
{title}
{publish}
{head}
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mỗi thôn làng, ngọn núi, dòng sông đều như gắn liền với những chiến công hiển hách.
Trên quê hương Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn của dân tộc, cũng đã có một dòng sông đi vào lịch sử cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ anh dũng của nhân dân ta. Đólà dòng sông Lô mà hình ảnh của nó ngời sáng trong bản trường ca nổi tiếng của nhạc sĩ - thi sĩ Văn Cao còn ngân vang cho đến bây giờ:
“Sông Lô, gió ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru tiếng sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu”...
Chiến thắng Sông Lô là chiến thắng mở màn cho cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, là sự khẳng định sức mạnh toàn dân sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch (19-12-1946) và là bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ngày 7-10-1947, giặc Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc bằng cả hai gọng kìm thủy - bộ. Ngày 9-10-1947, thủy đội Pháp gồm 40 tàu, ca nô rời bến Sơn Tây và Hà Nội ngược sông Hồng tiến lên Việt Trì. Ngày 11-10, chúng bắt đầu ngược dòng sông Lô. Trong suốt chặng đường từ Việt Trì đến Tuyên Quang (23-10), địch liên tiếp bị quân ta chặn đánh, tiêu hao sinh lực, bị tổn thất về lực lượng và hoang mang về tinh thần. Và trận đánh lịch sử trên dòng sông Lô thuộc địa phận huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã diễn ra từ 11 giờ 45 phút ngày 24-10-1947.
Các trận địa phục kích của pháo binh, bộ binh yểm trợ của ta đã sẵn sàng. Dân quân, du kích, nhân dân Đoan Hùng, trong đó có bà con giáo dân 2 làng công giáo Hữu Đô và Lã Hoàng đã tích cực phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng những trận địa pháo thật và giả. Hàng trăm, nghìn quả bưởi của xã Chí Đám - đặc sản nổi tiếng của Đoan Hùng - đã được gọt bỏ vỏ, sơn đen bằng dầu luyn trộn nhọ nồi, bồ hóng bếp, xâu thành chuỗi chăng ngang sông từ cây đa làng Lã Hoàng sang bến Chảy đầu làng Hữu Đô giả làm thủy lôi cản tàu địch, tạo điều kiện cho pháo binh tiêu diệt chúng. Du kích Hữu Đô lập trận địa nghi binh thu hút hỏa lực địch bằng các vật liệu có sẵn của địa phương như củi khô, nứa tép tẩm dầu tây...
Trận đánh diễn ra thật bất ngờ khiến địch không kịp trở tay. Kết quả: Ta đã bắn chìm tại chỗ 2 chiếc tàu, bắn bị thương 2 chiếc khác, hạ 1 thủy phi cơ và tiêu diệt 350 tên địch.
Trận Đoan Hùng kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khởi, tin tưởng của quân dân khu 10, đặc biệt là địa phương sở tại: Chí Đám, Hữu Đô, Lã Hoàng, Thọ Sơn. Sau chiến thắng oanh liệt này, pháo binh khu 10 được vinh dự nhận danh hiệu “pháo binh Sông Lô” và Trung đoàn 112 được mang tên “Trung đoàn Sông Lô”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến thắng sông Lô (nói chung) và trận đánh Đoan Hùng 24-10-1947 (nói riêng) đã đi vào trang sử hào hùng 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Ngày nay, khi đứng trên mảnh đất giao lưu của dòng sông Lô - sông Chảy, ngắm làn nước biếc xanh với đôi bờ mượt mà ngô mía, trong từng hồi chuông nguyện kinh ngân lên từ các nhà thờ Hữu Đô, Lã Hoàng... ta như còn nghe âm vang tiếng súng, tiếng hò reo của bộ đội, dân quân, du kích và những người nông dân, giáo dân đã làm nên chiến công hiển hách năm xưa. Và trong lòng mỗi người tới thăm vùng đất này lại bồi hồi nhớ tới những câu thơ giản dị, thân thuộc đậm đà chất ca dao vùng đất Tổ:
Việt Bắc có con sông Lô
Mùa mưa ngập bến, mùa khô cạn dòng
Giặc Pháp lên đấy uổng công
Tàu chìm mất xác, quân không trở về.
Còn khu di tích lịch sử với Tượng đài chiến thắng Sông Lô hiên ngang, bề thế nằm trên núi Đồn sẽ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của bản hùng ca từ một dòng sông đất Việt.
baophutho.vn Từ 3/4-7/4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức cấp phát tặng nước uống miễn phí cho người dân và du khách đi lễ hội Đền Hùng.
baophutho.vn Theo ước tính của Ban tổ chức, năm nay vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa-du lịch Đất Tổ sẽ đón khoảng 4 triệu du khách. Cùng với việc...
Những năm 1947 - 1948, nhà thơ Tố Hữu cùng với cơ quan văn nghệ Việt Nam do ông phụ trách đóng ở xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa. Cùng với ông, ở nhà bà cụ Gái còn có...
Tại thời điểm tháng 6-2003, huyện Cẩm Khê còn 12,4% hộ gia đình thuộc diện nghèo, trong đó có 222 hộ vẫn sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát.
Ven bờ sông Lô thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì có một ngôi miếu nhỏ nằm nép dưới tán hai cây cổ thụ. Đấy là nơi thờ Trinh Thục công chúa, Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị...
Mỹ Á - bản của người H’mông như một ốc đảo giữa núi rừng bạt ngàn. Cả bản chỉ có 57 hộ nhưng có tới 468 nhân khẩu nằm rải rác trên các sườn đồi nhấp nhô.
Làng văn hóa Do Nghĩa (xã Sơn Vi - Lâm Thao) là một trong 2 làng cổ có từ thời Hùng Vương dựng nước. Người dân Do Nghĩa luôn tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời và ý thức...