được từ việc cho thuê mặt bằng này cũng không "đổ về" ngân sách Nhà nước!
Khu đất và tài sản trên đất của Bảo hiểm xã hội Việt Trì trên đường Hai Bà Trưng “cửa đóng, then cài” đã vài năm nay
Cũng nằm ở vị trí đắc địa, trụ sở Bảo hiểm xã hội thành phố Việt Trì trên đường Hai Bà Trưng - phường Thọ Sơn trước đây thuộc tài sản công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo Nghị định của Chính phủ, khu đất 360m2 này cùng tài sản trên đất được chuyển quyền sử dụng về cho tỉnh Phú Thọ quản lý. Song, tòa nhà ba tầng trên khu đất vàng này đã “cửa đóng, then cài” nhiều năm nay. Tài sản công bỏ đó, khấu hao trôi theo thời gian nhưng UBND tỉnh Phú Thọ cũng như các đơn vị không thể sử dụng vì thủ tục chuyển quyền sử dụng đất chưa hoàn thành.
Sau khi có Nghị định 67 gỡ vướng, ngay trong năm 2021, công tác sắp xếp trụ sở, nhà đất công được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện. Đến năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.625 cơ sở nhà đất, gồm khối cơ quan, đơn vị và khối doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện thu hồi 122 cơ sở với 401 cơ sở nhà đất, chuyển giao về địa phương quản lý để góp phần chỉnh trang đô thị, đưa khối lượng nhà đất đó vào sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu lâu dài cho ngân sách Nhà nước.
Nhìn vào kết quả trên cho thấy số tài sản nhà đất công đã được chuyển giao và xử lý còn rất thấp, đến hết năm 2022 mới chuyển giao xử lý được 523 cơ sở trên tổng số 29.625 cơ sở, như vậy trên phạm vi cả nước còn tới 29.082 cơ sở đã được phê duyệt phương án cần phải chuyển giao hoặc xử lý nhưng chưa hoàn thành.
Tại thành phố Việt Trì, hiện còn 22 cơ sở với 101.355,9 m2 đất là trụ sở đất công của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn, hầu hết đều ở những vị trí đất vàng, có giá trị rất cao nhưng nay không sử dụng, thậm chí có trụ sở cơ quan đã chuyển cách đây nhiều năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp, gây lãng phí lớn về tài sản của Nhà nước như Trung tâm văn hóa thể thao TP Việt Trì, Bảo hiểm xã hội Việt Trì, Nhà máy thuốc trừ sâu, Khách sạn Công đoàn...
Lý giải về vấn đề tréo ngoe trong thủ tục quản lý, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Trần Văn Lưu - Trưởng phòng Quản lý giá và Công sản, Sở Tài chính cho biết: Theo quy trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan Trung ương trên địa bàn, UBND tỉnh đã có văn bản gửi bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất để Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, thành phố Việt Trì là đô thị loại I của tỉnh trực thuộc Trung ương, tất cả trụ sở, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đều đã theo lộ trình giai đoạn, bất cứ thay đổi gì cũng liên quan tới nhiều ngành và phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chứ không phải cấp tỉnh thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị: Hiện nay tiến độ sắp xếp, xử lý tài sản của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có một số cơ quan Trung ương đã được giao đất xây dựng trụ sở ở vị trí mới nhưng đến nay vẫn chậm bàn giao trụ sở nhà, đất cũ về cho địa phương quản lý, xử lý. Từ thực tiễn trên, tại diễn đàn Kỳ họp thứ Hai - Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện về thể chế, xem xét, phân cấp hoặc ủy quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị từ loại I trở xuống ở các vị trí đất thu hồi do sắp xếp sử dụng, quy hoạch giao thông và các vị trí độc lập không mang tính liên kết vùng. Có như vậy mới tránh được tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công!
Mới đây, Điều 13 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 12/7/2023 ghi rõ: Các Bộ, cơ quan Trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho UBND tỉnh (nơi có trụ sở) để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương. Đây là cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ việc chuyển giao tài sản công của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn.
Bên cạnh những lãng phí về tài sản công của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn, thì những lãng phí về trụ sở làm việc và nhà công vụ sau hơn ba năm sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại Phú Thọ cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Đó cũng là nội dung mà chúng tôi muốn đến đề cập tới ở kỳ sau.
>>> KỲ 2: LÃNG PHÍ TRỤ SỞ, NHÀ CÔNG VỤ SAU SÁP NHẬP
>>> KỲ 3: “LỬA THỬ VÀNG” BẢN LĨNH, ĐẠO ĐỨC NGƯỜI CÁN BỘ
>>> KỲ 4: NGĂN CHẶN THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ
Việt Hà - Huy Thắng - Ngọc Tùng
1:28:08:2023:16:16 GMT+7