Cập nhật: Thứ 7, 19/02/2005 | 10:20 GMT+7

Cọ buồn trên đất đá

Cây "đà" bằng tre gẫy mấu này

đã giết chết chú Điều "lá".

Nhà văn Ngô Ngọc Bội, hơn sáu mươi năm qua, hầu như chỉ gắn bó với cái rốn cọ, nơi nhiều cọ nhất Việt Nam vùng Cẩm Khê - Sông Thao - Phú Thọ ấy, ông hiểu về sự kỳ diệu của cọ, và cũng đau với cảnh cọ bị bạc đãi mãi rồi. Ông ao ước, giá mà ở nơi nhiều cọ nhất Việt Nam này, chúng ta làm được một cái bảo tàng về cọ để phát triển du lịch thì thật là vô giá!

Mà cũng lạ, tại sao thông Đà Lạt, sa mộc Sa Pa, rồi đến cả cái bông điên điển vàng vô thưởng vô phạt ở miền Tây Nam Bộ, đến cả những triền đá tai mèo sắc và xám đến rợn người ở Hà Giang... đều được coi là bản sắc vùng đất, coi là yếu tố tạo nên những trầm tích văn hoá riêng có của quê hương - trong khi ấy cọ cứ hiu quạnh với cảnh "quê em miền trung du ngày hai bữa sắn rù" mãi thế? Mỗi lần nghĩ đến số phận của cây cọ và rừng cọ hôm nay, tôi lại thấy buồn và tiếc nuối...

Ba mươi nghìn mua được cả trăm năm tuổi cọ

Từ lúc còn học vỡ lòng, thế hệ học trò sinh ra sau ngày giải phóng chúng tôi, ai cũng được học thuộc những dòng về cọ như thế này: "Chẳng có nơi nào như Sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng... thân cọ cao hàng hai ba chục thước", rồi cảnh đi trong rừng cọ ngày mưa không ướt áo, rồi cảnh mùa đến quả cọ vàng váng mỡ được ỏm trong nước đồi lăn tăn sôi mắt cua, ăn vừa bùi vừa thơm. Rồi lại cảnh: "Hôm nay mẹ lên nương/Một mình em đến lớp/Cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi". Lớn lên, xa quê, nghĩ đến cọ lại càng thấy mến thương. Đời cọ rất lạ, cọ rất triết lý.

Mỗi cây cọ đã sống qua bao nhiêu thế hệ người, mà tấm thân to lắm cũng chỉ bằng một người ôm, cũng chỉ cao hai ba chục mét là cùng. Thân cọ già mà mắt lá cọ lúc nào cũng non tơ ngơ ngác. Cọ giản dị quá thể, giản dị đến mức sau mấy trăm năm tuổi, một cây cọ giờ có chặt đi đem bán cũng được đúng 30 nghìn Việt Nam đồng tính ở thời giá những ngày của năm 2005 này. Tức là số tiền mấy chục triệu một mét vuông đất ven Hà Nội đem lên Cẩm Khê thì có thể mua được dăm bảy quả đồi cây cọ, mỗi cây cọ đều cổ thụ với vài trăm tuổi đời! Một phép tính mà những người yêu rừng cọ đồi chè không dám đặt ra.

Cọ giản dị đến mức, mỗi năm cọ chỉ cho đời đúng có 12 lá ứng với 12 tháng của năm, bất kể năm ấy tháng nhuận hay tháng hụt. Mỗi lá ở thời điểm năm 2005 này là đúng 240 đồng tiền Việt Nam, tức là ba tàu lá cọ vẫy gió kia mới đổi lại được một mớ rau muống, và 8 lá mới được số tiền mọn đủ đánh một đôi giày cho người ở phố(!). Sao thân cọ thì đẹp khắc khổ, sao lá cọ thì đẹp non tơ, mà nguồn lợi nuôi cái miệng ăn của người trồng cọ nó lại rẻ mạt đến thế hả nắng gió đất rừng trung du? Cọ giản dị đến không ngờ, mà cọ cũng thiêng liêng đến không ngờ. Tại sao cọ biết một năm có 12 tháng mà săm soi và khắc nghiệt để mở bầu đẻ ra đúng 12 chiếc lá? Hay cọ chính là một quyển lịch vạn niên cổ kính của đất trời, quyển lịch mà sau khi bỏ trần gian lên ở hẳn trên trời các vị tiên thánh đã cài cắm lại ở cõi hồng trần?

Cẩm Khê là nơi nhiều cọ nhất Việt Nam. Rừng cọ Cẩm Khê cho đến trước khi bị đi vào thoái trào, theo thống kê, có khoảng 7.000 mẫu, riêng xã Phú Khê của tôi có tới 800 mẫu! Một bảo tàng cọ khủng khiếp; những rừng cọ nguyên sinh ấy đã đánh dấu một thời huyền diệu của cọ Phú Khê. Lịch sử chiến tranh vệ quốc của ta có lẽ phải ghi thêm những ngày bà con huyện Cẩm Khê anh hùng chặt lá cọ nộp cho Nhà nước đi lợp lán dân công, lợp kho súng kho đạn trong chiến trường nữa chứ. Nhà văn Ngô Ngọc Bội xứng đáng là người thư ký trung thành của miền cọ, khi ông đã từng viết trên Báo Văn Nghệ những dòng thế này: "Con tôi vào chiến trường... và năm 1968, miền Bắc bị đánh phá ác liệt lại vừa có lụt lớn. Cả đất Phú Khê làm cọ cho Nhà nước... Một xã hơn 2.000 dân, làm cho Nhà nước 2 triệu tàu lá cọ, một năm xã có hơn 40.000 công làm lá cho Nhà nước con số ấy, chắc là không nhỏ. Những ngày ấy là ngày hội của lá cọ và người đất lá".

Đúng là đất cọ anh hùng. Bà tôi bảo, cái chợ Me vùng Cẩm Khê cũ này vốn xuất thân là chợ lá, thứ chợ bán độc có lá cọ. Cọ có một đơn vị đong đếm riêng, ấy là "mớ", mớ lá, một mớ là một vạn tàu lá! Bản quyền lá cọ lợp nhà, lá cọ làm chổi quét từ Cẩm Khê "phát hành" đi cả nước. Chợ lá cọ vùng Me ngày xưa là nơi hò hẹn của khách thương hồ đi dọc sông Thao; đi từ vùng Lào Cai, Yên Bái đi về. Họ mua gỗ, mua nứa, tre, vầu, song, mây... từ miền ngược trở về; đi qua Cẩm Khê, ghé mua nốt mấy mớ lá nữa là vừa vặn đủ nguyên liệu để có thể "tự cung tự cấp" dựng rất nhiều căn nhà.

Có một bản trường ca phá cọ mà mãi mãi sau này con cháu chúng ta còn phải chua xót. Bảy nghìn mẫu cọ Cẩm Khê giờ đã biến mất quá nhiều. Hồi còn hợp tác xã, năm ấy, ăn tết xong, cấy vụ chiêm còn dang dở, cán bộ cứ nhè các đồi cọ lớn mà thúc dân đi chặt lá cọ về nộp. Bà con nghĩ, sắn không có mà ăn, cả nhà đi chặt đến chợt chân chợt tay mới chặt được 1.000 tàu lá cọ tốt, gồng gánh đem ra chỗ thị trấn để "giao sản phẩm"; ai ngờ, đến lúc giao cọ xong lại bị Nhà nước trừ béng lá cọ ấy vào công vào điểm mà không giao tiền tươi thóc thật để cứu đói. Bà con chán lắm, hoá ra nhà nào càng nhiều cọ lại càng phải nai lưng ra chặt lá nhiều. Khổ vì cọ, khổ vì mấy ông cán bộ xắn quần móng lợn kia. Bà con uất lắm, mới bảo nhau gạt nước mắt cầm mồi lửa đốt rừng cọ. Hai ngày trời mà có tới 400ha cọ bị đốt cháy. Rừng cọ cháy, có quá nhiều người bật khóc.

Những cái chết đến từ... cây cọ

Tàu lá thứ 12 của mỗi cây cọ chuyển từ màu nõn chuối sang cái màu xanh cưng cứng, cũng là lúc bà tôi bói mắt lên góc đồi đi gọi thợ trèo lá đến. Người trèo cọ cho bà là chú Phan Văn Điều, làng thường gọi là chú Điều "lá", ý rằng chú làm nghề trèo lá trên đất lá. Chú Điều "lá" đến, vác theo một cái "đà" - đó là một cây tre dài, các cành mấu để nguyên không đẽo. "Đà" được dựng áp sát vào thân cọ già mấy trăm tuổi và cao mấy chục mét kia để leo - bởi chưng cọ không có cành nhánh ngang thân, không có điểm bám. Với nhiều cây cọ cao, một đà không tới "bầu" (bầu là đoạn ở gần ngọn cây, nơi chứa nước và thức ăn nuôi lá, cành và quả); lúc ấy lại phải dùng dây thừng nối thêm một "đà" ngắn nữa để có thể leo lên chặt lá.

Thường thì cả hai cái đà cũng chưa vượt qua được bầu cọ, chú Điều phải "trèo bộ" vượt lên. Bầu là chỗ cực kỳ nguy hiểm. Bám quanh bầu là các cẫng cọ mục ruỗng. Người trèo cọ chủ quan nếu bám vào những cẫng cọ cũ đó không khéo... cả bẹ cọ lẫn người rơi xuống vườn chè. Bầu cũng là nơi mà rắn, rết, ong độc hay "cư trú". Một con rắn lục nhò ra cắn chết một người thợ trèo cọ trẻ tuổi, chuyện ấy đã xảy ra.

Mới nhất, tại một vườn cọ ở xã Yên Tập trong huyện, người đồng nghiệp với chú Điều là bác Khả Dụng cũng đã bị ong bù trời đốt chết. Bác vừa vượt qua bầu, vừa bập dao vào cuống cọ đầu tiên thì ong bay ra đen đặc một vùng trời. Những con ong bù trời to hơn ong bù vẽ rất nhiều. Và loài ong độc này chỉ nhè đầu, cổ, gáy của kẻ phá tổ mà châm nọc. Bác Khả Dụng lỡ "nhây" vào tổ ong độc, theo quy luật gặp ong, bác cứ thế nằm im bám chắc bầu cọ, nằm cả tiếng đồng hồ ở "trên trời" mà không dám cụ cựa. Những người con của bác Khả Dụng phải hun lửa ở phía dưới gốc cọ để cứu bố. Khói xông mù mịt cả một quãng đồng. Bác xuống tới nơi, đầu sưng vù, nọc ong châm tím tái đen lỗ chỗ khắp đầu khắp cổ. Không có thuốc nào chữa được thứ nọc ong ấy và bác đã chết, bỏ lại 7-8 đứa con cho bà vợ vốn đã quá nghèo.

Nhưng rồi, hôm vừa rồi, tôi về, tình cờ đúng ngày đầy tháng ngày mất của chú Điều "lá". Tôi đến thắp nhang, cô Thơm - vợ chú cũng đứng khấn. Trên ban thờ, hai bên là hai bát khoai luộc - thứ khoai trắng ngà trông sường sượng nguồi nguội! Chú Điều "lá" chết thảm thương lắm. Chú đi trèo cọ ở nhà anh Tạo, cái mấu đà cũ bị tước dọc thân tre, quăng chú xuống sân giếng. Đưa lên đến bệnh viện huyện thì chú tắt thở. Công an đến hiện trường chỉ thu được "tang vật" là một cái mấu đà bằng tre cũ kỹ bóng nhẫy mồ hôi. Cô Thơm cho con sang vác cây đà về để ở cuối vườn nhà, bọn trẻ ném rơm rạ phủ lên như chôn chặt một cái nghề bạc phận.

Chú Điều chỉ là một ví dụ trong số hàng trăm người đã chết vì cọ. Nhưng đời cọ còn buồn hơn thế. Có cách nào để cứu những rừng cọ vừa cổ thụ lại vừa non tơ đã bao đời là biểu tượng đẹp, êm đềm và nền nã của đồng đất trung du nước Việt kia không?

Theo Báo Lao động


 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tới Phú Thọ, nhớ ăn bún cọ
08:24 05/10/2024

Phú Thọ là vùng đất của rừng cọ, đồi chè. Đời sống của người dân gắn bó keo sơn với cây cọ bao đời nay. Lá cọ xưa thường được dùng để lợp mái nhà, làm quạt, ...

Mùa cọ chín
03:31 17/12/2024

Đã từ lâu, cây cọ gắn bó với đời sống của người dân Đất Tổ từ cành, lá làm mành, làm chổi, lợp nhà... Rồi mùa đông đến, khi những buồng quả chín đậm màu, căng ...

Cọ ỏm đầu đông
07:44 04/12/2023

Phú Thọ vẫn được coi là thủ phủ của cọ, cây cọ tập trung nhiều nhất ở các huyện như: Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, ...

Cá lẹp mà kẹp lộc mưng
02:41 04/05/2024

Đêm, hương hoa ngào ngạt cả không gian nhỏ bé khu vườn nhà tỏa ra từ cây lộc mưng (lộc vừng) trước cổng. Sáng ra một lớp hoa đỏ rải thảm trên nền gạch thẫm. ...

Phiêu diêu trên hồ Ba Bể
00:04 28/02/2024

Nhìn từ trên cao, hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) giống như một viên ngọc xanh huyền diệu, nổi bật giữa hoang sơ núi non và rừng nguyên sinh trùng điệp. Ẩn chứa sau ...

Mật ngọt của mùa màng
15:41 18/04/2024

Nếu trên bầu trời xanh, mây trắng kỳ ảo thì dưới tán cây dịu mát là cả một sự sinh tồn lặng lẽ. Nào là lộc biếc, hoa, trái ngọt, nào là tiếng chim và cả những ...

Kè An Đạo kêu cứu

Kè An Đạo kêu cứu
02:33 20/01/2005

Tuyến đê Tây Sơn thuộc xã An Đạo, huyện Phù Ninh là tuyến đê trọng yếu nhất của tỉnh trên dòng sông Lô. Nhiều lần bị vỡ, 3 lần phải tu sửa lớn, tuyến đê này chỉ được bình yên...

Giáp Lai nhức nhối “Quặng tặc”

Giáp Lai nhức nhối “Quặng tặc”
06:29 12/01/2005

Xã Giáp Lai nằm ở phía Đông Bắc huyện Thanh Sơn. Từ những năm 1994-1995, khi phát hiện ra các mỏ quặng caolin hiện tượng khai thác trái phép nguồn tài nguyên này bắt đầu manh...

Gần sông vẫn khát

Gần sông vẫn khát
00:25 24/12/2004

Xã Cổ Tiết huyện Tam Nông có hơn 1000 hộ dân thì có tới 500 hộ nằm trong vùng thiếu nước ăn trầm trọng, trong đó có hơn 300 hộ dân đang từng ngày, từng giờ khấn trời cầu mưa....

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

21°C - 24°C
Nhiều mây, không mưa
  • 21°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 23°C - 28°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long