Gần 6 giờ sáng, tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Đoan Hùng, không khí chuẩn bị cho buổi tuần tra diễn ra khẩn trương. Bản đồ, máy định vị GPS, ống nhòm, la bàn, nước uống... được các kiểm lâm viên chuẩn bị và không quên tập huấn cho chúng tôi những kỹ năng cơ bản khi đi đường rừng. Qua câu chuyện ban đầu, giới thiệu, hỏi thăm... chúng tôi được biết Hạt Kiểm lâm huyện có 7 thành viên trong đó 1 Hạt trưởng, 1 Phó Hạt trưởng, 1 Trạm trưởng và 4 cán bộ. “Mọi thành viên ở Hạt phải trực 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết cũng không ngoại lệ. Khi có việc đột xuất lãnh đạo Hạt và kiểm lâm viên phải có mặt tại hiện trường bất kể đêm khuya hay thời tiết mưa bão” - đồng chí Trần Quốc Toản, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đoan Hùng chia sẻ khi hành trình tuần rừng bắt đầu.
Điểm đến là khu rừng phòng hộ do Trung tâm Thực nghiệm Lâm sinh Quế Lâm (thuộc Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ) quản lý nằm trên núi Gành Đồng, xã Phú Lâm, cách trụ sở Hạt Kiểm lâm hơn 10km. Vừa chặt bớt dây leo, cây bụi mở lối, vừa phát cho mỗi người một đoạn gậy để xuống dốc cho an toàn, đồng chí Đặng Quang Huy - cán bộ Trung tâm dặn dò: “Hôm nay trời khô nên vắt ít, nhưng đường trơn và dốc, mọi người cẩn thận nhé”.
Nằm trọn vẹn trong một thung lũng nhỏ, Trung tâm Thực nghiệm Lâm sinh Quế Lâm hiện được giao quản lý, bảo vệ hơn 800ha rừng trong đó có gần 35ha rừng phòng hộ đang được khoanh nuôi, tái sinh. “Để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng được giao, chúng tôi thực hiện tuần tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, tuân thủ phương châm bảo vệ rừng tại gốc. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng” - đồng chí Đặng Quang Huy chia sẻ.
Mặc dù không phải lần đầu đi rừng nhưng với độ dốc lớn cùng lớp lá mục dày đặc, trơn trượt khiến hành trình của chúng tôi trở nên vất vả hơn nhiều. Càng đi sâu vào rừng, cây cối càng rậm rạp, không còn dấu vết của lối mòn. Sau gần một kilômét vượt dốc, chúng tôi đến khu vực có những thân cây Dổi, Ngát, Mí, Đinh... cao lớn sừng sững, có cây gốc to đến 2–3 người ôm mới xuể. Nhìn từ dưới gốc cây lên tán lá mà chỉ thấy ánh nắng len lỏi vài tia mỏng manh rọi xuống.
Dừng chân nghỉ cạnh một gốc Ngát to hơn hai vòng tay người lớn, đồng chí Nguyễn Văn Bằng - kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã chia sẻ: Một ngày tuần rừng của lực lượng kiểm lâm thường bắt đầu từ 5-6 giờ sáng và chỉ kết thúc khi mặt trời đã khuất sau đỉnh núi hoặc lúc màn sương lạnh buông phủ khắp rừng già. Mùa này còn dễ đi rừng, chứ vào mùa rét, mùa mưa thì cực lắm. Rừng ẩm ướt, đường trơn trượt, vắt, muỗi thì nhiều vô kể.
“Anh em bây giờ bảo vệ rừng cũng phải học công nghệ. Phần mềm mới cài đặt được cả trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, hỗ trợ đo đạc, xác định trạng thái rừng, tên chủ rừng, loại cây, năm trồng, trữ lượng... Giúp phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường, đồng thời hỗ trợ giảm sức người đáng kể” - đồng chí Bằng cười nói.
Có công nghệ, việc tuần tra rừng ngày càng hiệu quả hơn nhất là ở những khu vực hiểm trở hoặc khi xảy ra cháy rừng, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, cốt lõi vẫn là con người, những kiểm lâm viên bám trụ giữa đại ngàn, lặng thầm ghi nhớ từng lối rẽ, từng vạt rừng, từng dấu vết khả nghi dù là nhỏ nhất.
Không chỉ tuần tra, kiểm tra rừng theo định kỳ, lực lượng kiểm lâm huyện còn thường xuyên phối hợp với địa phương các khu, thôn; trực tiếp xuống địa bàn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời chia sẻ kiến thức kỹ thuật về trồng và chăm sóc rừng trồng, hướng tới hiệu quả kinh tế rừng bền vững.
Ninh Giang - Hà Trang
2:27:05:2025:09:19 GMT+7