Cập nhật: Thứ 7, 17/09/2016 | 07:32 GMT+7

Xử lý vi phạm Luật Đê điều "đá ném ao bèo"!

PTO- Hơn chục năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố vỡ đê dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đáng mừng! Nhưng cũng đáng lo. Bởi lẽ, dường như công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê đang có phần bị sao nhãng, xem nhẹ khi các vụ việc vi phạm Luật Đê điều đang ngày một tái diễn, gia tăng cả về số lượng và quy mô, mức độ trong khi việc phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật hiện hành vẫn thiếu kiên quyết, triệt để, nếu không muốn nói như “đá ném ao bèo”, “bắt cóc bỏ đĩa”…

Vật liệu xây dựng chất vượt cao trình đê hữu Sông Lô.

Dễ thấy… khó xử lý!

Dọc theo đê hữu sông Lô đoạn qua địa phận xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì nhiều năm nay vẫn tồn tại bãi tập kết vật liệu xây dựng với các hoạt động mua bán diễn ra sôi động. Xe tải trọng lớn băm nát mặt đường. Cát, sỏi, đá chất như núi, tràn lên thân đê, vượt cao trình đê. Nhiều công trình nhà xưởng được xây dựng kiên cố, hoạt động sản xuất bê tông tươi diễn ra hàng ngày ngay trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu thừa nhận: Hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ đê theo quy định của Luật Đê điều tồn tại đã lâu trên địa bàn xã. Phượng Lâu có khoảng 2km đê hữu sông Lô và đang có 4 doanh nghiệp sử dụng bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng là: Công ty TNHH Việt Tiến, Công ty CP Tùng Ngọc, Công ty CP Thượng Long, Công ty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang và gia đình ông Đỗ Trọng Năng có hoạt động kinh doanh cát sỏi. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này đều có hành vi chất cát, sỏi vào hành lang bảo vệ đê, vi phạm Luật Đê điều. Nghiêm trọng hơn, có doanh nghiệp còn xây nhà kiên cố, xây dựng trạm trộn bê tông trong lòng bãi sông… UBND xã đã nhiều lần cử cán bộ xuống đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp có hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và báo cáo với UBND thành phố Việt Trì…Tuy nhiên, các hành vi vi phạm nói trên không những vẫn tồn tại mà còn có chiều hướng gia tăng. Mới đây, ngày 12-8, UBND xã Phượng Lâu đã phối hợp với Hạt Quản lý Đê Việt Trì tiến hành kiểm tra, lập biên bản hành vi vi phạm của 4 doanh nghiệp. Ngày 19-8, UBND xã tiếp tục phối hợp với Hạt Quản lý Đê Việt Trì, Phòng Kinh tế UBND thành phố, Xí nghiệp Thủy nông Việt Trì tiến hành kiểm tra, lập biên bản hành vi vi phạm Luật Đê điều của gia đình ông Đỗ Trọng Năng. Các biên bản đều ghi rõ hành vi chất cát sỏi vào hành lang bảo vệ đê điều. Tuy nhiên, trong phần biện pháp giải quyết và kiến nghị, với các doanh nghiệp, UBND xã yêu cầu: “Hạ tải số vật liệu cát, đá, sỏi bằng cao trình mặt đê”. Riêng với gia đình ông Năng, UBND xã yêu cầu “di dời toàn bộ số cát sỏi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê và công trình thủy lợi, trả lại hiện trạng như trước khi vi phạm. Thời gian xong trước ngày 25-8-2016.”! Lý giải điều này, Ông Nguyễn Hoàng Nam cho biết: Một số doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất, giấy phép mở bến bãi. Gia đình ông Đỗ Trọng Năng hoàn toàn không có giấy tờ hợp lệ trên. Vẫn biết, dù có giấy phép, nhưng hành vi xây nhà không đúng vị trí, chất cát sỏi cao vượt mặt đê của các doanh nghiệp đã vi phạm Luật Đê điều, cần phải xử lý, giải quyết triệt để. Nhưng rất khó để làm được điều đó bởi lẽ xã chỉ có thể xử phạt hành chính tối đa 5.000.000 đồng. Mặt khác, vài trăm hộ dân thuộc khu I, khu II đã cho các doanh nghiệp thuê đất trái phép, nếu xử lý nghiêm chuyện này, không khéo sẽ…ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn!?

Vậy là hành vi vi phạm diễn ra ngang nhiên, tồn tại dai dẳng, ai cũng biết, cũng thấy nhưng đến giờ UBND xã vẫn “kiên trì” đôn đốc, nhắc nhở, lập biên bản và xử phạt hành chính…định kỳ. Có lẽ, việc làm này cũng được các doanh nghiệp vi phạm “nhất trí, đồng thuận cao”. Tất nhiên, hành lang bảo vệ đê vẫn bị vi phạm cùng với nguy cơ sạt trượt, mất an toàn đến tính mạng và tài sản người dân…

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 156 vụ vi phạm như đổ đất, chất thải lên hành lang đê, xây tường rào, trồng cây trên mái đê, neo đậu tàu thuyền vào chân kè, bơm hút cát lên đỉnh kè, xây nhà tạm và mố cảng bãi ven sông, xây nhà xưởng, xây dựng nhà kiên cố, làm cầu bê tông từ nhà lên mái đê...Trong đó, các tuyến đê có lực lượng quản lý đê chuyên trách xảy ra 65 vụ và vẫn còn 13 trường hợp tồn tại chưa giải quyết được (thành phố Việt Trì: 9 trường hợp; huyện Lâm Thao: 2 trường hợp; huyện Thanh Thủy: 2 trường hợp). Các tuyến đê do các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp quản lý có 91 trường hợp vi phạm và đã giải quyết dứt điểm được 74 trường hợp. 17 trường hợp vi phạm còn tồn tại thuộc địa bàn thành phố Việt Trì (8 trường hợp), huyện Đoan Hùng (3 trường hợp), Phù Ninh (3 trường hợp), Thanh Ba: (1 trường hợp), Hạ Hòa (2 trường hợp). Đối với một số trường hợp vi phạm trong việc mở bến bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn huyện Phù Ninh và Đoan Hùng, UBND tỉnh đã thành lập riêng các đoàn kiểm tra liên ngành xác định và xử lý các vi phạm liên quan...

Cộng đồng trách nhiệm

Trên địa bàn tỉnh ta có 3 sông lớn là sông Thao, sông Lô và sông Đà cùng 2 sông nhỏ (sông Bứa, sông Chảy); 70 ngòi có diện tích lưu vực trên 10km2 và các suối nhỏ dày đặc. Hệ thống đê điều hiện có: 508,7km đê các loại; 456 cống trong đó 377 cống dưới đê và 79 cống dưới đê bao, đê bối; 1 phai ghi (ga Việt Trì); 5 cửa khẩu tại K100,1, K100,85, K101,0, K102,2, K102,283 đê tả Thao; 84 tuyến kè (hộ chân, hộ chân lát mái) với tổng chiều dài 103,05km và hệ thống kè mỏ hàn Lê Tính (11 mỏ); 32 điếm canh đê. Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của công tác quản lý, bảo vệ đê, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm trong việc huy động nguồn lực gia cố, tu bổ cũng như xử lý các hành vi vi phạm Luật Đê điều. Hàng năm UBND tỉnh đều thành lập các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các hoạt động khai thác cát, sỏi, kinh doanh bến bãi trên các tuyến sông và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và PCLB; Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đoàn thanh tra đi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Đê điều và PCLB đối với Chi cục Đê điều và PCLB và các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh; các Hạt Quản lý đê tích cực phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Tổng số tiền xử phạt hành chính và bán thanh lý các tang vật vi phạm từ năm 2011 đến nay là hơn 9.479 triệu đồng.

Hoạt động mua bán, vận chuyển vật liệu xây dựng diễn ra thường xuyên trong hành lang bảo vệ đê.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đê điều vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp và chưa thể xử lý dứt điểm trong ngày một ngày hai. Ông Nguyễn Hùng Sơn - Chi cục Trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão cho biết: Với sự phát triển nền kinh tế và sự chuyển từ phương tiện vận chuyển đường bộ sang đường thủy trong khi chưa hoàn thiện các thủ tục về thuê đất, cấp phép xây dựng công trình, các đơn vị, cá nhân đã tự ý đắp đất, mở các bến thủy để bốc xếp, vận chuyển hàng hóa dẫn đến nhiều vi phạm xảy ra. Cùng với đó, việc triển khai các dự án ở lòng bãi sông còn gặp nhiều khó khăn do các dự án có quy mô nhỏ nên việc lập dự án trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khó triển khai. Trong khi đó, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý đê điều còn hạn chế, đặc biệt là Chi cục Đê điều và PCLB và các Hạt quản lý đê (lực lượng chuyên trách quản lý đê) là cơ quan tham mưu và thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đê điều. Theo Quy định của Luật đê điều: Lực lượng chuyên trách quản lý đê chỉ có nhiệm vụ phát hiện, lập biên bản, tạm đình chỉ hành vi vi phạm và kiến nghị xử lý hành chính vi phạm pháp luật về đê điều. Việc xử lý các vi phạm về đê điều do chính quyền địa phương thực hiện còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Về quy phạm pháp luật, việc thực hiện xử lý vi phạm theo NĐ139/2013/ NĐ-CP của Chính phủ về Phòng chống lụt bão theo Pháp lệnh PCLB đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-5-2014 và được thay thế bằng Luật phòng chống thiên tai. Tuy nhiên quy định về xử lý vi phạm hành chính về PCTT chưa được thay thế. Thêm vào đó, quy định trong công tác quản lý lòng, bãi sông giữa các ngành còn chồng chéo. Một số địa phương vẫn còn né tránh, chưa thực sự kiên quyết vào cuộc trong vịêc xử lý các vi phạm trên địa bàn. Việc kiểm tra phát hiện một số vụ vi phạm còn chậm. Có tuyến đê khi nâng cấp do kinh phí đầu tư của Nhà nước hạn hẹp, chỉ đền bù giải phóng mặt bằng đến chân đê, vì vậy không còn đất làm hành lang, các hộ dân phải làm dốc, xây cầu ra mặt đê để đi lại, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý các vi phạm. Chế tài xử lý các vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn một số vi phạm khi xử lý xong lại tái phạm....

Không thể phủ nhận thành tích đã đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm Luật Đê điều của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế tình trạng vi phạm tồn tại kéo dài, có chiều hướng diễn biến phức tạp đã và đang đòi hỏi chính quyền các cấp cũng như cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, giữ an toàn cho các tuyến đê. Cùng với đó, đóng vai trò công trình an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản người dân, bảo vệ, hộ đê là nhiệm vụ của cộng đồng xã hội đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi công dân. Không thể vì lợi ích của một vài cá nhân mà xem nhẹ sự an toàn xã hội…

Cao Khôi



 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Những ngọn “bạch lạp” Trường Sa

Những ngọn “bạch lạp” Trường Sa
00:36 10/09/2016

PTO- Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, vượt qua hải trình 500 hải lý với hai lần lên thăm quân dân đảo Trường Sa Lớn và đảo ngầm Đá Lát, sáng sớm ngày thứ tư, đoàn công tác lên...

Chuyện về một liệt sĩ Gạc Ma...

Chuyện về một liệt sĩ Gạc Ma...
03:12 27/07/2016

Đã 28 năm trôi qua, 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh dũng cảm trong trận Gạc Ma 1988 – một trận đánh không cân sức giữa ta với kẻ thù trên biển. Máu các anh đổ, đã hòa vào biển...

Lời thỉnh cầu thiêng liêng...

Lời thỉnh cầu thiêng liêng...
10:25 21/07/2016

PTO- Điểm dừng chân cuối của đoàn lãnh đạo Đảng ủy, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo Phú Thọ trong hành trình về miền trung dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...

Sâu lắng hành trình tri ân

Sâu lắng hành trình tri ân
08:53 15/07/2016

Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập niên. Thời gian đã xoa dịu nhiều nỗi đau thương mất mát, nhưng ký ức bi tráng trên chiến trường miền trung những năm kháng chiến

Sâu lắng hành trình tri ân

Sâu lắng hành trình tri ân
01:45 08/07/2016

PTO- "Uống nước nhớ nguồn", tri ân công đức tiền nhân dựng nước, mở mang bờ cõi, xả thân bảo vệ độc lập chủ quyền luôn là đạo lý sống từ ngàn đời nay của dân tộc Việt.

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

22°C - 27°C
Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 26°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long