Vượt hàng trăm km đường đèo, chúng tôi đặt chân đến huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào ngày nắng rực rỡ. Theo chân cán bộ Đồn Biên Phòng Lũng Cú, chúng tôi đến thăm làng cổ Má Lé, nằm tại xã Má Lé, huyện Đồng Văn. Đây là một trong những ngôi làng cổ ở Hà Giang vẫn giữ nét đẹp cổ kính, bảo tồn trọn vẹn giá trị văn hóa và kiến trúc độc đáo của cộng đồng người dân tộc Giáy.
Làng cổ Ma Lé hiện có hơn 50 hộ dân sinh sống, hầu hết đều là người dân tộc Giáy. Những ngôi nhà ở đây do chính tay người dân xây dựng, nhiều ngôi nhà có tuổi đời đến 200 năm, có thể thấy được sự tài hoa của người Giáy trong việc xây dựng nhà cửa.
Theo quan niệm của người Giáy, hai yếu tố quan trọng cần cân nhắc trước khi làm nhà là đất và hướng nhà, vì sẽ quyết định sự thành bại của gia chủ. Đằng sau nhà cần có chỗ tựa, thường là tựa vào núi hoặc nếu không thì ít nhất phía xa sau lưng nhà phải có núi để tạo sự vững chắc.
Căn nhà sàn có tường đất vàng óng, mái lợp ngói âm dương đặc trưng. Người Giáy sử dụng đá để xây dựng toàn bộ móng và chân tường. Kỹ thuật ghép đá, chạm khắc trên đá của người Giáy khá công phu. Trên những phiến đá, hoa văn được chạm trổ thể hiện kỹ thuật tinh xảo. Họa tiết chủ yếu là con vật, hoa lá... phản ánh cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, gỗ nghiến, thông đá, thông đỏ được người Giáy làm nhà vô cùng chắc chắn, trên đó họ điêu khắc đầu rồng, dơi, voi đỡ xà... Khi dấu chân của thời gian đã in hằn lên những bức tường, mái ngói cũ kỹ, văn hóa người Giáy thể hiện trong kiến trúc vẫn không bị mai một.
Gần 100 năm nay, rừng ngày càng thu hẹp nên người Giáy xây nhà bằng đất. Có hai phương pháp, một là làm trình tường: Dùng đất nhão lèn chặt vào khuôn tường để thành một ngôi nhà đúc bằng đất; hai là trộn đất nhão với rơm, rạ đóng thành gạch rồi xây nhà. Loại vật liệu này đơn giản nhưng có sức chịu đựng dẻo dai với nắng gió trên cao nguyên Đồng Văn.
Những cô gái dân tộc Giáy luôn tự hào vì đã được các bà, các mẹ chỉ bảo, truyền dạy cách thêu thùa làm khăn, làm giày ngay từ khi còn nhỏ. Những bộ trang phục không chỉ góp phần tạo nên vẻ đẹp người Giáy, mà còn thể hiện ý thức về sự nhẫn nại, cần cù của người dân trong lao động sản xuất.
Trang phục phụ nữ người Giáy ở Má Lé thông thường là áo dài xanh hoặc đen, vạt đến ống quyển, cài khuy từ cổ chéo xuống nách, giống như áo dài của người Kinh. Ngày nay, khuy áo được cách điệu bằng những hình dạng bắt mắt. Phần eo thắt đai lưng bằng vải với màu sắc đa dạng, có thể là màu đen xanh hoặc màu hồng rực rỡ, có tác dụng như bệ tì cho phần bụng hay dùng để cài dao, lạt buộc...
Cùng với trang phục, phụ nữ Giáy vấn tóc kiểu vành khuyên, khăn đội đầu sử dụng các hình kẻ màu đan chéo nhau, có kỹ thuật phối màu dựa trên nền vải sáng, sử dụng những gam màu rực rỡ, tương phản, được xem là một đặc điểm nổi bật về tiêu chuẩn cái đẹp của phụ nữ Giáy.
Để tương xứng với quần áo, khăn đội đầu là những đôi giày thêu một cách rất cầu kỳ. Đến Ma Lé, du khách rất dễ bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ ngồi thêu giày dưới hiên nhà. Họ có thể bỏ ra hàng tháng để thêu cho đôi giày những đường nét tinh tế. Thông thường hình thêu trên đó là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi: Đôi uyên ương, hai bông hoa đào... Chỉ màu phối một cách cầu kì, để tạo nên những mảng màu nổi bật, thể hiện rõ nét cá tính của người phụ nữ dân tộc Giáy: Mạnh mẽ, nồng nhiệt nhưng không kém phần lãng mạn, dịu dàng.
5:02:08:2024:15:56 GMT+7