Trên vùng đất này, từ xa xưa, người dân đã có thói quen trồng các loài cây cổ thụ quanh đền chùa, điện miếu, dọc các con đường làng hay ven cánh đồng. Không đơn thuần là tạo cảnh quan hay bóng mát, những cây cổ thụ ấy còn mang giá trị văn hóa - tâm linh đặc biệt, thể hiện sự kính ngưỡng tổ tiên, lòng tri ân thần linh và cả tri thức dân gian về phong thủy, canh tác, thủy lợi.
Đến nay, cây Thị đã trải qua hơn một thiên niên kỷ tồn tại nhưng vẫn sừng sững vươn cao giữa đất trời. Chu vi thân cây đo được khoảng 7,96m, phần gốc xù xì, thô ráp giáp mặt đất có rễ bạnh rộng đến 11,5m. Chiều cao từ gốc đến ngọn lên tới 18,45m, năm người trưởng thành vòng tay ôm cũng chưa khép được gốc cây. Cây đã trở thành một “cụ già” trầm mặc giữa không gian linh thiêng, nhưng vẫn căng tràn nhựa sống.
Một điểm độc đáo khiến bao người kinh ngạc là cây Thị này năm nào cũng đơm hoa, kết trái, chưa từng “mất mùa”. Trên cùng một cành, cây cho ra hai loại quả: Loại tròn có hạt và loại dẹt không hạt, người làng gọi là “thị men”. Hoa nở thơm ngát mỗi độ xuân về, trái chín vàng óng mỗi mùa thu đến, là món quà thiên nhiên quý giá tặng cho bao thế hệ cư dân Dị Nậu.
Chu vi thân cây đo được khoảng 7,96m, phần gốc xù xì, thô ráp giáp mặt đất có rễ bạnh rộng đến 11,5m.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, cây Thị đã có mặt nơi đây từ thời Đinh Bộ Lĩnh (thế kỷ X).
Không chỉ quý hiếm bởi tuổi thọ và khả năng sinh trưởng kỳ diệu, cây Thị còn khiến du khách thập phương phải sửng sốt trước “tác phẩm điêu khắc” tuyệt mỹ của tự nhiên. Ở phần gốc cây, phía Tây - Nam, ở độ cao tầm đầu người, những bìu gỗ, u cục kỳ lạ đã tạo nên hình tượng một đôi voi mẹ - voi con đang quấn quýt bên nhau.
Đôi mắt ngọc, chiếc vòi dài thon thả, mọi đường nét đều tự nhiên một cách hoàn hảo đến mức khó tin. Không xa đó là hình ảnh hai chú voi khác nhỏ hơn, như đàn con đang quây quần bên mẹ. Người làng vẫn gọi đó là “kỳ tích của đất trời”. Những đường nét sống động ấy không ai tạo tác, không ai chạm khắc - chúng hoàn toàn do sự bồi đắp của thời gian, nắng mưa, gió bụi, và dòng nhựa sống mãnh liệt của cây Thị tạo thành.
Hình con nai trên thân cây thị.
Phải chăng, đó là lời gửi gắm của thiên nhiên về sự gắn bó, về tình mẫu tử thiêng liêng, hay cũng là biểu tượng cho lòng trung thành, sức mạnh và sự bảo trợ linh thiêng của thánh thần với mảnh đất này?
Cách đây 2 năm, một cơn bão lớn đổ bộ qua địa bàn Tam Nông, gió giật mạnh làm cây Thị bị nghiêng, nhiều cành gãy rụng. Cả làng Dị Nậu bàng hoàng. Nhiều người không khỏi đau xót như thể người thân gặp nạn. Người già, người trẻ đều đổ về điện Bắc, chung tay đào hố, xây trụ bê tông để chống đỡ thân cây, giữ lại “cụ” Thị cho đời sau.
Người dân chống đỡ cây thị sau cơn bão
Ông Tạ Đình Hạp (88 tuổi, người có nhiều năm nghiên cứu về di tích lịch sử của làng Dị Nậu) kể lại: “Cây Thị không chỉ là cây cổ thụ, mà là một phần hồn cốt làng. Nhìn cây đau mà người cũng đau. Giữ được cây là giữ lấy ký ức, giữ lấy gốc rễ của quê hương”.
Ông Tạ Đình Hạp - người có nhiều năm nghiên cứu về di tích lịch sử của làng Dị Nậu, giới thiệu về cây thị cổ thụ nằm trong khuôn viên di tích.
Và thế là, qua bão giông, “cụ” Thị lại hồi sinh. Dưới tán lá ấy, trẻ em vẫn vui chơi, người lớn vẫn dừng chân nghỉ ngơi, khách thập phương vẫn tìm về chiêm ngưỡng và thắp nén nhang thành kính trước miếu thờ Đức Thánh Tản Viên. Cây Thị vẫn tiếp tục vươn lên, vẫn nở hoa, kết trái - như minh chứng cho sức sống trường tồn của văn hóa dân gian và niềm tin mãnh liệt vào cội nguồn.
Thiết nghĩ, cần có những biện pháp cụ thể và kịp thời để bảo vệ, tôn tạo, nghiên cứu và quảng bá rộng rãi hình ảnh cây Thị cổ ở Dị Nậu. Không chỉ như một “cổ thụ ngàn năm”, mà còn như một “nhân chứng văn hóa” sống động, góp phần gìn giữ hồn Việt từ những điều bình dị nhất.
Bảo Như
0:18:05:2025:08:09 GMT+7