
{title}
{publish}
{head}
![]() |
Sản xuất mành trúc xuất khẩu. |
Nhiều người cùng tuổi Mậu Tý với Quỳnh đã sớm bước vào thời kỳ tranh thủ thu hái, tận hưởng sau bốn vòng quay của mười hai con giáp. Mà sao con người đã đạt tới mức no đủ, đã quá nửa chặng đời tích cóp này cứ lọ mọ tìm đường cho sự tồn vinh nghề nghiệp đến quên cả sung sướng, hưởng thụ? Là số trời hay còn là một cái gì nữa của say mê tự đốt cháy mình? Đốt đến bao giờ, khi bản thân đã trải một chặng đời than tro bùn đất theo đúng nghĩa của nó. Phải chăng đó là nỗi truân chuyên của người có chữ, có chút học hành trót đeo đẳng nghiệp kinh doanh?
Năm 1970, đỉnh cao của chiến tranh giặc Mỹ, đang học dở dang năm thứ 3 Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, Quỳnh nhập ngũ. Rồi sang Lào. Rồi bị thương trong chiến dịch đường 9. Rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối bảy sáu, ra quân, học tiếp khoa tiếng Trung trường cũ. Ra trường, tiếng Trung ế ẩm. Các trường phổ thông bỏ môn Trung văn. Giáo viên tiếng Trung thất nghiệp. Quỳnh về quê tìm việc, gõ cửa đủ các cơ quan từ Đài phát thanh tỉnh đến các nhà máy mì chính, hoá chất Việt Trì… Họ hứa xếp cho chân bảo vệ, ăn lương bảo vệ. Thật ngán. Làm sao chữ nghĩa lại rẻ rúng đến thế. Quỳnh không nhận. Thế là bắt đầu một cuộc hành trình lầm than, thành gã vét than. Hồi đó, mênh mông những bãi than xỉ của các nhà máy điện, máy đường, miến mì chính, Dệt của thành phố bụi là nơi kiếm sống của đủ hạng người và của anh giáo tiếng Trung thất nghiệp này. Anh vét than xỉ, sàng than, gom nhặt bán cho các lò gạch và quy đổi từ than sang gạch. Rồi đưa gạch lên miền ngược đổi lấy thóc gạo, củi đuốc, phên nứa chuyển về xuôi bán cho người ta làm lán, làm cáng, làm mái chợ tạm. Rồi lại đem gạch xuống miền biển đổi cá mắm, nước mắm quay lên mạn ngược. Lao vào vòng xoáy thương trường, Quỳnh thành gã cai than, thành gã chạy vật tư thực thụ. Anh tự phát hiện ở mình năng khiếu thương mại. Anh huy động, tổ chức mấy chục công nhân sàng than cho anh. Rồi tích cóp, vay mượn mua 3 chiếc xe bò kéo, vừa cho thuê, vừa vận chuyển than gạch, vật liệu đi các vùng lân cận. Anh khôn dần, biết tính dần theo đúng lời người xưa dạy “học khôn đi lính, học tính đi buôn!”. Đi để mà khôn ra. Quỳnh tổ chức khai thác, vét bã đất đèn từ hồ lắng của nhà máy hoá chất, trộn với than xỉ đóng gạch ba banh bán. Rồi lấy bã sắn của các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Yên Kiện, Tây Cốc, Đoan Hùng chở về đào hố ủ chua, tích trữ, bán dần làm thức ăn cho lợn. Cái thời nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, giáo viên, công chức nuôi lợn, có lợn bán là có bạn lớn. Quỳnh sống được, một thời cũng nhờ than lợn bã sắn.
Rồi anh lọt con mắt xanh của ông Hoàng Mạnh Hùng – Chủ nhiệm HTX Sao Đỏ Việt Trì và được ông nhận vào làm cán bộ vật tư.
Đó là cú “đề-pa” đầu tiên tạo cơ hội cho một cuộc đời lam lũ lao đi, lớn lên, vươn tới. Bây giờ nghiệm lại, ông chủ Phú Cát thấy quãng đời than gạch bã sắn không uổng phí. Hồi đó, có một cụ già tóc bạc như thể tiên ông qua đường giữa trưa hè nắng nôi, thấy Quỳnh đang dỗ con, ghé vào xin nước. Anh pha nước chanh mời cụ. Uống xong, cụ nhìn Quỳnh rồi phán về hậu vận. Cụ bảo rồi đây anh sẽ nhiều tiền, sẽ có việc làm. Cụ dặn phải đợi đến lần thứ ba người ta đến mời hẵng đi. Quả nhiên, sau đó ít ngày, ông Hùng Chủ nhiệm Sao Đỏ đến nhà nói với bố đẻ anh là cụ Nguyễn Bá Lưu - Đảng viên đầu tiên, Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Thanh Nga (Cẩm Khê), nguyên trưởng phòng Tài chính Việt Trì, người đến nay đã 60 tuổi Đảng, khuyên Quỳnh nhận lời làm cán bộ vật tư cho HTX của ông. Đúng là hai lần trước ông Hùng sang mời Quỳnh đều vắng nhà. Sau hôm đó, đời Quỳnh sang trang.
Những vất vả kiếm ăn nuôi mình, nuôi con có cả bàn tay người vợ đảm đang của anh. Vợ Quỳnh – Kỹ sư Hoàng Thị Hải, tuổi Canh Dần, tốt nghiệp Bách khoa vô tuyến điện, chuyên ngành máy tính đầu tiên của cả nước, cán bộ Cục thống kê tỉnh, một người vợ rất mực yêu chồng, thương con. Nhiều lúc nhìn chồng vất vả, nhọ nhem than bụi, chị ứa nước mắt. Những chiều rét mướt, Quỳnh lội ao, vượt bùn thả rau muống bè thật tội. Có đêm, Quỳnh lội đồng thâu canh, nhủi tôm giữa cánh đồng nước ngập Đồng Lực giáp đầu cầu Việt Trì. Nước ngang ngực, buốt cắt thịt xương, có đưa lên bàn mổ cũng không cần gây tê, mà anh chồng cứ bì bõm nhủi đẩy để mờ sáng đem về bát tôm riu cho vợ rang, kho, làm mắm. Thời ấy chỉ một bát canh cải mắm tôm, một niêu dưa sắn tôm riu, một đĩa khế chua kho tép cũng đủ để cả nhà sụp soạp, cũng thêm chút ca lo cho lũ trẻ ngồi học thâu đêm. Và cũng thời rau dưa ấy, Quỳnh vừa chạy vật tư, cho HTX Sao Đỏ vừa học thêm Đại học kinh tế quốc dân. Anh đã tốt nghiệp thủ khoa, đỗ xịn bằng chính sức học của mình. Bây giờ, cả 6 vợ chồng cái con đều qua đại học chính quy, đều phương trưởng. Ấy là phúc lớn của một gia đình biết đầu tư cho chữ.
Lận đận bước đời, leo những nấc thang của lương tâm đạo đức, đâu phải đời này ai cũng dễ đạt được. Còn lương tâm, còn đạo đức, con người sẽ bền bỉ bình tĩnh vươn lên. Năm 1989, Quỳnh được bầu làm Chủ nhiệm HTX dệt xuất khẩu Phú Cát. Rồi làm Chủ tịch HĐQT. Quỳnh có dịp trả nghĩa cho nhiều người. Không chỉ con trai ông Hùng Chủ nhiệm là Hoàng Cao Sơn được mời vào làm kế toán trưởng, nhiều anh em từng vét than, bốc bùn với anh thời hàn vi cũng được vào làm xã viên Phú Cát. Anh không để mất niềm tin của họ, không biến họ thành xã viên đói việc, đói lương, không trốn đóng bảo hiểm xã hội, không cắt xén tiêu chuẩn của họ. Đó là điều tâm niệm suốt quãng đời Quỳnh làm ông chủ Phú Cát.
Giữa lúc khắp nơi các công ty kinh doanh tổng hợp, tổ hợp, HTX hợp nhất, liên doanh rộ lên rồi vỡ, Phú Cát vẫn đứng vững. Đứng vững suốt 25 năm cho tới tận bây giờ. Đó là chút cố gắng của xã viên và người chèo lái. Buổi đầu, Phú Cát chỉ gia công dệt xô màn, khăn mặt, làm thảm đay cho Công ty vật tư tổng hợp tỉnh và Công ty thương nghiệp Việt Trì. Sau vươn lên làm hàng xuất khẩu trả nợ Đông Âu. Thị trường Đông Âu vỡ, Phú Cát liểng xiểng bên bờ vực thẳm. Xã viên như đàn ong sắp vỡ tổ. Thì cũng là lúc vốn tiếng Trung bị bỏ bẵng lâu nay của Quỳnh có cơ hội đắc dụng, hữu ích.
Một lần về Hà Nội, qua phố Hàng Mành, Quỳnh tình cờ gặp mấy doanh nghiệp Đài Loan thăm cửa hàng mĩ nghệ của ta. Họ khen mành nứa tre xuất khẩu thủ công của ta đẹp. Họ cần tìm đối tác. Quỳnh trao đổi bằng tiếng Trung với họ. Hai bên gặp nhau. Quỳnh mời họ lên Việt Trì bàn hợp tác làm ăn. Đài Loan hứa cho Phú Cát mượn 10 máy dệt mành. Phú Cát cam kết xuất toàn bộ hàng dệt xuất khẩu cho họ bao tiêu. Phú Cát dệt được cả thảm len xuất khẩu.
Chương trình xuất khẩu mành cao cấp mở ra. Năm mươi xã viên Phú Cát được đưa vào vùng miền núi Thanh Sơn, Yên Lập lập lán, chẻ nan. Chủ nhiệm Phú Cát lại về miền biển tìm thầy hướng dẫn kỹ thuật và đưa cá khô, nước mắm lên đổi nứa nguyên liệu. Hợp đồng làm ăn với Đài Loan thông đồng bén giọt.
Đúng dịp phong trào liên doanh với nước ngoài nở rộ, Đài Loan muốn cùng Phú Cát lập liên doanh với điều kiện: Hội đồng quản trị gồm 5 người, có ba Đài Loan, 2 Phú Cát. Quỳnh đòi cơ cấu ngược lại. Đối tác không chịu. Quỳnh lùi một bước, chấp thuận Phú Cát 2 người tham gia Hội đồng và khi bàn định công việc, ít nhất phải có một phiếu của Phú Cát đồng ý thì Nghị quyết của HĐQT mới có hiệu lực. Đối tác không chấp thuận. Liên doanh không thành. Thật phúc cho Phú Cát. Nếu cứ lệ thuộc vào vốn, ào ào liên doanh chắc chắn Phú Cát sẽ bị đối tác nuốt chửng.
Thế là mọi sự cam kết chỉ dừng lại ở mức hợp tác làm ăn. Đối tác cho Phú Cát mượn máy trong thời hạn 3 năm. Phú Cát tiếp tục bán tất cả hàng xuất khẩu cho họ theo giá thoả thuận. Phú Cát ăn nên làm ra. Hết thời hạn, Phú Cát không phải mượn máy của họ nữa mà đã dành 3 tỷ đồng mua 10 máy kỹ thuật cao, dệt được cả mành gỗ. Mức tiêu hao điện của mỗi máy giảm từ 7 kw xuống còn 1 kw/giờ. Mành xuất khẩu không chỉ tre nứa mà còn thêm gỗ. Đã mở ra 366 mẫu mã khác nhau được kết tinh từ hàm lượng trí tuệ và kỹ thuật cao. Nguyên liệu cho mành cao cấp rất phong phú. Đó là cây cỏ và lá rừng, là đay, gai, tế, guột, cói, rơm và cả bèo tây cùng nhiều loại gỗ như bồ đề, trám, trẩu… Thị trường xuất khẩu của Phú Cát mở rộng ra 15 nước: Anh, Ấn, Ai len, Ca na đa, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, Úc, Tây Ban Nha, Pê ru, Nhật, Mỹ… Doanh số đạt cả triệu đô la/năm.
Những năm hợp tác với Đài Loan, ông chủ Phú Cát đã lặng lẽ học kinh nghiệm quản lý và chất xám kinh doanh của họ. Học như người tập đi cho vững rồi mới chạy. Học như nàng dâu biết làm tròn bổn phận trước khi lên chức mẹ chồng. Nghĩa là đời thợ, phải học nghề cho vững rồi mới thành thầy. Ngộ được điều giản dị này, ông chủ Phú Cát như có chiếc chìa khoá vàng trong tay để mở cửa bước vào thời hội nhập.
Bài học nhãn tiền về sự đổ vỡ của hàng loạt dự án bò sữa, mía đường, cà phê khắp đây đó khiến Phú Cát thận trọng hơn trong quan hệ với đối tác. Nhưng thận trọng không có nghĩa là không dám bước hoặc rón rén tập đi. Như người cầm sào đi trên dây, càng run rẩy, càng chú mục vào cái chân bất động, càng cứng người, càng dễ ngã. Suy rộng ra là phải uyển chuyển, phải vừa đi vừa chuẩn bị cho tương lai. Ví như Singapo chẳng hạn. Họ thiếu nguyên liệu, thiếu cả nước ngọt để dùng. Họ đã lặng lẽ cải tạo và đầu tư công nghệ lọc nước thải thành nước sạch để phòng khi đối tác bất ngờ cắt cung cấp nguồn nước sạch theo hợp đồng ký kết thì họ đã có đủ nước để dùng. Cũng như hiện nay con người đang chen chúc sống nhờ, ăn nhờ vào đất, chưa đủ điều kiện bồng bế nhau lên mặt trăng để ở, thì cũng phải nghĩ đến cái ngày nguồn nước ngầm của quả đất bị vắt kiệt, nếu không có công nghệ chế biến nước biển thành nước ngọt thì sẽ sống ra sao. Nghĩ vậy, ông chủ Phú Cát hình dung tới một ngày nguồn nguyên liệu cho dệt xuất khẩu của ông lâm vào tình trạng ấy, bèn lặng lẽ sang nước bạn khảo sát. Hoá ra Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam (Trung Quốc) rất sẵn nguyên liệu, cũng rất dễ mua. Bạn cũng có nhiều xí nghiệp địa phương, nhiều doanh nghiệp nhỏ miền núi, nhiều tổ hợp gia đình sản xuất mành. Trình độ kỹ thuật mới ở mức sơ chế. Họ có thể thành vệ tinh tầm xa của Phú Cát nếu ta biết hướng dẫn thêm kỹ thuật và đầu tư chất xám cho họ. Quỳnh qua lại tìm hiểu và làm được điều đó. Người ta coi Quỳnh như sư phụ. Và khi biết anh là người Việt Nam, họ càng vị nể, kính trọng hợp tác.
Cập tuổi 60, quỹ thời gian của ông chủ Phú Cát đã eo hẹp. Ông sẽ phải đào tạo và chuyển giao thế hệ. Phú Cát phải tiếp tục ăn nên làm ra. Phú Cát đã có 12 thành viên cơ sở vệ tinh, tạo việc làm cho cả ngàn lao động, kể cả những đối tượng khuyết tật, người nghèo và con em cựu chiến binh. Việt Trì, nơi đứng chân của Phú Cát, sẽ trở thành thành phố du lịch lễ hội về với cội nguồn dân tộc. Dự án phát triển thủ công mĩ nghệ gắn với du lịch lễ hội làng nghề sẽ tạo cơ hội cho Phú Cát phát triển. Nhưng, để nới thêm 2 héc ta đất làm nhà xưởng cho nó dù là ở ngoài bờ sông, nghe đâu còn ì ạch lắm. Cứ chân chỉ hạt bột mà không kèm theo cái đầu tiên thì có năng đi lại lên xuống đến đâu cũng chỉ là nhạt nhẽo, hứa suông, không dễ gì bôi trơn được. Chổi dài quét được mạng nhện xa mà khi lia vào chốn gầm bàn cứ phải loay hoay quờ quạng. Ấy là nét u uẩn chợt vương lên trên gương mặt ít cười của ông chủ Phú Cát. Rồi ông sẽ nghỉ hưu. Tất nhiên không đến nỗi phải xin ngồi chân gác cổng hoặc giữ ghế thường trực hờ của Phú Cát sau này. Cũng chưa đến lúc ngồi viết hồi ký như một số chính khách nước ngoài sau hồi mãn nhiệm. Ông sẽ làm phiên dịch tiếng Trung cho Phú Cát. Sẽ mở lớp dạy tiếng Trung giúp lớp trẻ có cơ hội làm ăn. Đó là ước nguyện giản dị hợp với sức vóc và vốn liếng tích luỹ của đời ông.
Gần đây, Đất Tổ Phú Thọ có 3 doanh nhân văn hóa được tôn vinh. So với cả nước thật chưa nhiều. Chưa nhiều mà để sót dù là một doanh nhân như ông Chủ nhiệm Phú Cát đây chẳng hạn, cũng là điều đáng suy nghĩ lắm thay. Cao Văn Định
Nghề làm chiếu mành cọ ở xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng từng nổi tiếng khắp vùng. Trải qua những thăng trầm, giờ đây nghề làm chiếu mành cọ phủ Đoan đang chững ...
Người Lào xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên tỉnh Lào Cai hiện có 492 hộ, 2.372 nhân khẩu sống ở 4 bản. Nghề dệt vải truyền thống là niềm tự hào của dân tộc Lào. ...
Mặc dù, bản sắc văn hóa truyền thống của không ít đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng cộng đồng người Dao họ tại thôn Trà Chẩu, xã ...
Trong xu thế đời sống hiện đại, các sản phẩm làm ra từ công nghiệp được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động, sản xuất. Nhưng đối với bà con đồng bào dân ...
Năm 2024, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối diện nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các thị trường nhập khẩu đưa ra những ...
Trồng lanh, dệt vải là nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) nói riêng và đồng bào Mông ở nhiều nơi nói ...
Ở thị trấn Yên Cát (Như Xuân), người ta gọi ông Lê Văn Cứu là “nhà văn hóa”, bởi những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Thổ ...
Thực hiện Nghị định số 31/2022 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, ...
baophutho.vn “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10/3” - câu ca như lời nhắc nhớ mỗi người con đất Việt dù công tác, làm việc hay học tập ở bất kỳ...
baophutho.vn Từng là dự án nhà ở xã hội thuộc hàng “top” của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2020, thế nhưng, hiện nay, Khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp...
PTO- Tính đến tháng 10-2007 dự án đầu tư xây dựng khu rừng Quốc gia Đền Hùng đã có thời gian được phê duyệt 5 năm và hơn 4 năm triển khai thực hiện xây lắp các hạng mục công trình.
PTO- Quy định của Nhà nước đối với cán bộ CNVC nói chung và giáo viên nói riêng, trong thời gian chờ chế độ BHXH sẽ được cơ quan cho nghỉ và vẫn được hưởng nguyên lương.
PTO- Khoảng 8h30' ngày 17-9, khi lãnh đạo, cán bộ và đông đảo các gia đình xã Yên Kiện (Đoan Hùng) tập trung tại trụ sở UBND dự hội nghị biểu dương các gia đình dân tộc Cao Lan...
PTO- Đèo Cón dài gần chục cây số quanh co trên quốc lộ 32C nối Phú Thọ với Sơn La, thuộc địa bàn xã Thu Cúc (Tân Sơn). Nằm trên những vực sâu hun hút thuộc dãy Hoàng Liên Sơn,...
PTO- Thượng Cửu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây còn nghèo, đất canh tác ít, điều kiện giao thương buôn bán hạn chế...
PTO- Một trong những mục đích chính của người lao động khi rời quê đến làm việc tại khu công nghiệp là kiếm tiền, tiết kiệm gửi về cho gia đình và dành dụm một phần lo cho tương lai.