Cập nhật:  GMT+7

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh từ ngày 7-8/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to kèm dông, gây một số thiệt hại về tài sản, hoa màu. Đây là cơn bão được đánh giá có diễn biến phức tạp, hoàn lưu cơn bão rộng, có sức ảnh hưởng lớn nên công tác chủ động ứng phó trước và sau bão được các cấp, các ngành tập trung thực hiện.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Các lực lượng hỗ trợ Trường THCS Ngọc Lập (huyện Yên Lập) dọn dẹp cây đổ.

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, bảo vệ an toàn tài sản Nhà nước và tính mạng, tài sản của Nhân dân. Ngay từ sáng 7/9, khi cơn bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 3 tại một số địa phương trong tỉnh.

Tính đến 6 giờ ngày 8/9, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng, thiệt hại tại hầu hết các huyện, thành, thị trong tỉnh. Cụ thể, 2 người tại huyện Tam Nông và Thanh Thủy bị thương; 178 nhà dân bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái; 4 nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Về nông nghiệp, 21 lồng cá tại huyện Thanh Thủy bị vỡ; tại TP Việt Trì và các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Yên Lập, Phù Ninh nhiều diện tích lúa và hoa màu ngập đổ, cây xanh đô thị bị đổ, gãy. Thiên tai cũng khiến 9 trường học, 3 nhà văn hóa, nhiều cột điện hạ thế bị đổ... cùng một số thiệt hại khác.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Các lực lượng chức năng hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Xuân Huy - khu 2, xã Tề Lễ (huyện Tam Nông) di dời tài sản về vị trí an toàn.

Ngay sau khi nắm bắt tình hình, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tăng cường nhân lực, vật lực, huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất.

Yên Lập là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng trong đợt thiên tai này, có 121 nhà dân bị tốc mái, sạt lở 19.300 m3 đất đá; tốc mái, hư hỏng 7 nhà văn hóa, trường học, trụ sở làm việc UBND xã; trên 2.000ha lúa, ngô, cây lâm nghiệp bị gãy đổ, ngập úng. Với các hộ dân bị tốc mái, huyện chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Trước mắt, giúp các hộ dân bị tốc mái nhà, đổ tường nhà di dời đến khu vực an toàn. Với các hộ bị tốc mái một phần khẩn trương hỗ trợ lợp, dựng lại mái để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống trong thời gian tránh trú do mưa bão. Đặc biệt, với các trường học bị ảnh hưởng đang khẩn trương khắc phục để đảm bảo cho công tác dạy và học.

Mưa bão đã quật ngã cây, đổ vào mái nhà đa năng của trường THCS Ngọc Lập làm hư hỏng hoàn toàn khung sắt, mái tôn, gẫy hệ thống cột trụ. Thầy giáo Hoàng Đức Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lập cho biết: “Sau khi thiên tai xảy ra, nhà trường thống kê sơ bộ thiệt hại, báo cáo huyện, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời nhà trường có phương án chủ động khắc phục, huy động lực lượng giải phóng hành lang, đảm bảo học sinh quay trở lại học tập vào ngày mai.

Tuy nhiên, địa bàn xã còn một số đoạn đường vào khu bị ngập, chia cắt do ghềnh, suối. Chúng tôi theo dõi sát diễn biến thời tiết, căn cứ tình hình cụ thể để ra thông báo phù hợp nhất đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường học tập”.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Giáo viên trường Tiểu học Phượng Mao (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) dọn dẹp, vệ sinh nhà trường do ảnh hưởng bởi mưa bão để kịp đón học sinh quay lại trường.

Tại Thanh Thủy, toàn huyện có 9 phòng học, 21 nhà dân bị tốc mái, 6 hộ dân bị cây đổ vào nhà; 18ha lúa, ngô bị đổ gẫy và ngập úng cục bộ. Đặc biệt, toàn huyện có 20 lồng cá nuôi trên hồ Phượng Mao, xã Tu Vũ bị vỡ, 1 lồng nuôi cá trên sông Đà ở xã Đoan Hạ bị chìm, mất trắng trên 11 tấn cá thương phẩm. Ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện khoảng trên 5 tỷ đồng.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Các hộ nuôi cá lồng trên hồ Phượng Mao (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Ông Đinh Văn Lý - người nuôi cá lồng ở hồ Phượng Mao chia sẻ: “Từ khi có thông báo về cơn bão số 3 có nguy cơ đổ bộ vào khu vực đất liền, gia đình tôi đã gia cố, neo chặt lại hệ thống lồng bè. Tuy nhiên, do sức gió quá mạnh nên các lồng bị đứt dây neo, chằng bị vỡ”.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Lực lượng Công an huyện Thanh Thủy thu dọn cây cối bị đổ, bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn.

Được biết, ngay sau khi cơn bão xảy ra, lãnh đạo huyện Thanh Thủy đã cùng với lãnh đạo các địa phương trực tiếp đi kiểm tra thực tế, khắc phục, thống kê thiệt hại; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động các lực lượng hỗ trợ các hộ dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn và kịp thời đưa người bị thương đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện; giải phóng nhanh các cây bị đổ trên đường tránh gây ảnh hưởng đến giao thông trên các tuyến đường.

Cùng với huyện Thanh Thủy, huyện Thanh Sơn cũng sớm chủ động các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 3 như di dời 142 hộ ở các xã Yên Sơn, Thục Luyện, Sơn Hùng, Văn Miếu và thị trấn Thanh Sơn ra khỏi khu vực bị ngập nước và có nguy cơ ngập nước cao.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Lãnh đạo huyện Tam Nông cùng các lực lượng chức năng kiểm tra mực nước sông Bứa tại cầu Tề Lễ, xã Tề Lễ.

Huyện Tam Nông bị thiệt hại 8 nhà, trong đó có 1 nhà sập, 7 nhà dân bị tốc mái; gần 200ha lúa, hoa màu, chuối đổ gãy, ngập úng; 10 cột điện bị đổ gãy. Chúng tôi có mặt tại xã Tề Lễ, 1 trong 3 xã thuộc vùng trũng của huyện bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 gây khiến các hộ dân ở khu vực ven sông bị ngập do mực nước sông Bứa dâng cao.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Người dân xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) bó, buộc lại lúa bị gãy, đổ.

Toàn xã có 9 khu dân cư, trong đó có khu 2 và khu 9 có gần 30 nhà dân đã bị ngập và 120ha lúa, lúa hoa màu bị ngập úng. Ghi nhận tại địa bàn, từ sáng sớm 8/9, các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân đang tích cực vào cuộc, hỗ trợ các gia đình di dời người và tài sản về vị trí an toàn.

Đồng chí Đỗ Hùng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thông tin: “Trước tình hình mực nước sông Bứa tiếp tục dâng nhanh, 10 giờ sáng ngày 8/9 đã ở trên mức báo động 3, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nhất là 3 xã vùng trũng Tề Lễ, Quang Húc, Bắc Sơn tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả và hỗ trợ kịp thời các gia đình bị ngập di dời tài sản; tập trung dọn dẹp cây đổ ven đường để không ảnh hưởng đến giao thông. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, Xí nghiệp thủy nông Tam Nông khơi thông dòng chảy để tiêu úng bảo vệ sản xuất”.

Mưa dông cũng gây ảnh hưởng tới lưới điện, xảy ra 139 vụ sự cố điện khiến gần 739.800 lượt khách hàng bị ảnh hưởng. Ngành Điện đã nhanh chóng kiểm tra, đánh giá nhanh tình hình, lên phương án sửa chữa, khắc phục thiệt hại. Tính đến 11 giờ ngày 8/9 còn trên 59.400 khách hàng bị gián đoạn cấp điện, 17 đường dây chưa khôi phục được điện, công tác khắc phục, phát hiện sự cố vẫn đang được tiến hành để cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Nhân viên Điện lực Việt Trì khắc phục sự cố về điện tại trạm biến áp Công viên 3, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì.

Cơn bão số 3 hiện đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ, dự báo các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Phú Thọ còn mưa vừa, có nơi mưa to sau bão, các địa phương cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng thấp. Từ nay đến cuối năm khả năng vẫn còn những cơn bão, hoàn lưu bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh, vì vậy việc tích cực, chủ động các biện pháp ứng phó là cần thiết.

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa bão

Lãnh đạo xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao kiểm tra, khắc phục diện tích chuối bị thiệt hại trên địa bàn.

Theo đồng chí Trần Quốc Bình - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền các địa phương, các ngành, các tổ chức, cá nhân phải luôn chủ động, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cơ quan cấp trên và các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống, ứng phó khắc phục thiên tai.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các cơ quan chuyên môn về PCTT, đê điều, hồ đập. Trong đó, nội dung quan trọng nhất trong công tác phòng tránh chính là nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân, cộng đồng trong công tác theo dõi, cảnh báo, phòng chống và ứng phó; để người dân có thể tự chủ động trước khi chờ ý kiến của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Ghi nhanh của Nhóm PV Kinh tế


Ghi nhanh của Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long