Nếu chỉ có một buổi để trải nghiệm ẩm thực của thị xã Phú Thọ, có lẽ nhiều người sẽ chọn ghé chợ Mè, đây là khu chợ lâu đời và cũng là “tọa độ ẩm thực” được yêu thích nhất thị xã. Ngay giữa khu chợ chính, không khó để bắt gặp dãy quán hàng liền kề nhau, bày bán đủ các món quà quê. Cả thế giới ẩm thực ấy chứa đầy trong ký ức của những ai đã từng lưu lại nơi đây. Mỗi sớm mai, các bà, các mẹ sau mỗi buổi đi chợ đều không quên ghé mua đôi ba món làm thứ quà sáng cho các cháu con.
Nhắc đến ẩm thực của nơi đây, không thể không nói đến bánh tai, món quà sáng đặc trưng đã gắn bó với người dân thị xã từ bao đời. Bánh được làm từ gạo tẻ, bên trong có nhân thịt lợn. Bánh có hình dáng giống chiếc tai nên được gọi là bánh tai. Nhìn qua thì đơn giản, nhưng để có được chiếc bánh dẻo, mềm, thơm, đòi hỏi sự kỳ công trong từng khâu chế biến, từ chọn gạo, ngâm, xay, đến nhào bột và hấp bánh. Bánh tai ngon nhất là ăn ngay sau khi người bán vừa lấy từ xửng hấp ra, bánh bốc hơi nghi ngút, chấm kèm với nước mắm được nêm gia vị chua, cay, mặn, ngọt, đem đến cho người thưởng thức một cảm giác khó quên của vị dẻo thơm, bùi béo.
Cô Đinh Thị Hoàn - người chuyên làm món bánh tai bán tại chợ Mè chia sẻ: “Gắn bó với nghề làm bánh tai đến nay đã ngót 22 năm. Ngày nào tôi cũng dậy từ hơn 3 giờ sáng để làm bánh. Công đoạn làm bánh phải qua nhiều bước, phải ngâm gạo từ hôm trước, xay nhuyễn, lọc bột cho mịn rồi mới nhào nặn... Trông chiếc bánh đơn giản thế thôi, nhưng để giữ được hương vị xưa của nó phải làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, nếu không mẻ bánh sẽ hỏng ngay. Chả thế mà nhiều khách quen, có người đi xa cả chục năm đến khi về tới thị xã là tìm đến hỏi bánh tai cô Hoàn”.
Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, tay cô Hoàn vẫn thoăn thoắt gói bánh giao cho khách. Đôi bàn tay đã quen việc đến mức chẳng cần nhìn cũng thành thục. Đa số mọi người đến quán cô Hoàn ăn xong đều mua thêm mang về. Mới gần 8h sáng mà mẻ bánh tai tận vài trăm chiếc của cô đã hết veo.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây, bánh tai nổi tiếng nhất phải kể đến hàng của bà Giản Định ở Giếng Thánh, phố Bạch Đằng, phường Âu Cơ. Sau đó nghề được truyền cho các con cháu. Hiện nay, món bánh tai đã được sản xuất ở một số địa chỉ có tiếng như quán Chiến Lập ở phường Phong Châu, bánh tai cô Hoàn ở chợ Mè... Trải qua năm tháng, bánh tai thị xã vẫn âm thầm “giữ chân” thực khách bằng hương vị mộc mạc như chính con người nơi phố thị vậy.
Không chỉ dừng lại ở món bánh tai, vào mỗi sớm mai, len lỏi trong từng con ngõ nhỏ hay ven những tuyến phố chính, là những quán hàng ăn sáng với quy mô nhỏ nhưng luôn đông khách. Trong đó, món bánh cuốn là một món ăn quen thuộc được nhiều thực khách ưa chuộng.
Nổi tiếng nhất phải kể đến quán cô Tâm - nằm khiêm tốn sau Trường THCS Sa Đéc, phường Hùng Vương. Không biển hiệu, không quảng cáo rầm rộ nhưng ai từng đến đều không quên được vị bánh cuốn cô Tâm. Bánh cuốn của cô được tráng tại chỗ, khách ăn đến đâu là tráng đến đó. Nhân bánh gồm thịt băm, mộc nhĩ được cuốn vừa tay, lớp vỏ bánh trắng trong, mềm mỏng. Khi ăn có kèm thêm chả nướng trên than hoa, nước chấm pha từ nước mắm cốt, điểm thêm vài lát ớt đỏ tươi, dưa góp tạo nên cảm giác tròn vị riêng có.
Một trong những địa chỉ quen thuộc khác không thể không nhắc tới là gian bánh cuốn nhỏ hơn 30 năm của cô Vũ Thị Tiến ở tại chợ Mè. Quán bánh của cô Tiến nằm khiêm tốn giữa khu ẩm thực sầm uất, cũng không biển hiệu, chỉ vài chiếc bàn nhựa, vài chiếc ghế gỗ nhưng lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Giá cả thì vô cùng bình dân, chỉ từ 10.000 đến 25.000 đồng một suất, phù hợp với mọi tầng lớp thực khách.
Đặc biệt ở thị xã còn có một nghề truyền thống đã trường tồn gần trăm năm tuổi đó là nghề làm bánh trung thu. Từ năm 1930, cụ Hoàng Quỹ – người gốc làng Nội Am, Hà Nội – đã mang nghề làm bánh kẹo lên Thị xã Phú Thọ, mở hiệu Quảng Hưng Long. Trải qua nhiều thế hệ, con cháu cụ đã phát triển nghề thành các thương hiệu được nhiều người biết đến như Hoàng Vần, Tạ Quyết, Thu Thủy, Tuấn Anh, Luận Sang... Bánh trung thu có hai loại chính là bánh nướng và bánh dẻo. Nguyên liệu tưởng chừng đơn giản, nhưng bí quyết gia truyền trong khâu pha bột, nấu nước đường, chọn nhân, ướp hương hoa bưởi... đã tạo nên sự khác biệt. Bánh nướng mềm mà không khô, béo nhưng không ngấy, bánh dẻo ngọt dịu, dẻo vừa phải. Đặc biệt, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng nên vào mỗi mùa Trung thu, bánh của thị xã được người dân khắp nơi tìm chọn làm quà biếu, quà tặng đầy ý nghĩa.
Ngoài ra, khi đến với thị xã, mọi người còn được biết đến các món ngon ăn vặt khác như nộm đu đủ, chè thập cẩm, các loại bánh rán, bánh tẻ, bánh giầy, bánh giò, ốc luộc...
Ninh Giang – Hà Trang
6:17:05:2025:09:53 GMT+7