Người làm câu đối cả bốn mùa

PTĐT - “Cuộc đời tôi cả đời sống bằng chữ. Tôi sống thanh thản, thoải mái, giàu cảm xúc, không giận hờn, oán trách ai. Tất cả suy nghĩ chỉ dồn vào chữ nghĩa”. Đó là những chia sẻ của bác Phan Chúc – nhà thư pháp, câu đối lão làng của tỉnh.

Nếu có dịp đến thăm nhà bác Phan Chúc, ấn tượng đặc biệt đầu tiên sẽ là một “không gian rất văn hóa” với ngập tràn những câu đối quanh nhà.

Một số tác phẩm câu đối thư pháp của tác giả Phan Chúc.

Từ khi mới 6 tuổi, cậu bé Phan Chúc thường được châm trà pha nước hầu bố và các nho sĩ khác bàn luận chuyện văn thư. Khi ấy chữ Nho còn thịnh, các nho sĩ hay đến nhà nhau hàng tháng trời để ngẫm câu đối. Câu đối hay phải đối “chan chát” từng từ, từng chữ, từng ý, cả câu. Mỗi vế của câu được ví như một con ngựa, hay một ngọn nến; đã chạy là phải chạy song song, đã đốt là phải cháy cùng lúc. Câu đối khi đó là một phần không thể thiếu của đời sống dân gian, được coi là thú chơi tao nhã của người trí thức và là một nhu cầu văn hóa trong sinh hoạt xã hội. Người dân dùng câu đối để diễn tả cho mọi sự kiện đặc biệt của cuộc đời. Nhất là dịp Tết đến, xuân về; mỗi nhà đều phải có một đôi câu đối đỏ dán trước cổng. Hay tại nơi thờ tự của mỗi dòng họ đều phải có vài cặp câu đối nghiêm trang, khí phách. Từ những điều như thế, câu đối đã trở thành niềm đam mê cả đời của bác Phan Chúc – trở thành ý nghĩa lớn lao để cả cuộc đời bác theo đuổi và suy ngẫm. Bắt đầu làm câu đối từ năm 10 tuổi, cho tới suốt quãng đời trưởng thành, vượt qua cả giai đoạn câu đối tưởng như “tiêu vong” cùng với Nho học khi cuộc sống bước vào thời kì hiện đại; tình yêu và sự nghiệp sáng tác câu đối của nhà câu đối Phan Chúc chưa bao giờ ngừng lại dù chỉ một khắc.

Nhà câu đối Phan Chúc viết sớm và viết nhiều câu đối, trong đó có những câu được giới chuyên môn đánh giá là tuyệt tác. Từ những năm 1975, những câu đối của bác Phan Chúc bắt đầu xuất hiện ở các cuộc thi viết câu đối. Cho tới năm 1999, bác Phan Chúc là một trong những tác giả hiếm hoi đã có hơn 500 bản sách mang tên “Câu đối Phan Chúc” được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản. Trên các số báo Xuân của báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao động, Văn nghệ và trên báo địa phương các tỉnh đều có thể thấy tên tác giả Phan Chúc đề dưới nhiều câu đối. Các câu đối của bác Phan Chúc không chỉ có nội dung mừng Đảng, mừng xuân, mong chờ những tương lai tốt đẹp mà còn đi sâu vào nội dung từng ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống. Từ những chủ đề rất khó đối như giao thông vận tải, môi trường sinh thái… thậm chí cả tới kế hoạch hóa gia đình đều được nhà câu đối Phan Chúc tìm tòi để sáng tác. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương sinh thời đã từng nhận xét về tác giả Phan Chúc: “Anh làm câu đối cả bốn mùa và với đủ các ngóc ngách xã hội, các khía cạnh sáng, tối của đời thường.” Một số câu đối được coi là cực chỉnh của tác giả Phan Chúc phải kể tới là:

“Xiết chặt khối đồng tâm – sáng tạo không ngừng – đưa đất nước vươn theo đà mới.”

“Nâng cao bầu nhiệt huyết – thi đua liên tục – cùng nhân dân sải tiếp đường xuân.”

Hay là câu đối:

“Vì cuộc sống ấm no – toàn dân lo xóa đói giảm nghèo – theo đường lối chủ trương Đảng mở.”

“Cho non sông tươi đẹp – cả nước quyết trừ tham diệt nhũng – vâng lời khuyên điều dạy Bác mong.”

Khi xuống nét họa thư pháp, lực tay phải vững, nét bút khoáng đạt vững chãi.

Nói về nguyên tắc sáng tác câu đối của mình, ông cho rằng những ý tứ đều phải xuất phát từ đời sống, bám sát hiện thực cuộc đời. “Bút tâm tư hợp nhất/Thư pháp khởi tinh hoa”. Bởi cũng luôn tâm niệm câu đối là một phần hồn phách của nghệ thuật văn chương cho nên cũng giống như các thể loại văn học khác, câu đối càng ngày phải “hiện đại” hơn để thể hiện được những biến chuyển của đất nước.

Khi nhắc tới danh xưng “nhà câu đối” – tác giả Phan Chúc vẫn cười lắc đầu không nhận. Bởi với ông: “Cuộc đời tôi, được là người yêu câu đối, yêu thư pháp… thì như thế đã là quá đủ”.

Huy Lê

3:27:03:2019:09:50 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM