Cập nhật:  GMT+7

Đạo đức nghề nghiệp của Nhà báo

Đạo đức nghề báo chính là những nguyên tắc, những chuẩn mực được hình thành trong các mối quan hệ ứng xử nghề nghiệp của nhà báo, được thể chế hóa, được nhà báo và dư luận xã hội thừa nhận, trở thành những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của nhà báo trong hoạt động thực tiễn nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp của Nhà báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh- Tấm gương sáng ngời về đạo đức nghề nghiệp của Nhà báo.

Trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của nhà báo là ba mặt của một vấn đề, hòa quyện, liên kết chặt chẽ, là điều kiện, là tiền đề của nhau, cùng hướng tới một mục tiêu duy nhất là hoàn thành tốt trách nhiệm của nhà báo với sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền Báo chí cách mạng Việt Nam, tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo cách mạng, đã chăm lo gây dựng, dìu dắt và rèn luyện đội ngũ những người làm báo nước ta, đồng thời là một nhà báo xuất sắc. Bác Hồ đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng quý báu với một hệ thống tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sâu sắc về thực tiễn và lý luận nghiệp vụ báo chí cách mạng cùng hàng nghìn tác phẩm báo chí mẫu mực đã được xuất bản.

Theo Bác, tiêu chuẩn đạo đức của nhà báo, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của nhà báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Bởi, đạo đức báo chí không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của luật báo chí hiện hành, mà còn là ý thức, trách nhiệm và phương châm hành nghề của tất cả những người làm báo cách mạng. Người đã dạy, “...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”.

Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo”. Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Bác đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái phát luật.

Kế thừa, vận dụng tư tưởng, quan điểm của Người vào đời sống thực tiễn, chúng ta đã có Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... điều chỉnh các hành vi của hội viên, nhà báo theo quy chuẩn xã hội và đã đạt nhiều kết quả khả quan, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, dù tổ chức Hội các cấp cùng các cơ quan báo chí đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh, siết chặt quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo, nhưng tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động báo chí vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều biểu hiện rất đáng lo ngại.

Cụ thể: Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sa vào khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, đăng tải những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều thông tin về mặt trái của xã hội - phản ánh quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội, gây dư luận xã hội bất an; chưa quan tâm phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.

Một số hội viên, nhà báo lợi dung danh nghĩa, “quyền lực báo chí” để trục lợi cá nhân; lợi dụng danh nghĩa “chống tiêu cực” để thực hiện hành vi tiêu cực. Dưới sức ép tài chính, không ít cơ quan báo chí, hội viên, nhà báo thông tin quảng cáo cho các sản phẩm, quảng bá thương hiệu theo hướng ca ngợi, tâng bốc một chiều, không chú trọng đến tính chân thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tiền bạc của người tiêu dùng, xói mòn lòng tin của công chúng... Nhiều hội viên lười đi thực tế mà sử dụng thông tin trên mạng xã hội, internet để sáng tạo tác phẩm báo chí, chạy theo thị hiếu tầm thường, câu like bằng những đề tài trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật...

Thực trạng đáng buồn trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu và trước hết bắt đầu từ người làm báo. Rõ ràng là mỗi người làm báo nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với bạn đọc, ý nghĩa tích cực của báo chí với sự phát triển xã hội và con người,... thì sẽ tự ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Do đó, để nâng cao vai trò, vị thế của báo chí cách mạng Việt Nam phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, mà để làm được điều này thì nhiệm vụ bắt buộc, mang tính chất quan trọng quyết định là siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo...

Trước hết, phải xác định rõ giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần được ưu tiên tập trung thực hiện của tổ chức hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta coi báo chí cách mạng là một mặt trận, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, người làm báo cần phải có tư tưởng chính trị vững vàng và tu dưỡng đạo đức cách mạng. Nhiệm vụ này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi cơ chế thị trường với nhiều thách thức đang được nhân lên bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội cạnh tranh gay gắt với báo chí truyền thống...

Nội dung giáo dục chính trị cho hội viên, nhà báo gồm: Giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình nhiệm vụ cách mạng; giáo dục làm rõ đối tượng, đối tác, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tinh thần cảnh giác cách mạng; giáo dục chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, của Đảng, của giai cấp; giáo dục pháp luật Nhà nước; giáo dục chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; giáo dục về đạo đức người làm báo; đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội... Không chỉ bó hẹp trong các hội nghị, hoạt động giáo dục này được thực hiện ngay trong quá trình tác nghiệp, tức là tạo ra sản phẩm báo chí cũng như trong quá trình tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm và giác ngộ của mỗi hội viên, nhà báo.

Đạo đức nghề nghiệp của Nhà báo

Đạo đức nghề nghiệp của Nhà báo quyết định uy tín, vị thế của mỗi cơ quan báo chí. (Ảnh minh hoạ)

Các hội viên, nhà báo sống, làm việc, chịu sự quản lý trực tiếp từ các cơ quan báo chí. Do đó, Hội Nhà báo phải có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt với các cơ quan báo chí để tăng cường và thường xuyên tiến hành công tác bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Bên cạnh những khóa bồi dưỡng chính quy, lãnh đạo cơ quan báo chí cần tạo điều kiện cho các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh... thường xuyên giáo dục cho đoàn viên, hội viên của mình về đạo đức nghề báo và nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức này về đạo đức nghề báo ngay trong cơ quan báo chí. Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải là tấm gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với tuyên truyền, giáo dục, vận động, lãnh đạo Hội, các cơ quan báo chí cần thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của hội viên, nhà báo theo đúng pháp luật, đúng quy định về đạo đức nghề báo, đúng các nguyên tắc tác nghiệp đã đề ra của cơ quan; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xấu, tiêu cực của hội viên, nhà báo, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Trường hợp hội viên, nhà báo có sai phạm về đạo đức nghề báo cần được xử lý nghiêm minh để phòng ngừa, răn đe. Mối quan hệ gắn bó giữa lãnh đạo Hội với các địa phương, cơ quan, đơn vị là kênh thông tin hữu hiệu trong việc nắm bắt từng động thái, hoạt động của các hội viên, nhà báo...

Nói cho cùng, chủ thể hoạt động, nhân tố mang tính chất quyết định đến hoạt động báo chí là các hội viên, nhà báo. Do đó, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp chỉ đạt hiệu quả, mục tiêu khi các hội viên, nhà báo thực sự xác định được vai trò chiến sĩ xung kích trên mặt tư tưởng - văn hóa của Đảng của mình; xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ để người dân hiểu được quyền và trách nhiệm của người chủ đất nước mà tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực tế cho thấy, một khi nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin cậy. Đây mới là yếu tố cốt lõi nhất trong đạo đức nghề báo và cũng là nền tảng vững chắc nhất của nền báo chí cách mạng.

Phương Đông


Phương Đông

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Giải thưởng ô nhục

Giải thưởng ô nhục
2024-11-23 09:05:00

baophutho.vn Đều đặn hàng năm, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam - tổ chức tự xưng có trụ sở tại bang California (Mỹ) lại đưa ra cái gọi là “Giải thưởng nhân...

Nết xấu không chừa

Nết xấu không chừa
2023-11-17 14:40:00

baophutho.vn “Đánh chết cái nết không chừa” là câu thành ngữ dùng để chỉ những kẻ ngoan cố, đã phải trả giá, bị trừng phạt nặng nề nhưng vẫn không biết ăn...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long