Con người vốn không được lựa chọn cách mình sinh, nhưng sống ra sao để không hoài phí những năm tháng của cuộc đời lại là quyền tự quyết của mỗi người. Đó là quan điểm của thầy giáo Trần Văn Lâm - Giáo viên môn Địa lí, Trường THCS Sông Lô, TP Việt Trì. Không chỉ vượt lên nghịch cảnh bản thân, thầy Lâm còn là tấm gương sáng về câu chuyện “sống đẹp” - tạo nên nguồn cảm hứng cho học sinh và cộng đồng.
Mắc khuyết tật ở chân, có xuất phát điểm khó khăn, chàng trai Trần Văn Lâm nỗ lực thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ (nay là Trường Đại học Hùng Vương). Tốt nghiệp loại Khá nhưng nỗi lo lại tiếp tục đè nặng lên đôi vai khi mẹ đã già và cha mất sớm. Ra trường, thầy dạy hợp đồng tại Vĩnh Phúc. Đến năm 2008, thầy chuyển về công tác tại Trường THCS Sông Lô. Thầy Lâm đạt giáo viên dạy giỏi tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh và được Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu...
Không chỉ có nhiều cống hiến trong công tác chuyên môn, thầy còn tham gia nhiều cuộc thi ngoài ngành giáo dục với kết quả như: “Đạt giải Nhì cấp thành phố và giải Ba cấp tỉnh trong cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (1940-2015); đạt giải Nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Tỉnh Hòa Bình - 130 năm xây dựng và phát triển (22/6/1886 - 22/6/2016)” và là người ngoài tỉnh duy nhất được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng Bằng khen.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013, cô giáo Lê Thị Anh Minh nhận công tác tại Trường Tiểu học Thu Cúc 2 (nay là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Thu Cúc 2) ở huyện miền núi Tân Sơn. Dạy học các môn văn hóa cơ bản còn nhiều trở ngại nên việc dạy học tiếng Anh ở đây còn khó khăn gấp bội. Cô Minh chia sẻ: 100% học sinh nơi đây là dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí học tập và bán trú. Tôi còn nhớ, ngày 20/11 năm đầu tiên về công tác, món quà bất ngờ mà học sinh tặng tôi là những bông hoa mào gà đơn sơ, giản dị. Tấm lòng của học trò khiến tôi rất xúc động, đây cũng là động lực để tôi thêm vững tin trên hành trình gieo chữ nơi bản xa.
Cô đã kết nối với giáo viên các nước như Anh, Mỹ, Ấn Độ hoặc các giáo viên và học sinh trong nước thông qua các phương tiện như Skype, Zoom...để các em được thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ với người nước ngoài. Nhiều học sinh của cô Anh Minh đạt giải Quốc gia ở cuộc thi Olympic tiếng Anh trực tuyến (OSE). Cô đã vinh dự được Bộ GD&ĐT tuyên dương tại chương trình vinh danh các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.
Hơn 30 năm qua, cô giáo Vũ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT Chuyên Hùng Vương cùng các thầy cô giáo trong tổ Sinh học của nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế. Nhiều năm liên tục, nhà trường có học sinh là thành viên của đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Sinh học Quốc tế và đạt giải. Đặc biệt là câu chuyện cô Hạnh trực tiếp dạy dỗ em Nguyễn Thị Thu Nga, học sinh đoạt giải Olympic Sinh học Quốc tế năm 2020.
Câu chuyện xúc động về 2 cô trò bắt đầu từ việc em Nga là học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh năm lớp 9 và được tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên Hùng Vương nhưng do có hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã không lựa chọn Chuyên Hùng Vương, ngôi trường mà em mơ ước để học gần nhà. Khi đó, cô giáo Hạnh đã thuyết phục Nga về nhà mình ở và học tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương, theo đuổi giấc mơ trong khi chính cô cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Chồng cô mất sớm, một mình cô chăm sóc hai con. Đền đáp lại tình cảm của cô giáo, Thu Nga đã nỗ lực giành được nhiều kết quả học tập xuất sắc khi em đoạt Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế và được tặng Huân chương lao động hạng Ba. Nga đã được Trường Đại học Y Hà Nội tuyển thẳng và hiện đang là sinh viên năm thứ 3 ở ngôi trường danh giá này.
Hạnh Thúy - Hà Trang
3:14:08:2024:08:54 GMT+7